10 ngày tự điều trị tại nhà
Một ngày tháng 8, sau những chuyến thiện nguyện, Dương Quốc Hùng (SN 1994, ngụ TP.HCM) bị đau đầu dữ dội. Chỉ sau một đêm, anh có cảm giác như cơ thể vừa trải qua "trận đánh nhau chí tử". Anh mệt mỏi, toàn thân đau nhức, rã rời.
Dù không muốn tin nhưng Hùng biết mình đã nhiễm Covid-19. Anh bình tĩnh thông báo với gia đình, yêu cầu các thành viên trong nhà không tiếp xúc với mình. Hùng nói: “Tôi nhờ chị của tôi mua giúp bộ test nhanh Covid-19.
“Sau khi test nhanh, tôi nhận kết quả dương tính. Mẹ tôi có gọi điện đến y tế phường để thông báo tình trạng bệnh của tôi. Bà được hướng dẫn nếu các triệu chứng của tôi nhẹ có thể tự điều trị ở nhà, nếu nặng thì nhập viện điều trị. Tôi cảm thấy các triệu chứng nhẹ, có thể vượt qua nên bình tĩnh nhờ chị, mẹ mua giúp tôi thật nhiều dung dịch sát khuẩn, một số thuốc cần thiết rồi lên lầu tự cách ly, điều trị".
Để tránh lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình, anh nhờ mẹ nấu cơm cho mình ăn. Khi nấu xong, bà sẽ mặc đồ bảo hộ, đem đồ ăn lên để trước cửa phòng cho Hùng. Sau khi ăn xong, Hùng cẩn thận xịt sát khuẩn các vật dụng rồi mới trả lại vị trí cũ.
Quốc Hùng đam mê thiện nguyện từ nhỏ. Anh vẫn thường chia sẻ những phần quà nhỏ đến người khó khăn hơn mình. |
Ít ngày sau, bệnh tình của anh trở nặng. Hùng sốt cao, khó thở rồi mất vị giác. Tuy nhiên, anh vẫn bình tĩnh vì đã có sự chuẩn bị trước cũng như vững niềm tin sẽ chiến thắng được dịch bệnh. Anh tự đo nồng độ oxy trong máu, đo nhiệt độ bằng nhiệt kế mà anh đã chuẩn bị từ trước.
“Khi bị sốt, cứ cách 4 tiếng, tôi lại uống 1 viên hạ sốt. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng ăn uống dù lúc đó tôi mất vị giác, ăn không thấy ngon. Tôi cố duy trì việc tập thể dục để cơ thể đủ sức khỏe chống lại virus corona”, Quốc Hùng nói.
Mỗi khi cơn khó thở ập đến, Hùng tự cố gắng chiến đấu, tìm cách tập thở một mình. Anh nói, mỗi lúc khó thở, anh nằm sấp, lót gối dưới ngực, duỗi 2 tay, chân cho thoải mái. Nằm trong tư thế này, anh thấy dễ thở hơn, cải thiện nồng độ oxy trong máu. Nằm sấp mỏi, anh lại nằm nghiêng sang một bên.
Cứ như thế, sau 10 ngày, anh nhận thấy cơ thể mình bớt sốt, các triệu chứng của Covid-19 không còn. Sau khi tự xét nghiệm nhanh, anh nhận về kết quả âm tính.
Hùng (áo trắng) cũng cùng bạn bè chở các phần thực phẩm đến tặng người dân khó khăn. |
Hùng nói: “Lúc phát hiện nhiễm bệnh, tôi không hề lo lắng, bi quan. Tôi chỉ nghĩ mình đang bị cảm sốt. Mình cố gắng sẽ vượt qua được”, Hùng nói.
Những chuyến xe “vui vẻ”
Quốc Hùng kể, khi anh tự điều trị thành công Covid-19 cũng là lúc hầu hết các thành viên trong gia đình đều dương tính. Ngoài người chị cả, các thành viên khác bao gồm ba mẹ, đứa cháu của Hùng đều dương tính với Sars-Cov-2.
Hết thời gian ủ bệnh, mẹ của Hùng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nặng. Bà sốt rất cao, nồng độ oxy trong máu giảm xuống rất nhanh. Thậm chí, có lúc bà ho ra máu. Nhận thấy cần phải đưa mẹ nhập viện, Hùng liên hệ cơ quan y tế và cùng mẹ vào Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2, Quận 12, TP.HCM.
