Tỉnh Lai Châu có trên 87% dân số là người dân tộc thiểu số; có 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La hủ và Si la. 

Tại một số thôn bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại khá phổ biến tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà. Chẳng hạn, theo một thống kê, năm 2022, toàn tỉnh có 2.615 trường hợp sinh con tại nhà trong tổng số 7.284 ca sinh, chiếm 35,9% (tăng 1,76% so với năm 2021). Trong đó tập trung tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Tân Uyên.

Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với tính mạng và sức khỏe sinh sản của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Thực tiễn cho thấy, mô hình cô đỡ thôn bản (CĐTB) đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, ngành Y tế cũng như các địa phương đã ghi nhận và có nhiều hình thức quan tâm duy trì mô hình này.

cham soc suc khoe.png
Một hoạt động khám sức khỏe cho phụ nữ tại Lai Châu 

“Cánh tay nối dài” chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại những vùng khó khăn

Từ lâu, nhân viên y tế thôn bản và CĐTB được coi như “cánh tay nối dài” của ngành Y tế giúp ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn, góp phần giảm tình trạng tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và trẻ em. 

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển (từ 1992 đến nay), được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Bộ Y tế, các tổ chức trong nước và quốc tế, đã có trên 3.000 CĐTB được đào tạo và hiện có trên 1.500 CĐTB đang hoạt động trong tổng số hơn 5.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn (chiếm khoảng 30%). Trong suốt hàng chục năm đó, chưa bao giờ CĐTB để xảy ra tai biến cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. 

Tuy nhiên, tính đến nay cũng đã có hơn 1.500 CĐTB được đào tạo ngừng hoạt động tại các địa phương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này là một sự lãng phí lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, phục vụ tại chỗ, liên tục tại những vùng khó khăn, nơi mà hệ thống y tế của chúng ta chưa thể thường xuyên với tới được.

Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ đội ngũ CĐTB đã được đào tạo để duy trì và phát triển mạng lưới này theo một lộ trình thích hợp; 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương bố trí nguồn lực, thực thi đầy đủ các chính sách hỗ trợ CĐTB trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 

Bên cạnh đó, huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc đào tạo, sử dụng mạng lưới CĐTB người dân tộc thiểu số.

Đồng thời, UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch phát triển mạng lưới CĐTB tại địa phương, bảo đảm lựa chọn đối tượng đào tạo để trở thành CĐTB đúng địa chỉ, đúng đối tượng; bố trí ngân sách, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát thực thi đầy đủ các chính sách hiện hành đối với đội ngũ CĐTB.

Phân công CĐTB phụ trách thêm địa bàn để tăng độ bao phủ CĐTB tại các vùng khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là tăng cường quảng bá hình ảnh CĐTB tới cộng đồng; tổ chức các hoạt động biểu dương CĐTB có thành tích xuất sắc, tạo điều kiện để các CĐTB có thể giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên, liên tục…

Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, CĐTB không còn được hưởng phụ cấp hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Sự thay đổi trong chính sách đã ảnh hưởng, tác động đến thu nhập khiến đội ngũ CĐTB gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. 

Do đó, Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc hỗ trợ hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn, bản, CĐTB.

Dự thảo đề xuất đối tượng áp dụng bao gồm: Nhân viên y tế thôn bản, CĐTB hoạt động ở thôn, tổ dân phố (nhân viên y tế thôn, bản); Mỗi thôn, tổ dân phố được bố trí ít nhất 01 nhân viên y tế thôn, bản căn cứ vào quy mô dân số và địa bàn hoạt động.

Theo đó, trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hỗ trợ hàng tháng với mức hỗ trợ tối thiểu được tính bằng hệ số theo mức lương tối thiểu vùng: Vùng I, II, III bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu vùng tương ứng; Vùng IV bằng 0,5 so với mức lương tối thiểu vùng tương ứng.