- Được Trung tâm bảo trợ xã hội 2, Hà Nội nhận về chăm sóc nhưng rồi vì “những chuyện khó hiểu của người lớn” mà Tuấn, cậu bé 8 tuổi có HIV giờ lại phải trở về cuộc sống cô độc như trước kia.
Nhiều bạn đọc của VietNamNet hẳn vẫn chưa quên được hình ảnh cậu bé 8 tuổi, Bùi Văn Tuấn nhà ở xóm Bãi Bệ 1, xã Dũng Phong, Cao Phong, Hòa Bình sống lang thang, một mình giữa sự ghẻ lạnh của mọi người chỉ vì em có HIV.
Ngay sau bài viết và hình ảnh của bé được đăng tải trên VietNamNet hồi cuối tháng 8/2010, hàng trăm độc giả đã gửi phản hồi, nhiều tấm lòng đã trực tiếp giúp đỡ Tuấn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Vậy nhưng, được mấy ngày, gia đình bác bá Tuấn một mực đòi nhận cháu về nuôi, dù cho phía lãnh đạo TT hết lời phân tích về việc cần kíp chăm sóc và điều trị. Được biết, tổng số tiền người giám hộ cho Tuấn (bác bá em) nhận mỗi tháng là 720.000 đồng.
Ba tháng sau ngày gia đình đón cháu về, VietNamNet quay trở lại thăm Tuấn vào những ngày cận Tết Nguyên Đán giá rét.
(Xem hình ảnh Tuấn một mình những ngày giáp Tết)
Túp lều nơi em ở trước đây giờ đã đổ nát, lư hương trên ban thờ của mẹ rơi, vỡ trên giường đầy bụi bặm. Mái lều dột nát, chăn chiếu bám đầy bụi, gầm giường nhiều lỗ sâu mà như em nói “dưới đó có rắn nên cháu sợ lắm”.
Hôm nay, cũng như bao nhiêu ngày trước đó, chỉ có hoặc là anh Hoàn hoặc anh Hoàng (con bác Lan, bác ruột của Tuấn) ở nhà trông nhà.
Người dân ở đây cho biết, vì nợ ngân hàng không có tiền trả, bác trai của em đã trốn biệt đi Nam mấy tháng nay. Bác Lan sợ người ta đến đòi nợ cũng dắt trâu về nhà chị gái ruột ở tạm, thi thoảng tối đến mới tạt qua nhà thăm các con.
Tình cảnh gia đình bác bá như vậy nên Tuấn lại trở về cuộc sống thui thủi một mình như trước kia.
Trời mùa đông, để tránh rét, cu cậu nhét tới 8 lớp áo ngắn dài lên người. Áo quần bên ngoài chắc lâu ngày chưa tắm giặt nên cáu bẩn đen kịt.
Chân em vì không có tất đeo (có một đôi nhưng vừa giặt) nên lạnh ngắt và bị nẻ tếch toác, mặt mũi lem bem. Ở nhà với hai anh, nhiều bữa đợi mãi không có cơm ăn nên cu cậu chạy đi khắp nơi xin ăn.
Được mua cho túi bánh nướng, vừa ăn cơm với đường trắng xong, cu cậu vẫn ngấu nghiến ăn hết gần chục cái.
Ở nhà bác hay bị đói nên dù nhà bà ngoại ở xa đến gần 7km, chẳng ai đưa đi, Tuấn vẫn “khăn gói quả mướp” lên đó chơi, ngủ với ngoại. Ai dè bị cậu đuổi đánh “sợ chết khiếp”.
Nhờ sự giúp đỡ chỉ đường của người dân, đợi mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được bác gái ruột của cháu.
Bác Lan cho biết: “Việc đón Tuấn về là do hai vợ chồng tôi quyết. Sau khi anh về quay phim, xã có đến nhà nói, bảo gia đình tôi đón cháu về”.
Khi được hỏi suy nghĩ như thế nào về điều kiện chăm sóc cho Tuấn khi ở TT và ở nhà, bác Lan phân trần:
“Lúc mình lên TT thì thấy không phải là có mình tới thăm cháu hay không nhưng như thế tốt hơn ở nhà”. Cũng muốn cho Tuấn lên TT song: “Tôi phải chờ bác trai cháu về. Tôi mà quyết là về ông ấy đánh tôi chết mất”.
Đúng ngày tôi về thăm Tuấn, nhóm Tình nguyện trẻ thông qua cô Hải, giáo viên Trường THCS Dũng Phong gửi cho cháu 500.000 đồng mua quần áo Tết.
Vừa đi cùng tôi ra Trung tâm huyện nhận tiền, mua quần áo cho Tuấn, chị Hải vừa giãi bày:
“Đấy, mình giúp đỡ như thế mà nhiều người họ đâu hiểu cho, nghĩ chắc mình kiếm chác được gì nên mới làm. Nhiều lúc, cũng mệt lắm, nhưng vợ chồng và bản thân mình lúc nào cũng tự nhủ làm để tích thiện. Họ nói gì mặc họ, miễn cái tâm mình sáng”.
Nhìn Tuấn xúng xính trong bộ quần áo, giày mới, tôi quay sang thấy mắt chị cười thật tươi.
Đôi mắt ngân ngấn lệ ấy đã biết bao lần gọi điện, gặp tôi lại không nén được nỗi niềm: “Chẳng biết người lớn nghĩ gì, sao cứ để cháu nó phải sống khổ như thế này?”
- Văn Chung