- Không qua trường lớp đào tạo nào nhưng người đàn ông sắp lục tuần hàng ngày vẫn say sưa với những công trình nghiên cứu cơ khí. Sự thành công của ông được nhiều nước trên thế giới biết đến và đánh giá cao như một phần thưởng tinh thần quí giá…
Năng khiếu và đam mê
Vượt hơn 130km chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Quốc Hải ở xã Suối Dây (H.Tân Châu, Tây Ninh), người vừa được Thủ tướng Campuchia phong hàm Đại tướng vì cải tiến thành công hàng chục xe bọc thép cho quân đội nước này.
|
Cha con ông Hải |
Còn ở Việt Nam, ông Hải với biệt danh là Hải “Hai lúa”, đã cống hiến cả đời cho những nghiên cứu, phát minh, cải tiến những nông cơ nông cụ giúp người nông dân bớt đi nỗi nhọc nhằn.
Ấn tượng với ông ngay cái bắt tay xã giao. Bàn tay ông khô ráp, dáng người to cao, gương mặt hiền lành phúc hậu, giọng nói rắn rỏi và đặc biệt, đôi mắt luôn sáng, toát lên sự cương nghị…
Ông Hải bắt đầu câu chuyện. Thuở thiếu thời nhà ông ở Cẩm Giang (quận Phú Khương cũ nay thuộc huyện Gò Dầu). Cha ông là một thầy thuốc. Nhà có rất nhiều ruộng nên trong nhà có một xưởng nhỏ để sửa chữa những nông cơ nông cụ. Ông tiếp cận với cơ khí từ xưởng nhỏ này.
Thuở ấy, ông mới lên 6 lên 7. Cạnh nhà có một căn cứ của Mỹ nên ông thường chứng kiến những chiếc trực thăng quần thảo và những đoàn xe xuôi ngược. Trong đầu óc ông luôn miên man suy nghĩ làm sao lớn lên mình có thể chế tạo được những thứ này...
"Tâm thức của tôi lúc bấy giờ và lớn dần ở những năm sau là tại sao người ta làm được mình lại không. Bằng mọi cách mình chế tạo cho được để chứng tỏ người Việt mình không thua bất cứ ai.
Đến năm tôi học lớp 3 thì tình hình đã khác. Chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn Việt Nam hóa. Những chiếc máy bay, những chiếc xe kia không còn do người Mỹ điều khiển nữa mà thay vào đó là người Việt Nam. Người Việt điều khiển trực thăng, cầm lái các loại xe quân sự không thua gì Mỹ chứng tỏ mình có thể làm được những gì người khác đã làm...".
Suy nghĩ của ông lúc bấy giờ, máy bay cũng là một loại cơ khí, cũng do các bộ phận cấu thành. Làm ra được những bộ phận đó là có thể có được máy bay. Ý nghĩ chế tạo máy bay nung nấu ông từ lúc đó.
Bài báo của CNN viết về ông Hải |
Sau 1975, chiến tranh kết thúc. Khí tài quân sự của Mỹ để lại khá nhiều. Niềm đam mê cơ khí tiếp tục thôi thúc ông. Lúc này, ông đã vào đại học và theo học tại trường đại học Thể dục thể thao ở Phú Thọ (TP.HCM).
Học thể dục thể thao nhưng ông vẫn dành thời gian cho những bản vẽ về máy móc, cơ khí.
Nhà có xưởng cơ khí. May mắn hơn, ông cậu ông vốn là dân công binh về hợp tác với gia đình. Ông không bao giờ bỏ qua bất cứ cử chỉ nhỏ nào của cậu trong lúc sửa chữa máy.
"Ông là thầy tôi nhưng tôi không học theo cách cầm tay chỉ việc. Tôi quan sát, tôi suy nghĩ vận dụng và cũng chính tay tôi thao tác…Đến giờ này có thể nói rằng tôi thành công nhờ vào năng khiếu bẩm sinh và lòng đam mê cháy bỏng đó” - ông Hải bộc bạch.
