Đón sinh nhật 6 tuổi trên đỉnh núi 3.046m

Ngày 8/4, cô bé Nguyễn Bảo Khanh (tên thường gọi bé Nghé) đã kỉ niệm dịp sinh nhật tròn 6 tuổi của mình trên đỉnh Kỳ Quan San (Bạch Mộc Lương Tử) - một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam với độ cao 3.046m. Đây được xem là đỉnh núi rất khó leo, là thử thách với ngay cả những người trưởng thành. Sự xuất hiện của cô bé 6 tuổi trên đỉnh Kỳ Quan San khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Được biết, chuyến đi của bé Nghé diễn ra trong 3 ngày từ 7/4 đến 9/4, một tuần trước ngày sinh nhật (14/4). Người bạn đồng hành của bé Nghé là mẹ - chị Ninh Hà, một giảng viên Tiếng Anh cũng đam mê leo núi.

Bé Nghé trên đỉnh Kỳ Quan San cao 3.046m

“Gia đình mình đã có dự định chinh phục Kỳ Quan San từ sau Tết Nguyên Đán 2022 nhưng chưa thể thực hiện do dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Vừa qua, ngay khi có lịch nghỉ, mình quyết định cùng con chinh phục địa điểm này. Hai mẹ con chỉ có khoảng 2 giờ chuẩn bị, sắp xếp và phân loại đồ đạc rồi xách balo lên đường”, chị Ninh Hà chia sẻ.

Bé Nghé đã từng cùng mẹ leo Nhìu Cồ San, đi phượt Tà Xùa… nên khá “chuyên nghiệp” trong việc chuẩn bị cho các chuyến đi bất chợt. Cô bé được bố mẹ sắm cho nhiều vật dụng leo núi chuyên dụng.

Để tránh đông đúc, chị Hà và bé Nghé không đi theo đoàn và chọn leo núi vào ngày thường. Đồng hành cùng hai mẹ con là một porter người Mông ở Y Tý (Lào Cai). Chuyến hành trình bắt đầu vào 11h trưa ngày 7/4.

Chị Hà, bé Nghé trên hành trình chinh phục Kỳ Quan San

Cô bé thoăn thoắt bám sát tốc độ của người dân đường. “Điều thú vị là con có thể quan sát kỹ năng di chuyển của người porter và làm y hệt. Điều đó làm Nghé di chuyển tốt hơn mẹ”, chị Hà chia sẻ. Cô bé có khả năng giữ thăng bằng tốt, không hề e ngại với những đoạn đường trắc trở.

“Nhiều đoạn di chuyển khó, mình có phần lo lắng nhưng Nghé thì rất bình tĩnh. Con thậm chí nói chuyện liên tục trong cả quãng đường còn mình chỉ leo thôi đã mệt phờ”, chị Ninh Hà thừa nhận. “Không chỉ nhanh chóng làm thân với porter, con còn rất dễ bắt chuyện với những đoàn leo núi gặp trên đường hay tại lán nghỉ”, chị Hà nói.

Bé Nghé học porter dẫn đường cách leo núi rất nhanh

Lên tới đỉnh núi, cô bé 6 tuổi vẫn tràn đầy năng lượng, thích thú nhảy múa để mẹ chụp ảnh, quay video

Dù chỉ 6 tuổi nhưng bé Nghé có “thành tích” du lịch đáng nể. Năm hai tuổi, vợ chồng chị Hà đã đưa con đi từ Hà Nội vào điểm cực đông ở Phú Yên. Năm năm tuổi, cô bé cùng bố mẹ đi Fansipan, băng băng leo hơn 600 bậc thang để lên đỉnh núi.

Bé Nghé cùng bố mẹ đến đỉnh Fansipan 

Nhận thấy con gái có cá tính mạnh, nền tảng thể lực tốt và yêu thích leo núi, tìm hiểu về thiên nhiên nên vợ chồng chị Hà rất ủng hộ, hỗ trợ con. “Mình không có chủ đích rèn luyện cho con để leo núi mà chính con là người chủ động rèn luyện sức khỏe, mong muốn thực hiện các chuyến đi. Mình thường “treo thưởng” các chuyến đi cho con khi con đạt thành tích học tập tốt ở trường”, chị Hà nói. “Không ngờ món quà này kích thích con rất nhiều trong việc học tập”, chị chia sẻ thêm. Cô bé học sinh lớp 1 chưa từng được tới lớp học trực tiếp do dịch Covid-19 nhưng năng nổ tham gia nhiều cuộc thi của trường, thậm chí còn giành vị trí cao nhất, vượt qua các anh chị lớn tuổi hơn.

