Câu hỏi này đã được bàn thảo tại Tọa đàm "Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Cần bắt đầu từ đâu?"
Mô hình mới cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp điện tử chính là liên kết sản xuất với các tập đoàn FDI công nghệ cao. Liệu đó có phải “cửa thoát rộng mở” cho các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không? |
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam thừa nhận, đúng là việc liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp nội và đa quốc gia (doanh nghiệp đầu chuỗi) là hướng phù hợp nhất với doanh nghiệp Việt hiện nay, khi nâng cao năng lực và đủ điều kiện thì có những đơn ngay tại chỗ. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần có sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, do chính Việt Nam sản xuất.
Tuy nhiên, theo bà Thúy Hương, để doanh nghiệp Việt kết hợp được với công ty đa quốc gia (doanh nghiệp đầu chuỗi) thì còn cần có nhiều bàn tay hỗ trợ. Doanh nghiệp đầu chuỗi phải sẵn sàng cởi mở. Trước tiên, Doanh nghiệp trong nước cần có ngôn ngữ với doanh nghiệp đầu chuỗi. Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đảm bảo, chắc chắn với doanh nghiệp đầu chuỗi. Doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng, giữ được phương thức marketing mang tính quốc tế, lời hứa của doanh nghiệp Việt Nam phải được đảm bảo… Có như vậy, sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu chuỗi mới lâu dài.
Trên thực tế, tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp làm được điều này, có sự gắn kết lâu dài. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam mới là doanh nghiệp thầu phụ, chưa vươn lên được thầu chính. Doanh nghiệp đầu chuỗi cũng mong muốn nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia với họ nhưng do doanh nghiệp Việt còn hạn chế nên chưa thể thành thầu chính.
Nhìn nhận về bức tranh công nghiệp điện tử Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội đánh giá, 3 năm gần đây, nền công nghiệp điện tử Việt Nam đi vào thực chất hơn, các doanh nghiệp Việt như Viettel, BKAV, Vingroup… sẽ là các doanh nghiệp đầu chuỗi, lúc đó, nhu cầu về nguồn lực, bí quyết công nghệ sẽ dồi dào hơn.
Về nghiên cứu phát triển, ông Minh kỳ vọng rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đầu tư vào bí quyết công nghệ sẽ được khơi thông, bởi hiện hay quỹ này chưa được khơi thông. “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt đặt hàng nhiều hơn về vấn đề nhân lực từ các trường đại học, viện nghiên cứu”, ông Minh đặt vấn đề.
Trước thực tế có nhiều doanh nghiệp mời các chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc về làm việc. Liệu việc mời chuyên gia, người đã từng có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc về làm cố vấn cho mình được coi là giải pháp tốt để các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển? Quan điểm của ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng là: Các chuyên gia Nhật Bản có kinh nghiệm 30-40 năm sang Việt Nam theo tổ chức Jica rất được các doanh nghiệp chào đón. Còn nếu các doanh nghiệp phải thuê chuyên gia thì cũng phải tính toán cụ thể.
Câu chuyện là làm thế nào doanh nghiệp FDI đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam? Ông Dũng nghĩ rất đơn giản là chính sách. doanh nghiệp FDI được miễn thuế, giảm thuế nhưng đến năm nào doanh nghiệp sử dụng được linh kiện của doanh nghiệp Việt Nam. Đến năm thứ 3 nội địa hoá được không? Nghĩa là doanh nghiệp FDI hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam. Muốn làm được như vậy cần có chính sách cụ thể.
Doanh nghiệp nội phải trong tâm thế sẵn sàng
Để đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ trong nước với các doanh nghiệp FDI để doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, các doanh nghiệp nội phải có thông tin, đồng thời phải xuất phát mong muốn của hai phía.
Nghĩa là doanh nghiệp nội phải sẵn sàng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp FDI cũng phải tin tưởng và muốn liên kết với doanh nghiệp Việt.
Theo quan sát của bà Hương, hiện nay, thấy rằng Chính phủ đã làm tốt các chính sách trong chuỗi liên kết của hai bên. Như trường hợp của Samsung, thời gian qua, họ cử chuyên gia của họ sang tư vấn tại chỗ cho các doanh nghiệp nội – những doanh nghiệp liên kết với họ, để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của họ, doanh nghiệp nào đáp ứng được thì họ đều cho đơn hàng, và họ kiểm tra thường xuyên về việc này.
Còn việc làm thế nào cho doanh nghiệp Việt tham gia vào đầu chuỗi, quan điểm của bà Hương là, doanh nghiệp nào đã làm ăn đều mong muốn được liên kết cả, nhưng họ bị hạn chế nhiều. Hạn chế về vốn, về công nghệ và nguồn nhân lực, bản thân doanh nghiệp cố thì rất khó, vì vậy cần bàn tay của nhà nước, mong nhà nước hỗ trợ mềm:
Thứ nhất là về vốn, Nhà nước có các chính sách cấp vốn cho doanh nghiệp Việt; thứ 2 là phải nâng cao về công nghệ, Nhà nước cần xem lại các quy định về công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trước khi ban hành cần xem có khả khi không, có phù hợp với thực tế không. Doanh nghiệp Việt thiếu thông tin thì vai trò cầu nối của Hiệp hội sẽ cố gắng cung cấp các thông tin hữu ích về chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các doanh nghiệp.
Về vấn đề đào tạo nhân lực, chúng ta thiếu khá nhiều lao động ở tầm quản lý cấp cao theo tiêu chuẩn của các doanh nghiệp đầu chuỗi, điều này cần phải học, Chúng tôi hy vọng có nhiều chương trình đào đạo cho nguồn nhân lực Việt, các đơn vị trường học, viện nghiên cứu là cánh tay nối dài để đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử.
Tâm Anh