Người ta chen lấn nhau, xô đẩy nhau thậm chí đứng hẳn lên các bục, ghế tìm cho mình một cái “view” đẹp mắt để… “xem đám tang nghệ sĩ là như thế nào”.
Có rất nhiều chuyện để nói xung quanh cuộc đời người nghệ sĩ. Chuyện đời, chuyện nghề, chuyện scandal, chuyện sau hào quang sân khấu… Và hôm nay, tôi chỉ xin được đề cập đến một chuyện đáng để mỗi người chúng ta suy ngẫm hơn, đó là chuyện ra đi của người nghệ sĩ và văn hóa ứng xử của khán giả trước sự ra đi ấy…
Những ngày qua hình ảnh về đám tang của người mẫu Duy Nhân ngập tràn các mặt báo khiến người ta nghĩ nhiều về cuộc đời của những nghệ sĩ tài năng nhưng bạc mệnh. Họ - những con người cống hiến cả đời vì nghệ thuật dù biết cái nghiệp này chìm nổi, bấp bênh. Có những người ra đi khi đã thành danh, có những người ra đi khi đã giã từ sự nghiệp, song tiếc nuối hơn lại có những người còn đang vật lộn với cuộc sống để tìm chỗ đứng cho mình trong lòng khán giả.
Họ đi để lại nỗi đau trong tim người thân, sự tiếc thương trong lòng khán giả. Họ đều xứng đáng với cái tên chung là nghệ sĩ. Vì là nghệ sĩ nên sự ra đi của họ cũng khiến cho nhiều khán giả nuối tiếc, nhiều người nổi tiếng đến tiễn biệt trong lễ đưa tang. Đó là niềm động viên, niềm an ủi cuối cùng dành cho họ và gia đình. Song, trong phần đông khán giả ấy có ai tự hỏi mình đến mang tấm lòng tiếc thương viếng hương hồn người quá cố? Đáng buồn là rất nhiều trong số họ không thể trả lời được câu hỏi này. Vì số đông con người gọi là “khán giả” ấy chỉ đơn thuần đến vì hiếu kì, vì muốn nhìn mặt người nổi tiếng hay nói trắng ra là vì “ham vui”. Người ta chen lấn nhau, xô đẩy nhau thậm chí đứng hẳn lên các bục, ghế tìm cho mình một cái “view” đẹp mắt để… “xem đám tang nghệ sĩ là như thế nào”. Tất cả diễn ra trong không khí tang thương của gia đình nghệ sĩ, một không gian đáng ra cần sự tôn nghiêm, thành kính đối với người đã khuất.
Nhiều người hò hét, chạy theo nghệ sĩ đến viếng người mẫu Duy Nhân để xin chụp hình. |
Nhưng đấy vẫn chưa là điểm dừng đối với họ. Hành động xấu xí ấy còn đẩy đến cao trào khi trong đám tang có nhiều người nổi tiếng đến tiễn đưa bạn mình lần cuối. Bao nhiêu nỗi niềm, tình cảm chân thành họ mang đến chia buồn cùng gia đình nghệ sĩ đều bị những hành động vô duyên đến khó hiểu của “khán giả” dập tắt. Những lời cười nói, bàn tán, những chiếc máy ảnh, hay thậm chí là những tiếng vỗ tay vang lên đổ dồn vào họ giữa khung cảnh đau thương ấy. Rồi sau đó là những tấm ảnh, những status khoe khoang về việc đã chụp ảnh được người nổi tiếng tại đám tang của nghệ sĩ. Họ vốn chỉ muốn mang tâm tình của một người bạn thắp nén hương tiễn đưa đồng nghiệp lại bất đắc dĩ trở thành trung tâm của “show diễn” dành cho bộ phận những khán giả vô cảm và thiếu văn hóa. Nghệ sĩ đến viếng bạn của họ đó là tấm lòng, họ tất nhiên không sai nhưng chính họ lại cảm thấy khó xử vì hành động của những khán giả thiếu suy nghĩ ấy. Nếu không thể tiếc thương sao không đơn giản chỉ đứng nhìn và mang theo cả sự im lặng?
Không bất ngờ trước hình ảnh này nhưng ta cũng không khỏi đau lòng khi nhìn thấy nó. Không được phép cười đùa trên nỗi đau của người khác - Một triết lí bao đời nay được người Việt gìn giữ, truyền dạy. Nhưng lúc này, nó trở nên xa xỉ và để thực hiện được có vẻ quá khó khăn. Nên mới có chuyện hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người reo hò, cười đùa trong đám tang của Duy Nhân gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Chỉ mong bắt đầu từ bây giờ, mỗi người trong chúng ta đủ tỉnh táo thoát ra vòng xoáy ấy để văn hóa ứng xử văn minh không trở thành xa xỉ đối với người Việt ta. Và quan trọng hơn hãy học cách ứng xử để mỗi cuộc tiễn đưa được trọn vẹn, để tiếng sóng, tiếng lòng khán giả mãi vang vọng trong lòng người nghệ sĩ như Tống biệt hành của Thâm Tâm:
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Theo Lao động