- Ca sĩ thị trường không được đào tạo thanh nhạc. Sinh viên tốt nghiệp Nhạc viện lại thiếu kĩ năng biểu diễn. Đó là một phần rất lớn của vấn đề.


Xung quanh cơn bão dư luận liên quan đến nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về các ca sĩ và thị trường hiện nay, VietNamNet xin giới thiệu lại loạt bài viết về việc chọn nhạc để nghe của người Việt, về sự thiếu định hướng nghe nhạc, sự mập mờ trong việc đánh giá các giá trị âm nhạc hiện nay.

---------------------

Tiếp tục mạch bài trong chuyên đề "Người Việt có chọn được nhạc để nghe?", để hiểu thêm về quá trình đào tạo các ca sĩ cho thị trường âm nhạc đại chúng, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với NSND Trung Kiên và hai cựu sinh viên Nhạc viện.

Sinh viên nhạc viện không được học biểu diễn

Những năm gần đây, khi showbiz bắt đầu phát triển theo chiều rộng, không ít trường hợp các ca sĩ có chất giọng tốt, tốt nghiệp loại ưu Học viện âm nhạc Quốc gia phải nhường lại thị phần lớn trong âm nhạc đại chúng cho các giọng ca không hề chuyên nghiệp, nhưng đầu tư tốt phần nhìn.

NSND Trung Kiên đã nói: "Ca sĩ không thể chỉ thu âm, quan trọng hơn là phải biểu diễn thường xuyên, phải sống trên sân khấu". Nhưng dù xem là nơi đào tạo thanh nhạc uy tín bậc nhất, học viện Âm nhạc quốc gia vẫn chưa thể giảng dạy đầy đủ các môn học về kĩ năng sân khấu, để các sinh viên có thể  làm nghề thuận lợi trước thị hiếu thưởng thức quan trọng phần nhìn như hiện nay. 

(Ảnh minh họa)

Một ví dụ điển hình là ca sĩ Lê Anh Dũng (thủ khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia năm 2008, giải nhất Sao mai dòng Thính phòng năm 2007) hay Ngọc Ký (giải nhì Sao mai dòng Dân gian năm 2009). Tốt nghiệp với điểm số cao, được đánh dấu "chất lượng" của Học viện Âm nhạc Quốc gia, đã từng thành công ở những giải thưởng âm nhạc trong nước, nhưng trên thị trường và trong tâm trí số đông công chúng, những cái tên ấy vẫn còn xa lạ.

"Chúng tôi đã không được học về biểu diễn", đó là câu trả lời gây ngạc nhiên của thủ khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

"Trong Học viện Âm nhạc quốc gia chúng tôi chỉ học về kĩ thuật thanh nhạc. Còn việc giải phóng hình thể, kĩ thuật biểu diễn thì không được học, không được đào tạo. Các vấn đề này phía Giám đốc Nhạc viện cũng đã nghĩ đến rồi, nhưng chưa triển khai, chưa làm được" Lê Anh Dũng và Ngọc Ký trả lời.

Như vậy, để ghi dấu ấn trong lòng số đông công chúng hiện nay, thì một giọng hát hay có lẽ là chưa đủ. Người ta có thể không đồng tình với việc chỉ chú trọng ngoại hình trong biểu diễn, nhưng việc bỏ qua hay coi nhẹ yếu tố "nhìn" thì không ổn.

NSND Trung Kiên giải thích đồng thời thừa nhận Nhạc viện chưa thể đào tạo các bộ môn cần thiết cho nhạc nhẹ: "Chúng tôi chưa làm nhạc nhẹ được, vì toàn bộ thầy trong trường không biết nhạc nhẹ. Sắp tới nhạc viện chỉ mở thêm khoa Jazz bên cạnh opera và thính phòng thôi. Nhạc nhẹ không phải đùa đâu. Không biết thì không được làm."

Tôi đã sang Anh tìm hiểu về đào tạo ở đó. Đào tạo opera là 13.000 bảng Anh một năm học, nhạc nhẹ là 7.000 bảng. Một đến hai năm đầu tiên, sinh viên học cơ bản như nhau. Sau đó người ta mới xét người này theo opera, người kia theo nhạc nhẹ. Dù có đi theo nhạc nhẹ vẫn phải học luyện thanh và tập các chương trình có tính chất Pop, Rock, Jazz...Ca sĩ nhạc nhẹ họ cũng phải học cơ bản chứ không phải kiểu nghiệp dư như mình
" .

"Dù sao các em đi ra từ Nhạc viện cũng có kĩ thuật cơ bản tốt hơn, giọng hát sẽ tốt hơn các ca sĩ thị trường không được đào tạo". Ông nói

Nhiều người đi hát lại không biết đọc nốt nhạc

Trong khi hệ thống đào tạo chưa đưa đến cho công chúng một tầng lớp nghệ sĩ đại chúng để chiếm lĩnh thị trường, thì nhiều người lại rất tự tin bước vào nghề hát dù chưa từng đọc được một nốt nhạc. NSND Trung Kiên cho biết: "Những người như thế nhiều lắm. Tôi không biết có bao nhiêu. Ca sĩ không biết nốt nhạc, nhạc sĩ phải dạy bài theo cách truyền khẩu.

Uyên Linh đăng quang VietnamIdol xong được coi như thiên thần. Nhưng tôi bảo "Không biết đọc nhạc thì xấu hổ lắm con ạ, phải học đi". Truyền hình tung hô cũng làm hỏng ca sĩ. Họ có năng khiếu, nhưng năng khiếu rồi cũng phải học.

Bây giờ các đài truyền hình thi cái nọ cái kia, không vấn đề gì, nhưng khán giả phải được biết đó là không chuyên. Tình trạng văn hóa nghệ thuật lộn xộn ở nước ta hiện nay cũng là do không  rõ ràng giữa các thể loại, trình độ, mọi thứ xếp chung vào một giỏ. Dở nhất là đang lẫn lộn hết giữa không chuyên và chuyên nghiệp.

Tôi không câu nệ là phải học trong trường, học ở ngoài cũng được, nhưng phải học. Người có học sẽ khác, về mặt nghệ thuật sẽ phát triển lên, ngay cả cách xử sự cũng sẽ khác, không mắc những sai lầm thiếu văn hóa.
"

Hồ Hương Giang