Tại đây, anh trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà và một số bệnh nhân khác. Anh nói: “Trong viện tôi có điều kiện chăm sóc mẹ. Mỗi lần mẹ khó thở, tôi đỡ bà nằm sấp xuống rồi dùng tay vỗ lên lưng, giúp bà tập thở. Những lúc mẹ mệt, tôi cho mẹ ăn cháo…”.
Có thể sau những lần đến khu cách ly, phong tỏa tặng quà, anh đã nhiễm Covid-19. |
“Khi mẹ mất vị giác, tôi cố gắng động viên mẹ ăn. Mẹ thích gì, tôi đều cố gắng, tìm mọi cách mua về cho mẹ. Mục đích là giúp tinh thần mẹ luôn lạc quan. Đối với các bệnh nhân Covid-19, yếu tố tinh thần rất quan trọng nên tôi luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan cho mẹ”, anh nói thêm.
Những thời gian không phải chăm sóc mẹ, Hùng lại tìm cách hỗ trợ các bệnh nhân khác đang điều trị cùng phòng bệnh với mình. Hùng nhớ nhất trường hợp của cụ ông gần 80 tuổi bị lẫn.
Hùng kể: “Vốn đã có tuổi lại bị lẫn, ông không thể tự sinh hoạt cá nhân và chỉ nằm một chỗ. Khi các y bác sĩ chưa kịp đến chăm sóc, tôi thường xuyên thay tã, tắm gội cho ông. Khi nhập viện, ông hầu như không mang theo được gì. Tôi phải xin quần áo của các bệnh nhân vừa được xuất viện cho ông mặc”.
Sau thời gian điều trị, ba mẹ và cháu của Hùng đã ổn định và được xuất viện. Tuy vậy, anh không thể chờ đến ngày cùng mẹ trở về nhà. Anh xin phép mẹ được xuất viện trước với khát vọng có thể sớm quay lại với các công việc thiện nguyện của mình.
Sau khi khỏi bệnh, anh tiếp tục tình nguyện tham gia đội xe chở F0 vào bệnh viện điều trị. |
Ngay khi hết thời gian tự cách ly, Hùng đăng ký, tình nguyện tham gia vào đội xe trung chuyển F0 của phường 3 (quận Gò Vấp, TP.HCM). Anh nói: “Ngay từ nhỏ, tôi đã có ước mơ làm thiện nguyện. Tôi quan niệm cuộc đời mỗi con người không thể nói trước được ngày mai. Thế nên, ngay từ bây giờ, giúp đời được cái gì thì cứ cống hiến”.
Từng chiến thắng Covid-19, Hùng tự tin truyền năng lượng tích cực đến những F0 ngồi phía sau tay lái của mình. Mỗi khi nhận chở F0, anh đều vui vẻ nói với các bệnh nhân rằng, hãy xem chuyến xe này là chuyến xe đi du lịch. Anh đang chở mọi người đến khu nghỉ dưỡng.
Anh chia sẻ: “Tôi luôn muốn các chuyến xe chở F0 của tôi là những chuyến xe vui vẻ chứ không mang không khí ảm đạm, sầu não. Thế nên, tôi hay nói với các F0 là đừng bi quan và sợ hãi. Hãy xem như đang đi du lịch”.
“Bởi, khi vào bệnh viện, chúng ta chỉ việc ăn, nghỉ, dưỡng bệnh mà thôi, không có gì phải lo lắng cả. Trong thời gian ngắn ngủi trên xe, tôi cũng cố gắng chia sẻ các kinh nghiệm điều trị bệnh đã tích lũy được trong thời gian tự cách ly tại nhà cũng như lúc chăm sóc mẹ trong bệnh viện dã chiến cho các F0. Tôi hy vọng mọi người sẽ sớm vượt qua dịch bệnh”, anh nói thêm.
Bài: Nguyễn Sơn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
F0 khỏi bệnh và chuyến xe rời viện trong chiều mưa tầm tã
Trời Sài Gòn đổ mưa tầm tã, nhưng sự u ám của đất trời không che lấp được niềm vui của mọi người trên chuyến xe rời bệnh viện ngày hôm ấy.