Trời mùa đông miền Bắc buốt giá nhưng cô bé 13 tuổi Đặng Thị Hương vẫn bươn bả ngoài đường với thúng xôi còn quá nửa, là kế mưu sinh duy nhất để cô lo cho gia đình ở quê.

Đúng 14 năm sau, tháng 11-2013, cô bé ấy đã trở thành sinh viên VN duy nhất và đầu tiên nhận đúp hai giải thưởng danh giá: “Sinh viên quốc tế xuất sắc năm 2013 bang Victoria” và “Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013 do Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao tặng”.

{keywords}

Đặng Thị Hương nhận giải thưởng từ Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine (bìa phải) - Ảnh do nhân vật cung cấp

92 cây số của nghị lực

"Tôi ý thức rằng thành công không phải là đích đến mà là cảm giác đi qua mỗi chặng đường nên mình sẽ không bao giờ được phép ngừng cố gắng, nỗ lực"

ĐẶNG THỊ HƯƠNG

Đó là quãng đường từ nhà Hương ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đến Hà Nội, chặng đường mà mỗi năm hai lần vào dịp tết và giỗ bố, cô bé ôsin gầy gò ấy mới được chủ cho phép về. Mẹ trở dạ sinh Hương cũng ở ngay xó nhà. Một mái nhà tươm tất trở thành giấc mơ rất xa xôi. “Những ngày mưa xối xả, cả nhà vừa chui xuống gầm giường vừa nơm nớp sợ lỡ nhà đổ đè chết cả. Mẹ chạy vạy mãi mới xây được cái nhà nửa tường gạch nửa đắp đất” - Hương kể về ngôi nhà của mình.

Chỉ có Hương khỏe nhất nhà còn đỡ đần được cho mẹ chứ anh và em gái bệnh liên miên. Biết mẹ định cho mình nghỉ học từ lúc vừa bước vào lớp 7, suốt năm ấy Hương chỉ mong từng ngày trôi thật chậm, mơ một điều kỳ diệu. Hương kể mẹ nghe ước mơ làm cô giáo dạy văn, mẹ không nói gì nhưng sáng ra thấy gối mẹ ướt đẫm. Hương đã thôi không mặc đồng phục, cũng không dùng dằng nữa hôm khai giảng lớp 8 mà theo mẹ ra đồng, bắt đầu bài học với hạt lúa, với nắng mưa bạc mặt của trường đời.

Bám ruộng cũng không đủ ăn, bệnh của bố trở nặng, Hương xin mẹ ra Hà Nội làm ôsin. Bơ vơ giữa đô thị phồn hoa, Hương xin vào chăm con cho một gia đình giàu có với tài sản duy nhất là những bài hát ru trẻ con được mẹ dạy. Làm quần quật cả ngày, mặc những lời chì chiết, chửi mắng của chủ nhà, mỗi tháng cô có được 150.000 đồng gửi về cho mẹ.

Nhưng khát khao đi học trong cô chưa bao giờ biến mất. 18 tuổi, Hương đi học lớp 8 chương trình bổ túc tại trung tâm giáo dục thường xuyên và bị đuổi việc. Không tiền, không chỗ ở, Hương ở nhờ dưới gầm cầu thang một khu ổ chuột vừa kê đủ cái giường gãy chân. 2g sáng thức dậy thổi xôi đi bán, rồi đi lau nhà thuê, chiều đi bán bánh các loại, tối học xong lại bán bánh đến nửa đêm. Những giấc ngủ vỏn vẹn hai tiếng mỗi ngày cứ chập chờn, co ro một mình, có khi bị phủ bụi mờ vì người ta lên xuống cầu thang. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ điều duy nhất là nếu tôi ngừng lại, anh trai và em gái chắc chắn phải nghỉ học, ruộng của mẹ làm sao đủ được nên mình không bao giờ được gục ngã” - Hương nói.

Chạm vào giấc mơ Lọ Lem

Năm 2006, Hương thi đậu vào KOTO - một doanh nghiệp xã hội chuyên đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho trẻ đường phố với quy trình tuyển chọn khá gắt gao khi vừa tròn 20 tuổi. Theo học ở KOTO, Hương quyết tâm hoàn tất chương trình phổ thông. Vào KOTO, Hương tự ti, mất niềm tin và luôn tránh mọi người. Biết điều này, anh Jimmy Phạm - người bảo trợ cho các bạn ở KOTO - đã lắng nghe và trò chuyện với Hương suốt 30 phút. “Từ lúc lên Hà Nội đây là lần đầu tiên có một cánh cửa không đóng sầm lại trước mặt mình” - Hương chia sẻ.

Sau lần ấy Hương mở lòng, mày mò làm quen với tiếng Anh. Hương được nhận vào làm tại khách sạn InterContinental Hồ Tây, rồi quay về làm nhân viên KOTO giúp lại trẻ đường phố. Giám đốc marketing KOTO Nguyễn Tuyết Trinh nhận xét: “Khả năng nắm bắt công việc của Hương nhạy bén dù chưa học qua các kỹ năng hay kiến thức chuyên ngành marketing cơ bản nào, luôn mang lại những thành tích đáng ngạc nhiên và cô bé là niềm tự hào lớn của chúng tôi”.

Đang có công việc ổn định, thu nhập tốt, đùng một cái Hương nộp đơn du học ngành quản trị kinh doanh tại Học viện Box Hill (Úc). Gia đình phản đối vì “con gái 25 tuổi nên nghĩ đến việc chồng con thay vì đi học” nhưng Hương vẫn đi. Chuyện học ở Úc không đơn giản nhưng cô tự nhủ “không biết thì học”. Hương thức suốt đêm để học, đưa cả những con tính với thúng gạo, con gà của mẹ ở quê nhà vào bài học kinh tế ở trường khiến giáo sư dạy học phải thốt lên: “Em phải gọi điện về cảm ơn vì mẹ em là thầy giáo kinh tế tuyệt vời nhất”.

Ngoài giờ học, Hương làm bán thời gian cho một khách sạn và làm tình nguyện viên mảng marketing của KOTO quốc tế. Không lúc nào ngơi tay nhưng cuối tuần lại dành cho hoạt động từ thiện gây quỹ giúp trẻ em đường phố VN mà có chương trình Hương đã thu được 10.000 đôla Úc. Những đóng góp ấy cùng với thành tích học tập tốt, Hương trở thành đại sứ sinh viên quốc tế của Học viện Box Hill 2013. Mới nhất là cú đúp hai giải thưởng danh giá mà phần thưởng là suất học bổng toàn phần 20.000 đôla Úc tại ĐH RMIT chuyên ngành kinh doanh. “Tôi muốn tìm hiểu về việc khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội, giải pháp cho các vấn đề liên quan tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” - Hương chia sẻ ước mơ của mình với giọng nói trong trẻo không chút dấu vết của con bé tự ti, lạc lõng giữa phố phường ngày nào...

(Theo Đoàn Bảo Châu/ Tuổi Trẻ)