Đàn ông Việt cũng có những điểm tốt mà đàn ông phương Tây không có, nên khó mà biết được liệu rằng, lấy anh người yêu đầu tiên kia, em có hạnh phúc hơn lấy anh chồng Mỹ bây giờ không.

Năm nay em 26 tuổi, còn chồng em người Mỹ, 32 tuổi, là kỹ sư phần mềm. Hiện vợ chồng em đang sống ở thành phố Loveland, bang Colorado và đang chờ đón bé con đầu lòng sắp ra đời vào tháng 8 này. Em có đọc nhiều bài chia sẻ trên Eva tám, có những bài về cuộc sống gia đình, chuyện ngoại tình hay chuyện lấy chồng tây, qua đây em cũng xin chia sẻ câu chuyện thật của mình để mọi người có thêm cái nhìn nào đó về một cặp vợ chồng 8x Việt – Mỹ lần đầu kết hôn.

Trước khi quyết định bỏ lại gia đình, bạn bè sự nghiệp để theo anh, em cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, đau khổ. Gia đình nhà ngoại kịch liệt phản đối chuyện của bọn em. Phần vì em là con một, bố mẹ sớm ly hôn chỉ có mình mẹ nuôi nấng chăm sóc em, phần vì lo cho sức khỏe của em, phần nữa em lại đang có công việc rất tốt trong văn phòng một đại sứ quán tại Hà Nội. Mẹ em nhiều lần thẳng tay cho em mấy cái bạt tai xây xẩm mặt mày, hay những bài tâm lý chữ hiếu chữ tình, ngọt nhạt có, căng thẳng có, chiến tranh nóng, lạnh, viện trợ tâm lý từ họ hàng, không thiếu biện pháp gì mà mẹ em chưa áp dụng. Cuối cùng, theo tiếng gọi của tình yêu, em đã phải đi đường vòng, cố gắng xin được một suất học bổng đi New Zealand, và sau đó thì bỏ để sang Mỹ định cư cùng chồng.

Đôi khi nghĩ lại, em thấy mình quả thật gan to bằng trời mới có đủ nghị lực để đi được đến ngày hôm nay. Những đêm thức đến 2,3 giờ sáng viết bài luận, ôn tiếng anh, luyện phỏng vấn, rồi hôm sau 8g lại dậy đi làm. Thất bại nối tiếp thất bại nhưng quả thật ông trời không phụ lòng người. Cuối cùng em cũng xin được một xuất học bổng 100% tiền học ở trường Waikato. Gia đình em quyết định hỗ trợ tiền máy bay và một năm đầu sinh hoạt phí cho em đi học.

{keywords}

Đôi khi nghĩ lại, em thấy mình quả thật gan to bằng trời mới có đủ nghị lực để đi được đến ngày hôm nay. (ảnh minh họa)

Mặc dù đã có gần 3 năm yêu thương tìm hiểu trước khi quyết định nên duyên chồng vợ cũng như trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng lấy nhau rồi, anh chồng Mỹ nhiều phen khiến em uất ức không nói lên lời. Đỉnh điểm có lần em đã thu xếp quần áo đòi về Việt Nam. Phải công nhận là dù tây hay ta thì đàn ông không thể nào tự động đọc được suy nghĩ của người phụ nữ. Bài học này em đã ngấm từ những lần chiến tranh nổ ra. Ví dụ, nếu em muốn anh lau bát trong khi anh đang đọc báo, tốt nhất là em nên nói thẳng ra thay vì chờ đợi anh sẽ buông tờ báo tự động chạy ra giúp. Hay nếu đi chơi đâu anh có ngồiquá lâu, thì bọn em sẽ có mật ngữ ra hiệu cho nhau. Nói chung toàn những việc nhỏ nhặt nhưng nếu không nói rõ ngay từ đầu thì đàn ông khó mà tinh tế để hiểu được.

Một điểm mà em rất không bằng lòng là việc anh sử dụng “bad language”, có lần cãi nhau rất lớn, anh đã không kiềm chế mà hét lớn câu nói không tế nhị với em, giống như câu chửi bậy ở mình đó. Trời ơi, em khóc hết nước mắt, kiên quyết đòi về vì không thể chấp nhận bị xúc phạm như vậy. Bố chồng em biết chuyện, hôm sau gọi chồng em ra ngoài nói cho một bài, rồi ông động viên em suy nghĩ cho kỹ.

Em với chồng ngồi lại, anh nói với em, chuyện chửi thề ở đây không phải là quá kinh khủng như trong văn hóa Việt. Khi nóng giận lên, đàn ông hay đàn bà cũng có thể văng ra mấy lời đó như anh và bạn gái cũ đã từng ném vào mặt nhau những lời khó nghe như vậy nhưng sau khi bình tĩnh cả hai đều xin lỗi nhau và không coi nó quá nghiêm trọng. Em cũng giải thích cho anh văn hóa của người Việt Nam và thỏa thuận em không chấp nhận nếu việc này xảy ra một lần nữa.

