“Lúc đi sửa điện thoại là khi người dùng mất cảnh giác nhất về bảo mật dữ liệu cá nhân của mình”, Lê Khánh - chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại trên đường Thành Thái, quận 10 (TP.HCM) - nhận định.
Theo ông Khánh, thợ sửa điện thoại thường hỏi mật khẩu khi tiếp nhận máy của khách hàng. “Mật khẩu dùng cho nhiều việc, thường là các bước kiểm tra chức năng, lưu trữ pin, phần cứng... Với iPhone, những bệnh liên quan đến phần mềm đều yêu cầu tài khoản iCloud”, ông Khánh giải thích.
Tuy nhiên, người dùng lại ít quan tâm những rủi ro bảo mật thông tin nhạy cảm khi đưa mật khẩu cho thợ.
Thợ sửa iPhone thường yêu cầu tài khoản iCloud của người dùng. |
“Điều này có thể khiến những thợ sửa 'táy máy chân tay chân' truy cập vào những dữ liệu quan trọng, nhạy cảm của người dùng. Không ít trường hợp các clip 'nóng' bị lộ sau những lần chủ máy đưa mật khẩu cho thợ sửa”, ông Khánh nói thêm.
Theo ông Khánh, để tự bảo vệ trước tình huống đưa mật khẩu "bất đắc dĩ" cho người lạ này, người dùng cần thực hiện những bước dưới đây:
Lưu trữ những dữ liệu quan trọng trước khi sửa: Ngoại trừ trường hợp máy không thể hoạt động thì đây là cách tốt nhất để người dùng tránh lộ, lọt, mất dữ liệu khi sửa điện thoại.
Sửa chữa điện thoại tại các cửa hàng uy tín: Lựa chọn cửa hàng điện thoại uy tín, lâu đời, có địa chỉ, trụ sở rõ ràng giúp người dùng yên tâm phần nào khi cung cấp mật khẩu cho thợ.
Yêu cầu cung cấp thông tin của người giữ mật khẩu: Người dùng cần biết chính xác ai đang giữ mật khẩu của mình bằng cách hỏi chủ cửa hàng hoặc xem thẻ tên nhân viên. Việc làm này giúp người thợ nếu muốn "táy máy chân tay” cũng phải chùn bước khi khách đã nắm giữ thông tin của họ.
Nên chọn cửa hàng uy tín khi sửa chữa điện thoại. |
Đồng thời, khi dữ liệu nhạy cảm bị lộ, lọt, người dùng có thể truy cứu trách nhiệm người liên quan. Không ít trường hợp khách hàng bị lộ dữ liệu phản hồi với chủ tiệm nhưng không xác định được nhân viên nào đã sửa máy hay nhiều tiệm uy tín cũng không thể quản lý được nhân viên.
Đổi mật khẩu sau khi sửa chữa: Đây là nguyên tắc bảo mật bất di bất dịch khi đưa tài khoản và mật khẩu cho người lạ. Có thể với điện thoại, người dùng không cần đổi mật khẩu nhưng với iCloud và tài khoản Google, đây là điều bắt buộc.
Nên ngồi chờ thợ sửa: Nếu có thời gian và cửa hàng hỗ trợ sửa lấy ngay, người dùng nên trực tiếp chờ thợ sửa. Trong quá trình sửa, nên để ý những bước truyền tải dữ liệu như AirDrop, Bluetooth hoặc cắm dây kết nối vào máy tính. Đây là những lúc có thể xảy ra lộ, lọt dữ liệu nhạy cảm.