Nghe tin cô cháu gái sắp ly hôn “tập hai”, cả họ ai cũng lắc đầu, vừa thương vừa giận. Cháu kết hôn lần đầu khi vừa tốt nghiệp đại học, ly hôn chỉ hai năm sau đó.

Cháu là con một, từ nhỏ đã được anh chị tôi cưng chiều nên chẳng biết làm việc nhà. Chồng nó cũng biết tính vợ, nhưng nghĩ khi làm vợ, cô ấy sẽ sửa đổi. Lúc đầu, cô cháu tôi cũng ráng sức nấu bữa cơm, lau cái nhà, nhưng chỉ vài bữa đã chịu không thấu, đành thuê người giúp việc. Có người làm, cháu bỏ hết mọi việc, vô tư la cà sau giờ làm. Vợ chồng cứ cãi nhau suốt. Cháu tôi thật sự không hiểu sao lại có thứ đàn ông ích kỷ, thích đày vợ như vậy. Cơm ai nấu cũng vậy thôi, sao cứ đòi phải là vợ nấu. Vợ mặc đẹp, rực rỡ son phấn, chồng lại thấy chướng mắt, chỉ thích nhìn vợ mồ hôi bết tóc, hì hục lau nhà, nấu cơm, cắm hoa… Nghe cháu đòi ly hôn, anh chị tôi còn xúi “đàn ông cổ hủ vậy, bỏ cũng đáng”.

{keywords}

“Tập hai” của cháu là chàng trai trẻ bằng tuổi cháu, tư tưởng rất phóng khoáng. Đi làm về, vợ chồng vui vẻ dắt nhau đi ăn tiệm. Chủ nhật vi vu ra Vũng Tàu, Mũi Né đổi gió. Nhà cửa, chỉ cần cuối tuần thuê người dọn dẹp là xong. Thấy đôi trẻ sống với nhau rất hợp, anh chị tôi thở phào. Mừng chưa bao lâu, anh chị tôi lại thấy lo vì con gái tháng nào cũng gọi về xin viện trợ. Lương hai vợ chồng chỉ đủ cho đôi trẻ vung tay chừng nửa tháng, nửa tháng còn lại cha mẹ phải chu cấp. Vợ chồng yên ấm chưa bao lâu đã bắt đầu lục đục. Đến nhà cháu chơi, thấy bếp núc nhện giăng, quần áo dơ vứt lung tung khắp nhà. Hỏi chồng đi đâu, vợ không biết. Hỏi khi nào định sinh con, cũng không biết luôn… Anh chị tôi gọi hai con về phân tích phải trái, buộc chúng phải thay đổi cách sống. Anh con rể vừa nghe vừa ngáp. Cô con gái thản nhiên giũa móng tay, quay sang hỏi: “Ba mẹ nói xong chưa, tụi con phải về, chiều nay có độ”.

Tôi gặp cháu khi đang làm thủ tục ly hôn. Cháu thao thao kể tội chồng: “Tối ngày ảnh chỉ biết đi chơi, tiền không biết kiếm. Đàn ông gì mà ăn bám nhà vợ”. Tôi khuyên cháu phải sửa đổi, thu xếp lại cuộc sống của mình. Phụ nữ là phải đảm đang, thu vén, đừng việc gì cũng đổ lỗi cho chồng. Nếu không, kết hôn đến n lần cũng vậy thôi. Cháu thở dài: “Nhiều khi con cũng không biết con muốn gì. Vợ chồng sống với nhau như bạn bè. Nhà không ra nhà. Con muốn thay đổi nhưng… mệt lắm. Chồng con cũng không có thiện chí. Ảnh nói tự do quen rồi, ép vô khuôn là ảnh đi liền”. Vừa mới “tâm trạng” được chút xíu, cháu đã tươi tỉnh quay sang bảo tôi: “Dì yên tâm, biết đâu lần sau con gặp được người tốt, sẽ rất hạnh phúc không chừng”.

Thấy quan niệm hôn nhân của giới trẻ bây giờ mà phát lo. Kết hôn dễ dàng, chia tay chóng vánh, chẳng chút đau buồn, vướng bận. Xã hội mở, tư tưởng giới trẻ lại phóng khoáng, ít nhẫn nại và nhường nhịn, nên ly hôn trở thành chuyện quá dễ dàng. Tôi nghĩ, muốn thay đổi điều đó, ngoài giáo dục từ gia đình, cần có sự góp sức từ xã hội. Cần có các lớp học tiền hôn nhân, dạy cách ứng xử, quản lý tài chính, nấu ăn, nuôi dạy con cái…; để khi đụng chuyện, vợ chồng trẻ đỡ sốc, biết cách xử lý. Như vậy may ra mới cứu vãn được nhiều cuộc hôn nhân.

(Theo Phụ nữ TP)