TIN LIÊN QUAN

Đi bảo hành bị lộ số cá nhân?

DSC01362.jpg
Chiếc điện thoại của anh Thịnh trước khi được sửa, màn hình tối đen dù cụm điều khiển vẫn sáng.
Mua điện thoại Nokia E75 từ tháng 11/2009 nhưng anh Đỗ Đức Thịnh (Hải Phòng) đã 4 lần phải cho máy "đi viện" tại Trung tâm Nokia Care Hải Phòng. Theo anh Thịnh, chỉ vài hôm sau khi mua, chiếc máy của anh trục trặc đủ thứ: không có sóng, máy treo, cứng bàn phím, ...

Đến lần thứ 5 bảo hành, anh Thịnh bị Nokia từ chối với lý do: "mốc cáp". Đồng thời với việc dán tem từ chối bảo hành lên sản phẩm, Nokia Care Hải Phòng đưa ra mức giá 1.950 nghìn đồng cho chi phí sửa chữa máy của anh Thịnh. Máy của anh Thịnh còn hạn bảo hành đến tháng 11/2010.

"Tôi ngỡ ngàng khi nhận được lý do này vì máy thì không tiếp xúc cũng chẳng rơi xuống nước bao giờ. Nực cười là nhân viên giải thích: tại khi nghe điện thoại tôi cho máy... lên tai nên nước trong tai ngấm vào. Chẳng nhẽ muốn nghe điện thoại tôi nên đút túi quần?".

Ngay tối hôm bị từ chối bảo hành, anh Thịnh nhận được một cuộc gọi và tin nhắn từ số điện thoại lạ giới thiệu là "tay trong" của bảo hành hãng, đề nghị sửa máy của anh Thịnh rẻ hơn... 50% so với hãng hoặc mua lại máy với giá rẻ.

Tin chắc thông tin về việc bảo hành và số điện thoại của mình "rò rỉ" từ trung tâm bảo hành của Nokia, anh Thịnh nghi hoặc, "việc bán thông tin chứng tỏ có sự thông đồng giữa nhân viên trạm bảo hành nhằm trục lợi trái phép. Cũng không ngoại trừ việc cố tình từ chối bảo hành là nhằm mục đích trục lợi này".

Mất niềm tin vào trung tâm bảo hành Nokia tại Hải Phòng, anh Thịnh cũng không thể bảo hành tại Trung tâm bảo hành Nokia khác vì chiếc tem "từ chối bảo hành" chình ình trên máy. Anh Thịnh đành chấp nhận "vứt xó" chiếc di động E75 này.

Khó xác định danh tính người xưng là "tay trong Nokia"

IMG_1003.jpg
Một cửa hàng của Nokia. Ảnh minh họa B.A
Khi VietNamNet chuyển phản ánh của anh Thịnh đến đại diện Nokia Việt Nam, anh Thịnh đã nhanh chóng được sửa máy dù trước đó 2 tuần đã bị Nokia Care Hải Phòng từ chối bảo hành.

Đại diện Nokia cho biết, "Trường hợp này chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện khách hàng bị lỗi LCD. Chúng tôi đã quyết định thay LCD và cấp LCD miễn phí cho khách hàng".

Ngoài ra, vị đại diện này cũng thông tin Nokia vẫn đang điều tra về số điện thoại đã gọi điện và nhắn tin cho anh Thịnh. Nokia nhận định đây là một số điện thoại từ sim "rác" nên không xác định được danh tính người đã thực hiện tin nhắn này.

Theo khuyến cáo của Nokia, "Khách hàng nên cẩn thận với những tin nhắn không xác định danh tính và thông báo cho đường dây nóng của Nokia Care khi phát hiện có những trường hợp tiêu cực như đã nêu".

Bảo mật thông tin: chuyện lớn dễ bị bỏ qua

Việc Nokia Care Hải Phòng từ chối bảo hành trước đó và việc số điện thoại lạ mời chào anh Thịnh sửa máy giá rẻ có liên quan đến nhau như thế nào, Nokia không đề cập đến và anh Thịnh cũng không được giải thích cụ thể. "Giám đốc Nokia Care Hải Phòng nói với tôi đây là lần đầu tiên nhận được phản ánh như vậy nhưng tôi tin chắc mình không phải là nạn nhân duy nhất.", anh Thịnh chia sẻ.

Trong sự việc trên, chưa kể đến việc Nokia Care Hải Phòng từ chối bảo hành vô cớ cho khách hàng, chỉ khi báo chí can thiệp, quyền lợi khách hàng mới được đảm bảo. Thông tin khách hàng bị lộ cho những "cò" sửa chữa điện thoại rất cần Nokia xem xét lại quy chế thông tin bảo lưu thông tin khách hàng.

Tháng 7/2009, một số chi nhánh của ngân hàng HSBC đã bị cơ quan Quản lý tài chính Anh (FSA) phạt 5,2 triệu USD vì bất cẩn trong xử lý thông tin mật của hàng trăm nghìn khách hàng khiến họ đứng trước nguy cơ thiệt hại tài chính.

Trên nhiều quốc gia và nhiều lĩnh vực, thông tin của khách hàng được bảo mật không kém những tài sản có giá trị lớn. Tuy vậy, kể cả dự thảo luật Bảo vệ Người tiêu dùng hiện nay cũng không hề đề cập về trách nhiệm của thương nhân đối với thông tin cá nhân khách hàng cung cấp.

Trong khi đó, đa số khách hàng Việt mang tư tưởng "mất bò mới lo làm chuồng", không ngần ngại cung cấp thông tin cá nhân khi dùng sản phẩm/dịch vụ mà không quan tâm thông tin của mình sẽ được lưu trữ và sử dụng như thế nào. Chỉ đến khi có sự cố, thông tin bị lạm dụng hay quấy nhiều, người tiêu dùng mới nhận thấy nguy hại của nó.
  • Bảo An