- Đã gần 3 năm em xa mái Trường THPT Quảng Xương I – 3 năm gắn bó bên mái nhà 12c7 mà cô dìu dắt, nhưng chưa một lần em đủ dũng cảm đến thăm cô…

Mong lắm 20/11 này được chụp ảnh cùng cô.

Cô à! Còn nhớ năm đầu tiên vào cấp 3, em luôn tự ti về bản thân vì em đậu cấp 3 bằng điểm vớt. Em yêu môn Văn, chính vì thế mà em quyết định sẽ theo học khối C và cũng từ đó em bỏ lỡ kiến thức khối A ngay từ khi cấp 2 – một sai lầm để suýt phải trượt cấp 3.

Cô là giáo viên chủ nhiệm trẻ tuổi, dạy môn Lịch sử. Điều làm em ấn tượng ngay từ đầu đó là những cử chỉ thân thiện, gần gũi với học sinh. Cô đã xóa tan đi khoảng cách giữa cô – trò, tan đi cái cảm giác lo sợ, lạ lẫm trong em và các bạn. 

Kì đầu tiên khi học lớp 10, em bị 4 điểm thi môn Lịch sử. Có thể nói trong Văn, Sử và Địa lí thì em ghét nhất môn Lịch sử. Môn học làm em rối loạn với những con số khổng lồ, những mốc thời gian chằng chịt. Nhưng chính cô đã thay đổi em…

Mỗi lần đến môn của cô, không ai có thể chán nản hay nói chuyện được (một phần nhỏ là cô nghiêm khắc) bởi cô luôn có những cách dạy mới mẻ, gắn kết những sự kiện, kể những câu chuyện lịch sử.

Những lần như thế, em như bị say, bị lôi cuốn vào những câu chuyện thú vị đó. Và từng ngày, từng ngày chờ mong để được khám phá những câu chuyện tiếp theo. Tình yêu của em với cô và môn Lịch sử cũng bắt đầu từ đó.

Cô đã cho em biết được rằng, không có gì là không thể làm được chỉ cần có niềm tin ở bản thân mình và sự chăm chỉ. Cô nói, với môn sử: “chỉ cần 10% thông minh nhưng cần 90% chăm chỉ”. 

Thời gian bên cô và các bạn 3 năm cấp 3 đã làm em quên đi hết những muộn phiền chuyện gia đình mỗi khi bước qua cánh cổng trường. Đó cũng là nơi hòa trộn nhiều cảm xúc: mến – yêu – ghét – giận hờn và ngộ ra nhiều điều.

Có lúc em muốn bỏ cuộc, đặc biệt khi kì thi học sinh giỏi sử cấp tỉnh sắp tới. Em học theo kiểu “tài tử” thật (theo nhiều bạn nhận xét), học theo hứng và cảm xúc. Một lần, vì phạm lỗi nhiều, em bị cô bắt đình chỉ học 1 tuần – một scandal mạnh nhất của một học sinh sắp thi học sinh giỏi.

Em thầm phục cô, cô nghiêm khắc nhưng cũng đầy lòng vị tha với học sinh, cô đã động viên, thôi thúc em rất nhiều. Có khi đi học tối về muộn, không có xe cô đã đưa em tận về nhà; có chuyện buồn phiền cô sẵn sàng lắng nghe.

Cô vừa là thầy dạy vừa giống như  một chuyên gia tâm lí. Những điều ấy đối với em là động lực để vươn lên và làm em nhớ mãi. Dù chưa một lần họp phụ huynh cô khen em trước lớp nhưng em biết và tin cô đặt nhiều hy vọng ở em và các bạn. 

Niềm vui sướng và hạnh phúc nhất của cô, em và đội tuyển đó là nhận giải cao trong kì thi học sinh giỏi tỉnh, một giải nhì quốc gia môn lịch sử. Chưa bao giờ em thấy cô cười vui như vậy, bây giờ em nhận ra đó là nụ cười của sự thành công. 

Chứa đựng nhiều cảm xúc nhất vẫn là khi sắp chia tay, có lúc em đã thật giận cô…. Cô có nhớ! Đó là bài học về niềm tin - một kỉ niệm buồn nhưng cũng đầy ý nghĩa. 

Cho đến bây giờ, em đã trưởng thành hơn, em suy nghĩ về những lời cô dạy, em mới thực ngộ ra một điều: “Sống thật với mình thôi chưa đủ mà phải tạo niềm tin cho mọi người xung quanh”. Và em cũng thấy mình hạnh phúc bao nhiêu, vì em biết các bạn và cô luôn tin tưởng em. Điều đó chính là bằng chứng “minh oan” hữu hiệu nhất. 

Nhưng….suốt thời gian qua, em vẫn chưa đủ dũng cảm, có cả sự xấu hổ vì những giận hờn bồng bột mà chưa một lần ghé thăm cô ngoài những tin nhắn.  20/11 năm nay, em sẽ về thăm cô...

  • Ánh Dương

Viết về cô giáo Hoàng Thị Tuyết Mai, dạy môn Lịch sử, trường THPT Quảng Xương I – Quảng Xương – Thanh Hóa.

MỜI VIẾT BÀI VỀ NHỮNG THẦY CÔ ẤN TƯỢNG
 Bạn đọc thân mến!
 Trong cuộc sống, các bạn đã được học hành hay gặp gỡ những người thầy, người cô có phương pháp giáo dục tốt, cách dạy dỗ đặc biệt, truyền cảm hứng và khát vọng cho mình.
 Để chia sẻ những bài học, kinh nghiệm và cảm xúc của mình về những người thầy - người cô, mời bạn đọc tham gia viết bài cho chủ đề này.
 Bài viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 1.200 chữ, có thông tin đầy đủ về tác giả và nhân vật được đề cập.
 Bài được chọn đăng sẽ hưởng chế độ nhuận bút của tòa soạn. Bạn đọc gửi về theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.
 Cảm ơn các bạn!