Với phương châm sống: "Khuyết tật về cơ thể chứ không khuyết tật về ý chí", Ngọc Bảo - chàng trai không may phải cắt bỏ 1 chân chưa bao giờ nản lòng với đam mê của mình.

Clip: Chàng trai Ngọc Bảo với một bên chân giả vẫn trượt patin cứng cáp cùng đôi nạng gỗ

Đoàn Ngọc Bảo, 23 tuổi, sinh ra ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trong gia đình có 3 anh chị em, nhưng số phận đã không mỉm cười với Bảo khi anh mắc căn bệnh phù chân voi từ bé. Lớn lên với một bên chân không bình thường, thường xuyên đau nhức, kích cỡ lại to hơn những đôi chân của người khác, Bảo thường xuyên cảm thấy buồn tủi. Nhưng vì bạn bè và các anh chị em luôn đối xử với Bảo như một đứa trẻ bình thường, nên anh đã cố hòa nhập với tất cả. Người ta chơi nhảy cầu, đá bóng, anh đều chơi cùng.

Anh nói: "Có lẽ niềm đam mê lớn nhất của tôi là thể thao, tôi không thể ngồi yên một chỗ được dù vận động nhiều là chân lại đau. Tủi thân thì cũng có đó, nhưng tôi chưa nản chí bao giờ...".

{keywords}

Bảo đã chấp nhận cắt đi chân phải của mình khi chứng bệnh phù chân voi ngày càng trầm trọng.

Bảo mồ côi mẹ từ nhỏ, lại thêm một bên chân không lành lặn nên anh chỉ học đến hết lớp 9 thì nghỉ học rồi làm đủ nghề từ thợ may, thợ kim hoàn, phụ bếp rồi đầu bếp để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên tất cả những nghề mà chàng trai khuyết tật này đã trải qua đều không phải là sở thích và đam mê, đó là vì cuộc sống mưu sinh. Sau nhiều lần suy nghĩ, Bảo quyết định đăng ký học ngành marketing, tuy nhiên những khó khăn về di chuyển một lần nữa lại cản trở anh.

"Vào năm 2010, nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn vè cùng với số tiền ít ỏi tích góp được, tôi mở quán kinh doanh ăn uống tại quê nhà. Thời gian đầu làm ăn được, khách nườm nượp, những tưởng sẽ thành công, nhưng sự thiếu may mắn khiến công việc kinh doanh thất bại, khi đó, tôi mất niềm tin lắm", Bảo bày tỏ nỗi niềm.

{keywords}

"Tủi thân thì có, nhưng nản thì không!".

Cách đây 3 năm, Bảo được một tổ chức từ thiện hỗ trợ phẫu thuật cắt chân rồi lắp chân giả để giúp anh hòa nhập với cuộc sống đời thường tốt hơn. Đầu năm nay, may mắn lại thêm mỉm cười với chàng trai trẻ khi anh được kêu gọi tham gia khóa tập huấn trượt băng ở Hàn Quốc để có cơ hội tham gia thế vận hội cho người khuyết tật Paralympic (2018 tại Nga).

Sau chuyến đi đó, Bảo quen một người bạn là chủ một sân trượt patin ở Sài Gòn nên anh được giới thiệu vào làm nhân viên bán hàng cho sân trượt này.

{keywords}

Ngọc Bảo vừa được giới thiệu vào làm nhân viên bán hàng tại sân trượt patin trên đường Bình Quới, quận Bình Thạnh từ tháng 9 năm nay.

Ban đầu, anh chỉ là người bán hàng, giới thiệu các mặt hàng ở cửa tiệm cho khách và hướng dẫn khách mua vé trượt patin. Nhưng rồi những buổi chiều nhìn về phía sân trượt, thấy mọi người lướt đi trên đôi giày 4 bánh điêu luyện, Bảo lại ước mình là 1 phần của đám đông ngoài kia. Rồi anh cũng mang giày trượt cho cả hai bên chân và tiến ra sân với đôi nạng gỗ, trước những ánh mắt ngạc nhiên của mọi người.

{keywords}

Bảo mang giày patin chuẩn bị ra sân tập.

{keywords}

Lách qua những chướng ngại vật điêu luyện.

{keywords}

Trong lúc trượt, Bảo có thể với tay chỉnh lại chướng ngại vật mà không bị ngã.

Vào mỗi buổi sáng và chiều tối, Bảo đều mang giày ra sân tập, khởi động bằng những động tác giữ thăng bằng rồi đến những động tác khó hơn như xoay vòng không cần đôi nạng hỗ trợ.

"Lần đầu tiên xỏ giày đứng lên là đã ngã rồi, ngã nhiều đến nỗi... rách quần luôn. Điều khó nhất khi trượt patin đối với người khuyết tật là chân giả nặng tận 3kg nên cử động khớp gối rất khó khăn. Hơn nữa để thực hiện các động tác xoay vòng qua chướng ngại vật bằng chân giả là một điều không dễ, cần có thời gian. Tuy nhiên để thành thạo những bước cơ bản tôi chỉ tập luyện trong vòng 2 ngày", chàng trai 9X cho biết.

{keywords}

Đôi lúc tập những động tác với độ khó cao khiến Bảo bị té.

{keywords}

Nhưng anh vẫn cố gắng đứng dậy sau đó để tiếp tục tập luyện.


Chia sẻ về ước mơ của mình cũng như chuyện tình cảm, Bảo chỉ cười hiền, tâm sự: "Đối với tôi, trượt patin là một niềm đam mê và sẽ cố gắng sống được với nó. Dự định trong vài năm nữa sẽ tích góp tiền về quê nhà mở cửa hàng bán đồ và sân trượt patin. Còn về bạn gái thì thật ra tôi cũng như những người khác, đều muốn có sự nghiệp vững vàng rồi sẽ tính đến chuyện tình cảm".

Nói về niềm đam mê trượt patin, Bảo còn bày tỏ sẽ cố gắng để giành suất tham dự thế vận hội mùa đông tại Nga trong 3 năm tới. "Nếu không có tên trong danh sách tham dự cũng không buồn lắm vì tôi vẫn còn được sống với môn thể thao yêu thích này. Chơi patin là để khẳng định tôi khuyết tật về cơ thể chứ không quyết tật về ý chí".

(Theo Trí Thức Trẻ)