Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam ở thế kỷ 20, nhắc đến các vụ thảm sát, người ta thường nghĩ ngay đến vụ thảm sát Mỹ Lai (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ít người biết rằng, tại xã Hoàng Hoa (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng từng có một vụ thảm sát do thực dân Pháp gây ra, kinh hoàng không kém vụ Mỹ Lai.

TIN BÀI KHÁC


Kỳ 1: Xác chết ngập hồ

109 người trong một vùng đất đã bị giặc giết bằng súng ống, lưỡi lê. Nhưng một người trong số đó đã may mắn sống sót với vô số vết thương trên người. Hơn 60 năm trôi qua, ký ức kinh hoàng vẫn đau nhói trong tim. Ông là Nguyễn Kiểm, nhân chứng sống của vụ thảm sát kinh hoàng nhất lịch sử Hải Phòng.

Bên con đường nhỏ, cạnh chợ Lâm, thuộc xã Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), có một cái hồ nhỏ, nước lặng như tờ, hàng cây cổ thụ đổ bóng. Người dân trong vùng gọi đó là hồ Lâm.


Hồ Lâm, nơi từng chất ngập xác và đỏ lòm máu của người Hoàng Hoa.

Giữa hồ Lâm có một đài tưởng niệm xây hình trụ với 4 mặt. Một chiếc cầu cong dẫn ra đài tưởng niệm. Một mặt có dòng chữ: “Đời đời ghi sâu căm thù đế quốc”, mặt đối diện là con số khô khốc: 108.

Những người lần đầu đến đây, đều không hiểu được vì sao lại có con số đó ghi trên đài tưởng niệm. Nhưng với người dân trong vùng, thì đó là con số đau thương, con số in đậm vào tâm trí những người lớn tuổi, những người từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Bên cạnh bờ hồ có một tấm bia đầy nước mắt, ghi danh 108 con người đã bị sát hại trong 2 ngày đen tối, là ngày 13 và 14 tháng 2-1949. Hầu hết tên tuổi trên tấm bia đều là dân thường. Chỉ có 3 liệt sĩ, thì có 2 liệt sĩ là vô danh. Đây là hai chiến sĩ cách mạng xâm nhập vào làng để chiến đấu với giặc và đã hy sinh mà không để lại tên tuổi.

Phần lớn những người bị sát hại ở các thôn như: Lôi Động, Hoàng Pha, thôn Xú, thôn Đền, thôn Bính, thuộc xã Hoàng Hoa ngày xưa.


Tấm bia ghi danh 108 người bị thảm sát.

Thi thoảng, người dân nơi đây lại thấy một ông già dáng đi lòng khòng, chậm chạp, ngồi rất lâu dưới bóng cây si già bên hồ Lâm. Ông ngồi trầm ngâm bên hồ và rất ít nói. Ông bảo, cứ mỗi khi ký ức sống dậy, ông lại muốn ra hồ Lâm. Ông ngồi đây “tâm sự” với những người đã khuất trong ngày kinh hoàng 60 năm trước. 108 người chết, chỉ có mình ông còn sống. Chỉ có những người già, những người đã trải qua kháng chiến chống Pháp mới biết đó là ông Nguyễn Kiểm.

Ông Nguyễn Kiểm, sinh năm 1931, hiện đang sống ở xã Hoa Động, là người duy nhất còn sống trong vụ thảm sát 60 năm về trước ở xã Hoàng Hoa. Ông Kiểm sống với ký ước nhiều hơn là hiện tại. Đã 60 năm trôi qua, nỗi đau tinh thần và thể xác vẫn dày vò ông. Những ngày trở trời, thay đổi thời tiết đột ngột, cái cơ thể vốn đã ốm yếu, gày gò của ông lại co giật vì những cơn đau hành hạ.


Ông Nguyễn Kiểm, nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ thảm sát kinh hoàng hơn 60 năm trước.

Hỏi lại chuyện xưa, ông vén áo lên, tôi thấy rõ ràng những di chứng khủng khiếp của chiến tranh: một bên ngực bẹp lép của trận đòn tra tấn và 11 vết sẹo dao đâm trên khắp cơ thể.

Ông Kiểm lần giở lại cuốn lịch thế kỷ 20 cũ mèm, mở những trang có dấu bút khoanh tròn ngày tháng và ký ức cứ cuồn cuộn hiện về...

Xã Hoàng Hoa được thành lập sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Khi đó, xã Hoàng Hoa rất rộng, gồm 3 xã bây giờ là Hoàng Hoa, Hoàng Động, Lâm Động.

Xã Hoàng Hoa nằm ngay bên bờ sông Cấm, bên kia là TP Hải Phòng, nên vùng đất này là vị trí chiến lược, là bàn đạp để tấn công về trung tâm thành phố. Chính vì thế, địa bàn xã Hoàng Hoa thường có vài đơn vị bộ đội đóng quân ở đây.


Đài tưởng niệm với một mặt ghi dòng chữ căm thù đế quốc.

Nắm được vị trí quan trọng của Thủy Nguyên, nên tháng 2-1947, thực dân Pháp từ Hải Phòng vượt sông đánh chiếm Thủy Nguyên. Chúng lập tề, lùng sục bắn giết cán bộ, dân quân du kích. Chính quyền của ta còn non trẻ, lực lượng lại yếu, nên rút vào hoạt động bí mật, hoặc chuyển cơ sở về vùng núi non hiểm trở, thậm chí tận vùng Kinh Môn (Hải Dương).

Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25-10-1948, Ban chấp hành Đảng bộ Thủy Nguyên họp, phát động phong trào phá tề, trừ gian, với chỉ thị: "Tiến công đồn giặc, trừ gian diệt ác, phát động chiến tranh du kích".

Lực lượng du kích xã Hoàng Hoa được thành lập bí mật. Khi đó, ông Kiểm mới 18 tuổi, được phân về Tiểu đội 1, do đồng chí Đồng Xuân Băng làm Tiểu đội trưởng, thuộc Trung đội Trung Kiên, đại đội Lê Lợi.

Các đơn vị du kích địa phương đã tổ chức một số trận đánh, tấn công bốt địch, song không tiêu diệt được địch, vì lực lượng quá mỏng, vũ khí rất thô sơ. Để khuấy động phong trào trong dân chúng, du kích đã cắm cờ lên ngọn đa đầu làng để biểu dương lực lượng.

Để trấn áp sự quấy nhiễu của lực lượng du kích, đêm 30 và 31-10-1948, giặc Pháp tổ chức càn quét. Sau khi đánh lui lực lượng du kích, chúng đã điên cuồng cướp phá, đốt sạch nhà cửa ở hai thôn đầu xã.

Một tên thiếu úy đi sâu vào làng, tóm được đồng chí nữ du kích Đồng Thị Xuân. Khi tên này đang đẩy đồng chí Xuân đi, ông Nguyễn Văn Nhạc phục kích sau bụi tre đã ném lựu đạn. Tuy nhiên, lựu đạn mắc trên bụi tre và phát nổ. Tên thiếu úy thấy bị tấn công, liền bỏ chạy, nữ du kích cũng tẩu thoát. Nghe tiếng lựu đạn, sợ quân ta tấn công, nên bọn Pháp đã không tiếp tục lùng sục, đốt phá nữa mà rút quân luôn.


Một mặt đài tưởng niệm là con số khô khốc: 108.

Ngày 11-2-1949, 3 tên lính Âu - Phi đóng ở đồn Mặt Nguyệt vác súng ống vượt sông vào xã cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ ở xóm Vạn Hoa. Tiểu đội du kích của đồng chí Doanh được lệnh truy bắt chúng để khai thác thông tin. Tuy nhiên, bọn chúng đã chống trả quyết liệt, nên đồng chí Doanh đã bắn chết một tên khi hắn đang bơi dưới sông, bắt sống một tên, còn một tên chạy thoát. Tên bị bắt sống được giải về xã Hợp Thành. Hôm sau, tức ngày 12-2, thực dân Pháp tổ chức lực lượng, chia thành nhiều mũi bao vây càn quét Hợp Thành và cứu sống được tên này.

Khoảng 4h sáng 16-2, khi đang gác ở chốt, ông Kiểm nghe thấy tiếng ca nô chạy dọc sông Cấm từ phía Hải Phòng lên. Khi đến bến Lâm thì tiếng ca nô nhỏ dần rồi tắt hẳn. Chừng 10 phút sau, 3 tiếng súng cạc-bin vang lên. Thấy lạ, ông Kiểm gọi Tiểu đội trưởng Đồng Xuân Băng dậy để báo cáo tình hình. Đồng chí Băng tổ chức lực lượng để phục kích tiêu diệt địch. Ông Kiểm được phân công đi trinh sát ở xóm Đông thuộc làng Lâm để xem xét tình hình.

Tại xóm Đông, một tiểu đoàn 800 tên, gồm lính Pháp, Âu - Phi và ngụy dưới sự chỉ huy của hai tên quan hai, một tên ở Hải Phòng, một tên ở thị trấn Núi Đèo, đang càn quét trong xóm, dân chúng chạy tán loạn. Lực lượng du kích của xã tập hợp phục kích hai bên đường, chờ địch vào để tiêu diệt.

8h sáng, địch càn đến Lâm Động. Nhìn đâu cũng thấy quân địch với súng ống tua tủa, hỏa lực rất mạch. Quân ta chỉ có 3 tiểu đội du kích, mỗi tiểu đội có 2 khẩu súng trường cùng vài quả mìn muỗi, còn lại toàn dao kiếm, mã tấu. So sánh lực lượng thấy quá chênh lệch nên đồng chí Băng ra lệnh tạm thời phân tán xuống hầm.

Tuy nhiên, trước đó vài hôm, Thủy Nguyên mưa trắng trời, nước ngập khắp nơi, ngập hết cả hầm, nên mạnh ai người ấy chạy. Địch tiến vào Hoàng Hoa bằng 6 mũi, bao vây khắp ngả nên rất nhiều đồng chí bị bắt trên đường rút.

Đồng chí Tửu cùng ông Kiểm chui vào một chiếc hầm nổi, giữa đống gạch ở nhà ông Tài Hanh, xóm Đông, song cũng không thoát được. Chúng lùng sục từ trong nhà ngoài ngõ, trong vườn ngoài ruộng, chọc thuốn sắt xuống từng mét đất, lôi hết cả trẻ em lẫn cụ già từ dưới hầm lên tra khảo.

Thực dân Pháp đã giết chết tất cả đàn ông, đàn bà, già trẻ lớn bé, rồi vứt xác xuống hồ Lâm. Hồ Lâm biến thành một bể xác đỏ lòm màu máu.


(Theo VTC News)