Kì nghỉ Tết Dương lịch 2022, để thưởng cho sự cố gắng của con, chị Hà đưa bé Nghé chinh phục Lảo Thẩn. Nửa tháng sau đó, bé Nghé lại lên đường leo Nhìu Cồ San.

Bé Nghé chinh phục thành công Lảo Thẩn vào đầu năm 2022

“Chuyến leo Nhìu Cồ San diễn ra vào ngày thời tiết cực xấu: mưa đá, bão, sấm chớp. Đường vô cùng trắc trở, trơn trượt. Ngay cả người lớn còn muốn bỏ cuộc nhưng bé Nghé vẫn kiên trì và đầy hào hứng”, chị Ninh Hà kể.

Chuyến đi Nhìu Cồ San khá khó khăn vì thời tiết: lạnh, mưa đá, sấm chớp
Nhưng bé Nghé đã cùng mẹ vượt qua để chạm đỉnh núi, chiêm ngưỡng biển mây 

Bố bé Nghé dính chấn thương dây chằng trong lúc đá bóng nên không thể tham gia các chuyến trekking leo núi cùng hai mẹ con. Tuy nhiên, anh luôn trực tiếp cùng vợ chuẩn bị đồ cho con, đưa vợ và con đến chân núi rồi ở lại gần đó chờ đợi.

“Duy nhất chuyến đi Kỳ Quan San vừa rồi do bận việc nên bố Nghé không đưa hai mẹ con đi được. Mình và con bắt xe khách lên Lào Cai, đi taxi vào chân núi”, chị Hà kể.

“Dọc đường đi, con luôn vui vẻ. Ngay cả khi di chuyển xe khách con cũng không ngủ mà mạnh dạn trò chuyện với mọi người xung quanh. Trở về nhà vào đêm thứ 7 thì ngày chủ nhật con đã đi bơi”, chị Hà kể.

Chiếc balo “kì diệu” và những kĩ năng vượt sự cố

Theo bật mí của chị Hà, mỗi ngày, chị và con đều đeo balo đựng đồ và leo cầu thang với cường độ nhanh từ 20 - 30 phút. Ngoài ra, bé Nghé còn đều đặn tham gia các buổi bơi để rèn luyện sức khỏe.

Một trong những điều quan trọng nhất, vợ chồng chị Hà trang bị cho con khi đi leo núi, đó là cách xử trí khi không may bị lạc. “Bị lạc khi leo núi là sự cố có thể xảy ra và rất nguy hiểm, nhất là với trẻ em”, chị Hà chia sẻ. Anh chị luôn căn dặn con, nếu gặp sự cố phải tuyệt đối bình tĩnh, không hoảng sợ mà di chuyển lung tung. 

“Mình trang bị cho con một chiếc còi. Khi bị lạc, thay vì di chuyển và gào thét, mình dặn con đứng yên tại chỗ, dùng còi để phát tín hiệu”, chị Hà chia sẻ. Cô bé 6 tuổi cũng được bố mẹ dạy cách gom cành, lá cây để đốt, tạo khói báo hiệu cho mọi người. Trong balo riêng của Nghé luôn có còi, bật lửa, dao, áo mưa và áo khoác dự phòng, bình nước, thêm chút kẹo, đồ ăn nhẹ để đề phòng trường hợp gặp sự cố.

Chị Hà không quên dặn con, khi bị lạc cần quan sát xung quanh, tìm một vị trí trũng, ngồi xuống để cây cối chắn gió cho mình; kéo cao khóa áo và trùm mũ để giữ ấm. Bởi lẽ, ở những đỉnh núi cao cả ngàn mét, chỉ cần đứng yên một thời gian ngắn là cơ thể có bị lạnh, nhất là mùa đông.

Bé Nghé luôn mang theo "chiếc balo kì diệu" bên mình

“Khi đưa con đi leo núi, vợ chồng mình muốn con rèn luyện lòng dũng cảm, sẵn sàng đối mặt khó khăn, thử thách. Mình muốn con hiểu rằng: không gì dài, rộng bằng đôi chân chính mình”, vợ chồng chị Hà tâm sự. 

Linh Trang (Ảnh: NVCC)