Đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng điện, đường, trường, trạm

Đồng Hỷ là huyện miền núi còn nhiếu khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, với tổng số dân 94.000 người, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%.

Trong những năm qua được sự quan tâm của các nguồn lực từ Trung ương cũng như của Tỉnh, của Huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đó là điện, đường, trường, trạm.

Sắp tới đây, tuyến đường qua xóm Liên Phương, xã Văn Lăng có chiều dài trên 6km sẽ được nghiệm thu. Công trình này có tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng, đi qua 3 xóm phía Tây của xã Văn Lăng, nơi có phần đông bà con người Mông sinh sống và nối liền với vùng giáp ranh của tỉnh Bắc Kạn. Đây là một trong số công trình đầu tư trọng điểm góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với vùng đồng bào đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2021- 2023, huyện Đồng Hỷ được phân bổ trên 35 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó ngân sách Trung ương là trên 30 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng mới 43 công trình, cải tạo, sửa chữa 14 công trình cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, các dự án hỗ trợ về sinh kế dành bà con được quan tâm, nhờ đó số hộ dân ở nhiều vùng khó đã thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Đồng Hỷ giảm còn 3,48%.

Hạ tầng hoàn thiện, đời sống nhân dân nâng cao, tư duy sản xuất đổi mới là những nét nổi bật trong vùng dân tộc miền núi ở huyện Đồng Hỷ. Bằng nhiều nguồn lực, huyện Đồng Hỷ đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 bình quân từ 2% trở lên; 100% số trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa… được xây dựng kiên cố. Năm 2024, đưa 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ cho biết: “Phát huy những kết quả đã đạt được chúng tôi tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện hơn, đó là việc chỉ đạo cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể từ huyện tới cơ sở tiếp tục quan tâm sát sao hơn nữa trong việc triển khai các nội dung, chương trình cũng như kế hoạch, đặc biệt là những kế hoạch liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số vùng mà hiện nay còn có những khó khăn để có được điều kiện vươn lên, từng bước thoát nghèo, thoát nghèo bền vững và được tham gia những cái mô hình có giá trị kinh tế mang lại hiệu quả tốt hơn”.

Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất chè tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn VietGap

Là một trong 3 vùng chè lớn của tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ lựa chọn, triển khai thực hiện đột phá "Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất chè tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn VietGap và theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm trà an toàn, có giá trị cao, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trà Đồng Hỷ".

W-anhvungche.png
Đồng Hỷ là một trong 3 vùng chè lớn của tỉnh Thái Nguyên

Đến nay, huyện đã quy hoạch, phát triển vùng sản xuất chè tập trung theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã: Văn Hán, Khe Mo, Minh Lập, Hòa Bình, Văn Lăng và thị trấn Sông Cầu. Toàn huyện đã có hơn 2000 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và hướng hữu cơ, trong đó tổng diện tích được cấp giấy chúng nhận VietGap và hữu cơ đạt trên 600 ha.

Toàn huyện đã có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp chứng nhận mà sỗ vùng trồng trên địa bàn 7 xã, thị trấn, trong đó có 8 mã vùng trồng chè; đồng thời phát triển được 36 sản phẩm OCOP, chủ yếu là các sản phẩm trà đặc sản địa phương...

Cùng với phát triển cây chè, Đồng Hỷ còn thực hiện đột phá "Hình thành và phát triển chuổi các điểm du lịch sinh thái, hang động văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử gắn với phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn". Bước đầu, huyện đã hình thành tuyến du lịch sinh thái vùng chè Trại Cài (xã Minh Lập) - mô hình bảo tồn Làng văn hóa truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, Đền Hích (xã Hòa Bình) kết nối với Hang Chùa - Suối Tiên - Bản Tèn (xã Văn Lăng); tuyến du lịch, thăm quan, trải nghiệm làng nghề miến Việt Cường, làng nghề chè tổ 4, 5 Thị trấn Sông Cầu...

Ông Nguyễn Văn Ngọc, cho biết: nhờ tập trung chỉ đạo thực hiện ba đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nên Đổng Hỷ luôn duy trì được mức tăng trưởng khá, thu hút được 9 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên mối ha đất nông nghiệp dự ước năm 2023 đạt khoảng 124 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân hàng năm đạt 2,35%, đời sông nhân dân ngày càng nâng cao, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đang tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện Đồng Hỷ. Cùng với đó, nội lực của người dân đang tiếp tục được phát huy để khai thác các nguồn lực, tiềm năng lợi thế địa phương. Xuân mới với một sức sống mới đang về trên khắp các xóm bản vùng cao, miền núi ở Đồng Hỷ.

Nhóm PV