- Câu chuyện về cô gái đang chạy thận nhân tạo phải đi bán dâm kiếm tiền đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Ít ai biết, đằng sau đó là câu chuyện vừa giận vừa thương...
Nguy hiểm tính mạng vì suy thận cấp 4
Như VietNamNet đã đưa tin, vào ngày 9/4, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 – Công An TP Hà Nội) bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang mua bán dâm tại một quán cà phê ở xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội.
Một trong hai cô gái bị bắt quả tang là Vũ Thị V. (SN 1980, quê tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).
Tại cơ quan công an, V. khai mới đi bán dâm được 2 ngày. Động cơ bán dâm vì quá nghèo túng.
V. bị suy thận độ 4, mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo 2 lần, lại một mình nuôi con nhỏ không có bố, hoàn cảnh gia đình rất éo le.
Ông Nguyễn Cao Luận, nguyên trưởng khoa thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân suy thận độ 4 theo đúng phác đồ thì phải điều trị chạy thận 3 lần mỗi tuần.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Bạch Mai (Ảnh minh họa: VietNamNet)
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên tại bệnh viện nơi V. đang điều trị (tại quận Cầu Giấy) thì các bác sỹ cho biết, V. cũng được chỉ định chạy thận 3 lần mỗi tuần, nhưng do sức khỏe yếu, thể lực kém, lại thiếu máu nên trước mắt V. chỉ được lọc máu 2 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 4 tiếng để đảm bảo.
Các bác sỹ cũng biết hoàn cảnh V. khó khăn, lại mắc bệnh hiểm nghèo nên đã hướng dẫn cô làm các thủ tục để được hưởng 95% BHYT.
Tuy nhiên, tại cơ quan công an, V. cho biết cô đã mua BHYT theo chỉ dẫn của các bác sỹ và được giảm nhiều chi phí điều trị song tiền phải chi trả bên ngoài cũng rất tốn kém, đặc biệt là tiền thuốc.
Theo bác sỹ Nguyễn Cao Luận, bệnh nhân suy thận độ 4 nếu không được chạy thận đúng phác đồ sẽ rất nguy hiểm.
Trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị bắt khi đang điều trị, bệnh nhân sẽ đươc chăm sóc sức khỏe tại trại giam/tạm giam do khu vực này cũng có bộ phận y tế.
Tuy nhiên, với kỹ thuật chạy thận nhân tạo thì không dễ thực hiện ở các trại giam/tạm giam hay trại phục hồi nhân phẩm do không có đủ máy móc, trang thiết bị, vật tư cần thiết.
Do đó, theo đúng lịch chạy thận, cơ quan công an lại phải cho xe đưa bệnh nhân trở lại bệnh viện nơi họ đang điều trị để đảm bảo việc chạy thận không bị gián đoạn, nguy hiểm đến tính mạng ngay tức khắc.
Đã nghèo lại mắc bệnh hiểm nghèo
Theo bác sỹ Luận, các trường hợp bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo rồi vướng vòng lao lý không phải là hiếm (tuy nhiên đây cũng chỉ là con số đếm trên đầu ngón tay).
Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng tựu chung là do hoàn cảnh quá khó khăn.
Trên thực tế, có những người bệnh chạy thận nhân tạo có hoàn cảnh éo le, kinh tế eo hẹp, lại phải trang trải nhiều chi phí như ăn ở, sinh hoạt (đặc thù của họ là phải gắn chặt với bệnh viện, cứ 2 ngày lại vào viện lọc máu một lần nên không thể về quê và cũng không dễ để tìm kiếm công việc nào phù hợp).
Vì thế, nhiều người đã “làm liều”.
Vị bác sỹ cho biết, có lần cơ quan công an đã bắt một bệnh nhân nam đang điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai vì tội tàng trữ ma túy trái phép và trở thành “mắt xích” cho những đối tượng buôn bán ma túy.
“Khi cảnh sát ập vào bắt, bệnh nhân đã vén cánh tay, để lộ những cục chai sần do lọc máu liên tục để cơ quan công an “ngại”, không dám mạnh tay”, ông nói.
Bằng việc lấy ma túy ở “đầu nguồn cung cấp” rồi mang đến cho các con nghiện, những người bệnh này được trả một khoản tiền nhất định làm sinh hoạt phí và thuốc thang, đi lại.
Điều oái oăm là những bệnh nhân này hiện trở thành mục tiêu “ưa thích” của những tên buôn bán ma túy vì 2 lý do: Họ mắc bệnh hiểm nghèo nên cơ quan công an không dám mạnh tay và vì những bệnh nhân nghèo này mắc bệnh nặng, họ “không có gì là không dám làm”.
Theo quy định của luật BHYT, bệnh nhân nghèo phải đồng chi trả 5% chi phí điều trị. Dù là rất ít so với tổng viện phí song vẫn là gánh nặng với nhiều người.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, những đối tượng bệnh nhân nghèo được bệnh viện hỗ trợ một nửa phần đồng chi trả này để giảm gánh nặng, tạo điều kiện để họ không bỏ điều trị.
Ngọc Anh
Các tin liên quan |