- Chiều ngày 21/1, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TPHCM đã biểu dương, tặng bằng khen cùng tiền thưởng 10 triệu đồng/người cho hai cha con ông Ngô Văn Hồng là những người đã có mặt tại hiện trường cứu vớt nạn nhân trong vụ cháy tàu cánh ngầm SG 6003 của Công ty dịch vụ hàng hải (VinaEpress) trên sông Sài Gòn vào chiều ngày 20/1.

Cả gia đình cứu người

{keywords}

Ông Nguyễn Hữu Tín, phó Chủ tịch UBNDTP trao bằng khen cho ông Hồng và anh Long

Tại buổi lễ trao thưởng, ông Ngô Văn Hồng (53 tuổi) thuật lại : “lúc đó tôi đang đổi nước ngọt ở gần cầu Phú Mỹ phát hiện khói bốc lên ngùn ngụt ở giữa sông. Sau đó, lửa bốc lên rất cao. Nhận định có cháy tàu, tôi tức tốc cùng vợ xuống ghe, khởi động máy mở hết tốc lực tiếp cận hiện trường.

Ngay từ xa tôi thấy chiếc tàu cánh ngầm đang rực lửa. Dưới nước, chung quanh tàu rất đông người đang vùng vẫy. Đến gần, số người đang ngụp lặn dưới nước quá đông nên tôi đã gọi điện cho con là Ngô Huỳnh Long đem thêm ghe đến cứu nạn. Tôi cũng đã báo cho những chủ ghe khác cùng tham gia cứu nạn.

Đến gần mới biết những người thoát ra từ chiếc tàu cháy rơi trúng bãi sình. Chôn chân chặt ở đó, không một ai có thể thoát được ra ngoài. Nhiều người cố trườn ra thật xa vì nghĩ rằng chiếc tàu sẽ nổ nhưng cũng bất lực.

Chúng tôi đến, quăng giây kéo từng người lên ghe. Thậm chí có người quá nặng, chúng tôi phải lao xuống đẩy lên.

Một lúc sau, trên ghe tôi đã có 30 người. Ai nấy đều ướt, quần áo dính đầy sình. Bên ghe con tôi cũng vớt được 20 người".

Những người có mặt kể thêm, sau khi 2 ghe cứu được 50 người, vợ chồng ông Hồng còn phải đi mua nước ngọt để người bị nạn dội hết sình trên người. Vệ sinh sạch sẽ xong, 50 người được đưa đến phương tiện của các cơ quan chức năng, sau đó vào bờ.

Trong quá trình cứu người, anh Long đã bị ong đốt nhiều vết vào người. Anh cho biết lúc ấy không có cảm giác gì nhưng đến tối các vết ong đốt bắt đầu sung to và nhức nhối vô cùng.

Nghĩa cử của cha con ông Hồng được biểu dương là rất xứng đáng. Trong cuộc sống bộn bề như hiện nay, việc làm này như một điểm son chói sáng.

Lãng quên hay bỏ sót ?

{keywords}

Một người bị lãng quên, chị Thủy (bên trái)

Buổi lễ biểu dương, tặng bằng khen hôm nay thiếu vắng vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Thủy - anh Trần Văn Có làm nhiều người bất ngờ. Chị Thủy là người tiếp cận đám cháy đầu tiên, vớt được 15 người đưa vào bờ an toàn. Vậy mà trong buổi lễ tuyên dương này vắng chị ?

Chúng tôi đến bến đò Tân Thuận, nơi chiếc ghe chị Thủy thường cập bến. Bà con nơi đây thuật lại cho chúng tôi : “Vợ chồng chị Thủy quê Tiền Giang có 3 con. 2 cháu nhỏ gửi lại quê nhà cho ông bà. Cháu lớn theo anh chị cùng sống trên chiếc ghe cũ kỹ. Quanh năm cả gia đình này xuôi ngược trên sông Sài Gòn, cập vào các tàu lớn để bán hàng mưu sinh.

Hôm ấy, chị Thủy cho ghe chạy đến gần cầu Phú Mỹ phát hiện cột khói bốc lên cao. Tăng tốc chiếc ghe, chị chạy đến chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, chiếc tàu cao tốc đang ngập trong lửa. Dưới nước, hàng chục người đang bì bõm. Người biết bơi cũng có, không biết cũng có. Người thì mặc áo phao, người ôm áo trong người. Những người gặp nạn mừng rơn khi thấy ghe chị ghé vào.

Không đắn do suy nghĩ, chị cùng chồng là anh Trần Văn Có áp sát vào khu vực đám cháy. Nhiều người bị lún sâu trong sình. Có người đưa tay kêu cứu. Chị cùng chồng nhảy xuống nước, kéo từng người ra khỏi vũng sình rồi đưa lên ghe.

Đặc biệt, trong lúc cứu người, chị Thủy nghe từ xa : “cứu em với chị ơi. Em sợ sẩy thai mất”. Thế là chị Thủy nhào tới đưa người phụ nữ mang thai lên ghe an toàn. Rồi cứ tuần tự như thế, chị đã cứu được 15 người trong đó có 3 người nước ngoài. Sau khi đưa người vào bờ, cả gia đình chị neo ghe ở gần cầu Tân Thuận ngủ qua đêm.

Thiếu vắng chị Thủy trong buổi lễ biểu dương hành động nghĩa hiệp này quả là một thiếu sót. Có thể chị Thủy không cho đó là hành động cao cả. Bởi những người dân sống trên sông nước, họ xem đó chỉ là công việc bình thường mà bất cứ người nào khi gặp chuyện cũng phải làm.

Trần Chánh Nghĩa