Cha con một lòng
Xưởng cơ khí nhà ông hàng ngày tiếp nhận nhiều dụng cụ, máy móc hư hỏng để sửa chữa. Sửa chữa tức là trả nó về nguyên trạng ban đầu. Nhưng như thế vẫn chưa hay, ông nghĩ phải biết cải tiến để cho năng xuất nó vượt hơn.
Ngoài tìm hiểu học hỏi về máy móc, ông còn phải học thêm phay, bào, tiện, nguội để có thêm điều kiện tiếp xúc với máy móc nâng cao tay nghề.
"Công tác ở ngành Thể dục thể thao 5 năm, tôi xin nghỉ về làm ở xưởng. Có một lần, nhận một chiếc máy cày tôi tháo tung dàn cày. Người chủ nhìn tôi có vẻ hoài nghi, hỏi “anh là thợ bậc mấy mà dám tháo tung ra như thế. Nếu lỡ có chuyện gì thì sao”. Tôi không biết phải trả lời sao vì tôi có được học ở trường lớp ngày nào đâu, có ai xếp hạng bậc thợ cho tôi đâu nên đành phải nói: “Nếu sửa được, tôi lấy tiền. Không được, tôi sẽ đền cho ông” - ông kể.
Dàn cày được ông rã ra. Nhìn qua kết cấu ông nhận thấy có nhiều điểm không phù hợp. Thế là ông cải tiến lại toàn bộ và kết quả năng xuất của dàn cày tăng lên thấy rõ. Từ 7 mẫu/ngày nay tăng lên 10 mẫu/ngày đã làm cho chủ máy cày tâm phục.
Công việc sửa máy cho bà con nông dân trong vùng là việc làm hàng ngày. Bên cạnh đó, ông vẫn để tâm nghiên cứu làm sao có thể chế tạo được chiếc máy bay trực thăng dùng phục cho nông nghiệp.
"Niềm mong muốn nông nghiệp Việt Nam được cơ giới hóa ngang tầm với các nước tiên tiến ngày đêm thôi thúc… Lúc này, cháu Thanh cũng đã lớn. Ngoài giờ học ở trường, về nhà nó luôn theo sát tôi trong công việc. Dường như nó cũng như tôi, trong máu đã có niềm đam mê cơ khí" - ông nhớ lại.
Hai cha con miệt mài trong nghiên cứu những ước mơ ấp ủ. Một qui trình chăm sóc cây cao su, cây khoai mì dần dần hình thành. Qui trình này có nhiều máy móc như máy trồng, máy bón phân, máy làm cỏ và máy thu hoạch. Nhờ qui trình này sức lao động của người nông dân được giảm thiểu trong khi năng xuất thu hoạch tăng lên hơn trước nhiều lần.
Ông Hải được Thủ tướng Hunsen trao hàm đại tướng |
Qui trình được áp dụng ngay trên mảnh đất Tân Châu. Bà con nông dân đã đạt được những hiệu quả không ngờ.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến và trên mạng xuất hiện những bài viết giới thiệu về qui trình này để sau đó, bên nước bạn Campuchia đến ngỏ lời mời cha con ông qua giúp đỡ….
Nước ta có nhiều nhà khoa học với những văn bằng ngất ngưởng. Ông Hải và cháu Thanh dường như không màng đến những điều đó. Cả hai cha con ngày đêm đau đáu với những nghiên cứu thực tế và áp dụng ngay tại chỗ.
Thành quả hôm nay của hai cha con - những người áo vải lớn lên từ ruộng đồng – thật đáng nể phục…
Cách đây hơn 1 tháng, ông Hải cùng con trai là Trần Quốc Thanh được Thủ tướng Hunsen và quốc vương Campuchia ghi nhận, trao tặng huân chương Đại tướng quân khi sửa chữa và đóng thành công 12 xe bọc thép. Ông Trần Quốc Hải từng nổi tiếng khi là người nông dân đầu tiền chế tạo trực thăng, sau đó được ông bán cho một bảo tàng nước ngoài với mục đích triển lãm. Ngoài ra, ông được mệnh danh là ông vua sáng chế máy nông nghiệp khi chế tạo ra một loạt máy: máy bón phân, máy làm cỏ và máy thu hoạch, phun thuốc trừ sâu cho vườn cao su… |
Trần Chánh Nghĩa
(Còn tiếp)