Đó là nhận định của Tổ chức Traffic (Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán thực, động vật hoang dã) về tình hình buôn bán, sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam hiện nay.

Số sừng tê giác được tiêu thụ ở nước ta hiện chủ yếu được nhập về từ Nam Phi. Một số liệu báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu sừng tê giác mới đây của Cơ quan quản lý CITES tại Việt Nam cho thấy, từ năm 2003 - 2010 có 657 sừng tê giác được xuất khẩu hợp pháp từ Nam Phi vào Việt Nam.

Song trên thực tế, chỉ có 170 chiếc được ghi vào danh sách nhập khẩu. Như vậy có khoảng 74% số sừng tê giác được đưa “chui” vào nước ta. Bà Naomi - Trưởng đại diện Tổ chức Traffic tại Việt Nam cho biết: “Việc không hạch toán đầy đủ số lượng sừng tê giác hợp pháp, đã tạo điều kiện cho việc buôn bán sừng tê giác tràn lan. Không chỉ vậy, Việt Nam còn thiệt hại gần 2 triệu USD tiền thuế”.

{keywords}
Sừng tê giác thu giữ trong một vụ buôn lậu

Theo điều tra của Traffic, sừng tê giác vào Việt Nam chủ yếu thông qua các tuyến hàng không nối từ Johannesburg với Hà Nội, TP.HCM, Hongkong, Bangkok… rồi vận chuyển bằng đường bộ qua Lào, Thái Lan…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lợi nhuận của việc buôn bán sừng tê giác, trong đó có sự buông lỏng “miễn thuế thông quan”, “bảo kê” của một số cán bộ, một số nhà ngoại giao Việt Nam.

Bà Naomi lập luận: “Từ năm 2009, Việt Nam đã đưa ra báo cáo rằng có khoảng 100kg sừng tê giác bị bắt giữ và từ năm 2004 - 2008 có ít nhất 10 vụ bắt giữ liên quan đến hành vi bán trái phép sừng tê giác ở thị trường nội địa, nhưng lại không có ai bị truy tố”.
Bà Dương Việt Hồng – Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho biết, vừa qua, Hiệp hội đã tiến hành cuộc điều tra kéo dài 2 tháng, nhắm vào các đường dây buôn bán trên Internet.

Kết quả cho thấy, số lượng các vụ buôn bán qua đường dây này ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Bà Hồng dẫn chứng: “Động vật hoang dã thường được rao bán trên các trang rao vặt, diễn đàn về nuôi thú cưng… Các trang trại khi có khách muốn mua hổ, gấu, tê giác…, họ “lách luật” bằng cách làm hợp đồng cho thuê vật nuôi (50 năm)”.

Về đối tượng mua bán, sử dụng sừng tê giác, theo báo cáo điều tra mới nhất của Traffic với 700 người cho thấy, có 78/700 người là phụ nữ cho biết họ chỉ mua sừng tê giác để tặng người thân, biếu sếp… Trong khi đó đàn ông chỉ có 22/700. Còn đối tượng sử dụng sừng tê giác lớn nhất là doanh nhân với 36/700 người. Tiếp đến là nội trợ với 14/700 người.

Theo bà Naomi, sở dĩ 2 đối tượng phụ nữ và doanh nhân mua và sử dụng sừng tê giác nhiều là bởi họ có niềm tin vào những thông tin quảng cáo rằng sừng tê giác có tác dụng chữa bách bệnh, thậm chí cả bệnh ung thư, rồi “cải lão hoàn đồng” làm tăng sắc đẹp cho phụ nữ, đàn ông sử dụng sức mạnh tình dục tăng lên gấp bội…

(Theo Dân Việt)