- Tán thành chỉ thị của Ban Bí thư cấm tặng quà Tết cấp trên, bạn đọc cũng đòi hỏi cơ chế giám sát, xử lý nghiêm, phải cấm cả cấp trên cũng như người thân nhận quà.

Cấm tặng quà cấp trên không phải là quy định mới. Độc giả Huỳnh Nở đặt câu hỏi quy định đã cũ từ lâu nhưng cơ chế kiểm soát không nghiêm nên vẫn tiếp diễn, thậm chí có khả năng tăng dần trong mấy năm qua.

Bạn đọc Hửu Hùng cũng tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của lệnh cấm: Mấy năm nay với quy định nêu gương nên cấp dưới chờ mãi câu "từ chối" của cấp trên mà sao thấy lâu quá, rồi tâm lý lây lan: "Không đi chúc Tết người ta/ Người ta tự ái khó mà an thân"!

"Từ trước đến nay chúng ta chỉ cấm có một vế, tức là cấm người biếu, còn vế thứ hai không cấm, đó là người nhận" - bạn đọc Nguyễn Văn Pha nêu. Phải cấm cả người biếu lẫn người nhận vì "có cầu ắt sẽ có cung", nhất là cầu lại có quyền quyết định đến vận mệnh của người biếu.

Có độc giả đặt câu hỏi: "Cấm tặng quà cho sếp chứ đâu có cấm tặng vợ và người thân của sếp?". Độc giả Cố Nhân nêu ý kiến: "Cấm tặng quà cho cấp trên nhưng vợ, con cái, người thân của cấp trên đều có thể nhận "quà" bằng nhiều hình thức khác nhau". Độc giả Văn Phong cũng cho rằng “cấm sếp nhưng đâu có cấm vợ sếp”?

{keywords}

"Lệ" biếu quà cho sếp được độc giả Nguyễn Thị Hải miêu tả, cứ Tết đến là "máu chảy về tim", mọi người nhìn nhau và cạnh tranh trong việc biếu quà cho lãnh đạo.

Độc giả Hải viết, làm sao phải cấm các lãnh đạo nhận quà, các lãnh đạo phải treo biển công khai: KHÔNG NHẬN QUÀ,TIỀN , KHÔNG TIẾP KHÁCH ĐẾN BIẾU QUÀ,TIỀN tại nơi ở và cơ quan, phải quán triệt tinh thần này đến gia đình, vợ, con... "Tuy nhiên, làm sao cấm được giao dịch ngầm chứ?" - độc giả đồng thời nêu khó khăn trong việc thực hiện.

Độc giả Diễn chỉ ra, bây giờ có nhiều kiểu biếu lắm. Chẳng ai đi biếu rượu, bánh trái đâu. Loại quà đó có lẽ là thực lòng quý nhau mới biếu. Còn các loại khác phổ biến hơn bây giờ là biếu phong bì hoặc chuyển khoản sẽ tiện hơn nhiều. Không biết có kiểm soát được dạng biếu xén như thế không nhỉ?

Chế tài nào?

Độc giả Thái Sơn thắc mắc: "Ai là người đi kiểm tra xem có ai đi tặng quà sếp và sếp có nhận quà không. Nếu có sếp nhận, sếp không thì ai sẽ là người kỷ luật sếp này, biểu dương sếp kia và cuối cùng, có ai đến chúc Tết sếp mà lại không biếu quà?".

Bạn để bí danh "Người dân" cũng đưa ra câu hỏi: "Ai sẽ giám sát? Giám sát thế nào?". Theo nhận xét của độc giả Phạm Thu Hồng, để kỷ cương phép nước không bị coi nhẹ, phải có biện pháp kiểm tra và làm cho mọi người phải tôn trọng luật pháp.

“Quan trọng nói vậy nhưng có làm được không!? Năm nào cũng có chỉ thị của các cấp từ TƯ đến địa phương nhưng "cấm ai, ai cấm, bây giờ cấm ai"? Thật buồn cho các chỉ thị, vì nó có đi kèm với chế tài đâu?" - bạn đọc Nguyễn Quang Trường nêu ý kiến.

Trên tờ Tiền Phong, ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến cũng cho rằng, bây giờ quà trở thành giá trị vật chất lớn. Có người ngày Tết tặng quà nhau mấy chục ngàn đô la Mỹ, tặng chai rượu ba bốn mươi năm, trị giá hàng chục triệu đồng hoặc quà vật chất trị giá hàng trăm triệu đồng.

Ông lý giải: "Quà chỉ còn mang ý nghĩa vật chất, sự trả ơn cho những thứ anh đã cho tôi như đã thăng chức, đã tạo điều kiện cho tôi làm ăn. Đấy là sự trả ơn mang tính chất vụ lợi, là một loại lợi ích nhóm".

Nhấn mạnh chỉ thị của Ban Bí thư là "kịp thời", ông Tiến nói nếu cấp trên từ chối, dứt khoát yêu cầu mang về và "cảnh cáo" người tặng quà thì liệu có cán bộ nào dám tặng.

"Có nhiều biện pháp để ngăn chặn việc tặng quà cấp trên, nhưng cao nhất là thái độ kiên quyết của người nhận quà", ông Tiến phân tích.

Hồng Nhì