Sau hơn 2 năm thử nghiệm trên khoảng 600 bệnh nhân, thuốc Truvada - loại thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (preexposure prophylaxis - PrEP) - đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận là có khả năng ngăn ngừa virus HIV với hiệu quả 100%. Mặc dù vậy, đó mới chỉ là những kết quả về mặt điều trị sinh lý.
Để một loại thuốc thực sự tạo ra được điều khác biệt đối với chủng virus quái ác HIV thì yếu tố tuyên truyền thông tin một cách rộng rãi cũng rất quan trọng.
Nhưng thực tế lại cho thấy một điều ngược lại, theo điều tra của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì có tới 1 trong 3 bác sỹ tại quốc gia này chưa bao giờ nghe nói đến thuốc Truvada. Phải chăng các chuyên gia dược phẩm đã nghĩ ra một loại "thần dược" nhưng không ai dùng chỉ vì họ chưa bao giờ nghe tới nó?
Trước hết, hãy nói về công hiệu của Truvada. Quay ngược lại năm 2012, FDA đã phê duyệt đề án điều trị hàng ngày cho những bệnh nhân có nguy cơ nhiễm HIV cao. Những loại thuốc được sử dụng trong đề án này có PrEP - được lưu hành với tên gọi Truvada, có tác dụng ngăn ngừa HIV xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân khi họ tiếp xúc với ma túy hay quan hệ tình dục không an toàn.
Truvada gồm hai thành phần là emtricitabine (200mg) và tenofovir disoproxil fumarate (300mg). Từ năm 2004, thuốc này đã được FDA phê chuẩn có công dụng kháng virus HIV và nó được liệt kê vào phác đồ điều trị HIV cho trẻ em trên 12 tuổi. Để điều trị HIV, người ta kê toa kết hợp từ khoảng 30 loại thuốc có tác dụng kháng retrovirus (gọi chung là thuốc ARV) để tránh kháng thuốc. Truvada là một trong các thuốc ARV, chúng được kết hợp với các thuốc khác nhằm điều trị giúp bệnh nhân chung sống hòa bình với bệnh. Lúc này họ có thể xem HIV giống căn bệnh mạn tính khác như tiểu đường, tim mạch… và có thể duy trì tuổi thọ tới 80 hoặc 90 năm. Tuy nhiên sau nhiều thử nghiệm, trong khoảng 30 thuốc trên, chỉ có Truvada được công nhận là có thêm công năng là dự phòng nhiễm HIV.
Nếu Truvada thực sự công hiệu như vậy thì lý do gì đã khiến nó trở nên vô danh trong mắt những bác sỹ tại Hoa Kỳ?
Cây bút Mark Joseph Stern của tờ Slate đã đi tìm hiểu ngọn nguồn của câu chuyện này và anh phát hiện được loại thuốc được coi như "thần dược trị HIV" kia đang phải chịu một cái nhìn kỳ thị từ không ít những người làm trong ngành y tế bên cạnh những ý kiến ủng hộ dành cho nó. Nguyên do vì sao đã được Mark Joseph Stern giải thích như sau: "Truvada đã và sẽ giúp người sử dụng tăng sức đề kháng đối với virus HIV, nếu họ sử dụng một cách thường xuyên thì có khả năng giảm nguy cơ nhiễm HIV đến 100%. Trong khi đó, những người không sử dụng Truvada thì chỉ có thể giảm 40% nguy cơ thông qua các biện pháp phòng tránh thông thường".
Đó chính là vấn đề của loại thuốc này, nó quá hiệu quả đến mức những phương pháp thông thường sẽ bị "xếp xó" vì sự xuất hiện của nó. Từ đó, không ít người đã lên án rằng Truvada không khác nào "kẻ kích động" người khác dấn sâu vào những tình huống quan hệ tình dục không an toàn vì họ tin rằng loại thuốc này đủ khả năng ngăn chặn mọi nguy cơ lây nhiễm HIV. Họ còn cho rằng loại thuốc này thực tế cũng chỉ là một loại "ma túy".
Mặc dù vậy, những người ủng hộ loại thuốc này lại đưa ra một dẫn chứng rất cụ thể cho việc vì sao nó xứng đáng nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía các bác sỹ: thuốc này có khả năng ngăn ngừa loại virus đã lây lan cho gần 40 triệu người trên toàn thế giới, đặc biệt là những người không được tiếp cận với bao cao su. Rõ ràng là những người ủng hộ Truvada cũng có cái lý của họ, bên cạnh đó thì không ít những ý kiến phản đối loại thuốc này đến từ các công ty đối thủ đang lăm le muốn tranh giành thị trường cũng như mong chờ "cái gật đầu" của CDC đối với loại thuốc của riêng mình.
Mark Joseph Stern kết luận rằng dù thế nào đi nữa thì việc phát triển một loại thuốc có hiệu quả đã được FDA chứng nhận như vậy cũng là một bước tiến lớn của con người trong cuộc chiến chống HIV. Thay vì tranh cãi thì các chuyên gia nên ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp để đưa Truvada đến với những người có nhu cầu thực sự, bên cạnh đó thì cũng không nên bỏ quên những biện pháp phòng tránh thông thường vì "cẩn tắc vô áy náy".
Theo Trí thức trẻ/TechInsider