Ngày cưới, họ hàng làng xóm bảo nhau, chỉ dọn một phần, còn lại để cho dâu mới làm.
Nghe chị em kể, việc duy nhất phải làm trong ngày cưới là mặc váy cô dâu, tươi cười tiếp khách rồi về phòng… ngủ với chồng, Thu Trang (Bắc Ninh) thấy “phát thèm”. Ngày cưới của cô hoàn toàn khác, ngoài làm nhân vật chính của lễ cưới, cô còn là lao động chính trong khâu rửa bát, dọn dẹp.
Dâu mới kinh hãi khi phải xử lý đống bát đũa trong ngày cưới (ảnh minh họa) |
Thu Trang là gái Kinh Bắc về Hải Dương làm dâu. Nhà chồng cô đông anh em, họ hàng, lại ở vùng quê nên hễ có việc là được bà con chòm xóm nhiệt tình giúp đỡ. Trang yên lòng, ngày cưới sẽ không phải rơi vào cảnh phút trước lộng lẫy, phút sau tơi bời.
Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Lúc lên phòng cưới thay đồ, Trang nghe người bạn thân cảnh báo: “Nãy đi vệ sinh, tao thấy mấy cô kia bảo nhau là rửa ít ít thôi, để vài mâm bát đũa cho cô dâu có việc làm đấy. Chuẩn bị tinh thần đi”.
Trang tươi cười trấn an bạn rằng, anh em nhà chồng chỉ nói đùa. Vậy mà vừa tiễn bạn bè quay vào, cô đã thấy mọi người đứng dậy cả, trước mắt là đống bát đũa bày la liệt.
“Phần của dâu mới đấy, làm cho có việc kẻo lạ nước lạ cái…”. Mấy bác nói thế rồi đứng dậy thật, mình nghe mà há hốc mồm. Quanh quẩn một lúc thấy chồng lò dò đi ra rửa hộ. Chưa từng thấy nhà ai như nhà này, ngày cưới để cô dâu, chú rể hỳ hục dọn dẹp. Phải gọi là nhớ đến già”.
Ngọc Linh (Hưng Yên) cũng từng tận mắt chứng kiến cảnh cô dâu được nhà chồng “để phần” cho gần chục mâm bát đũa bẩn.
Linh kể, anh họ cô lấy vợ cách nhà 40 cây số, ra mắt gia tiên, họ hàng quan khách xong, cô dâu ở lại luôn nhà chồng. Ăn uống xong xuôi, Linh thấy chính mẹ mình và các bảo nhau, bát đũa chỉ rửa một phần, còn để lại một phần cho dâu mới rửa. Và mục đích của họ rất đơn giản, chỉ để xem, cô dâu đảm đang thế nào.
Nhiều cô dâu phút trước còn xinh đẹp, phút sau đã "tơi bời" vì đống bát đũa nhà chồng (ảnh minh họa) |
Nhìn chị dâu mặt đầy son phấn, đầu còn cài hoa cưới lúi húi rửa bát, Linh thương hại, xoắn tay áo,ngồi xuống đỡ đần.. Cô không hiểu nổi, tại sao các bậc phụ huynh lại dùng cách này để thử con dâu, trong khi lẽ ra, ngày cưới phải là ngày họ được chiều chuộng nhất.
“Tất cả là 20 mâm, 10 mâm được “để phần” buổi trưa và 10 mâm phá rạp buổi chiều, quà cưới của cô dâu hậu hĩnh thế đấy. Mình thương quá, ở lại dọn dẹp cùng bà ấy, chứ làm cô dâu mà như vậy, nhọc bao nhiêu thì tủi bấy nhiêu”, Linh nói.
Bầu 7 tháng vẫn ôm bụng rửa bát
Nói về ngày cưới, V.A (24 tuổi) than thở, ngày đầu về làm dâu cũng là ngày đầu cô nếm cảnh làm ô sin.
V.A nhỡ kế hoạch, bầu 7 tháng mới tổ chức đám cưới. Biết trước bị hàng xóm láng giềng dị nghị nên trong ngày cưới, cô để ý từng lời ăn tiếng nói, tránh bị xăm soi thêm.
Cũng chính vì thế mà dù đã bụng bầu vượt mặt, V.A vẫn cố chăm chỉ rửa bát. Thời tiết tháng năm nắng như thiêu như đốt, một mình cô ngồi “chiến đấu” với năm mâm bát đũa, rồi quay ra quét sân, dọn rác.
Nàng dâu nào may mắn thì được chồng giúp đỡ việc rửa bát (ảnh minh họa) |
Xong việc, cô ôm bụng khệ nệ vào nhà, thấy bố mẹ chồng, em gái, em trai và chồng trải chiếu ngủ ngon lành, trong khi đó, mình bầu bí thì phải dọn dẹp từ 12 giờ trưa.
“Chồng hôm đó tiếp khách quá chén nên không tính, còn mọi người không hiểu sao cũng đi ngủ được. Nhà có việc ai cũng mệt nhưng cô dâu là người mệt nhất, bầu 7 tháng rồi chứ ít ỏi gì. Được cái chồng tâm lý, chiều chuộng, chứ không chắc mình chẳng trụ được đến giờ”, nàng dâu mới bức xúc.
Là gái miền Trung, duyên số đưa đẩy lấy chồng miền Bắc, ngày đầu tiên làm dâu, Phạm Trang cũng phải “súc miệng” 40 mâm bát đũa. Cô may mắn được hàng xóm nhà chồng húm vào giúp đỡ nhưng vẫn bức xúc khi mình thì mệt lả vì việc nhà, còn chị dâu lại rảnh rang hát karaoke.
Trang kể, chị dâu cô ở chung nhà nhưng ngày cưới em trai chồng không động tay vào bất cứ việc gì. Cô là dâu mới nên ngẫu nhiên mọi việc trong nhà phải lo toan cả. Liên tục mấy ngày sau cưới cô vẫn một mình dọn dẹp từ nhà ra cổng, đến mức khi về nhà ngoại, cả gia đình phải sốc vì thấy bàn tay cô phồng rộp.
Kỷ niệm ngày đầu làm dâu được một số chị em kể lại với giọng điệu đầy cay đắng. Với họ, nó giống như cơn “ác mộng”, dù đã qua lâu rồi nhưng vẫn còn ám ảnh.
(Theo Dân Việt)