Tuy nhiên, em không thể phủ nhận chồng tây rất chịu khó bày tỏ tình cảm với vợ kể cả trước đám đông. Chồng em có thói quen nắm chặt tay vợ mỗi khi xuống xe, tối đi ngủ dù vợ đã ngủ mà quên không chúc chồng ngủ ngon anh vẫn hôn em và nói ‘good night love, love you’. Ngay cả trước mặt bố mẹ chồng, anh vẫn hay nắm tay, hôn trán rồi nói yêu em mà không có chút gì e ngại. Điều này, với người yêu đầu tiên người Việt thì em hoàn toàn không thấy.

{keywords}

Có một câu quen thuộc mọi người vẫn hay nói, Tây hay Ta, đâu cũng có đàn ông tốt và chưa tốt, tốt rồi thì mình gắng giúp họ duy trì mà chưa tốt thì như chồng em nói, người vợ hãy bao dung và giúp đỡ chồng, cùng học ở nhau để trở nên tốt hơn. (ảnh minh họa)

Em đọc bài thấy nhiều chị nói về khoản kinh tế chồng tây rất rạch ròi, cái gì cũng chia đôi hoặc không để vợ quản lý tiền, cái này thì em thấy không đúng với vợ chồng em. Trước khi qua Mỹ, em đi làm tiền lương khá cao nên cũng có để dành được một chút mang theo. Nói là to với người Việt mình chứ thực ra cũng chỉ bằng hơn nửa tháng lương của chồng em. Ngày đầu tiên, em mở vali lấy hết tiền đưa cho chồng (lúc đó chồng em mới nghỉ việc để mở công ty riêng, hàng tháng hai vợ chồng có vỏn vẹn gần 2000 đô để chi tiêu và trả tiền nhà), anh ấy rất ngạc nhiên không nhận, nói em cất đi làm tiền riêng. Em nhất định không cầm, nói tiền của em mang sang anh cất đi lo chi tiêu cần thiết.

Ngay hôm sau, anh đưa em ra ngân hàng, nói họ thêm tên của em vào tài khoản của anh, nhưng lúc đó em chưa có số bảo hiểm xã hội hay giấy tờ gì trên đất Mỹ nên ngân hàng nói không làm được và khuyên anh nên mở một thẻ mới đứng tên cả hai bọn em. Em giữ thẻ này, hàng tháng anh bỏ vào đó gần 1000 đô để em chi tiêu, không hề kiểm tra xem em tiêu pha những gì, mua gì cho ai. Về sau này khi cuộc sống của bọn em khá hơn, mỗi tháng anh bỏ vào đó 2000 đô, và dặn em thỉnh thoảng mua gì cho bản thân.

Dù hiện giờ đang mang thai, không đi làm, lại rất khái tính, nhưng chồng luôn cố gắng khiến em không có cảm giác mình ăn bám. Hàng tháng, anh đưa em đi chợ người Việt, cách nơi chúng em sống khoảng hơn 1 giờ lái xe. Lúc nào trước khi vào cửa hàng, anh cũng nói em, cứ mua những gì em cần (mặc dù có lúc chúng em chẳng có nổi 500 đô trong tài khoản).

Có một câu quen thuộc mọi người vẫn hay nói, Tây hay Ta, đâu cũng có đàn ông tốt và chưa tốt, tốt rồi thì mình gắng giúp họ duy trì mà chưa tốt thì như chồng em nói, người vợ hãy bao dung và giúp đỡ chồng, cùng học ở nhau để trở nên tốt hơn. Em cũng từng có người yêu Việt Nam, chỉ là có duyên gặp nhau mà không nên duyên chồng vợ. Đàn ông Việt cũng có những điểm tốt mà đàn ông phương Tây không có nên khó mà biết được liệu rằng lấy anh người yêu đầu tiên kia em có hạnh phúc hơn lấy anh chồng Mỹ bây giờ không. Chỉ biết là em đã yêu và lấy người mình yêu, không có chút gì hối hận vì con đường mình đã chọn.

Nên chồng Tây và chồng ta cũng vậy, phải hiểu và chia sẻ với nhau, đó mới mang lại hạnh phúc được. Với người ở hai dân tộc khác nhau thì nên tìm hiểu văn hóa ứng xử của nhau, như thế sẽ dễ dàng cho cuộc sống gia đình. Ở đâu cũng có người này, người kia. Nên tốt nhất, hãy đi theo tiếng gọi con tim, tình yêu, chứ không nên phân biệt đàn ông Việt và đàn ông ngoại quốc.

(Theo Khampha.vn)