Khiếm khuyết cơ thể không làm Trang tuyệt vọng hay mất đi sự lạc quan, yêu đời. 

Sinh năm 1989, từ khi sinh ra, Phạm Thị Thu Trang đã bị liệt cánh tay phải, bàn tay co quắp, không thể cử động như ý muốn. 

Là con gái cả trong một gia đình làm nghề nông, Trang được bố mẹ mang đi khắp nơi để chạy chữa. Cô vẫn nhớ khi được đưa lên bệnh viện tỉnh, gia đình chỉ nhận được lời hứa hẹn rất mông lung: “Đợi bác sĩ Mỹ về”. Còn bao giờ bác sĩ ở tận bên Mỹ về thì không ai biết. 

“Có bệnh thì vái tứ phương”, Trang còn nhớ cả những chuyến đi kéo dài cả tháng lên miền núi chữa trị thầy lang, nhưng cả Đông Tây y đều chẳng làm suy chuyển được cánh tay liệt. 

Chấp nhận khiếm khuyết của mình nhưng Trang luôn cảm thấy tủi thân và mặc cảm. Nếu không có gia đình khuyến khích, động viên, có lẽ cô đã chẳng muốn đến trường. 

Biết con mình sẽ gặp khó khăn hơn các bạn khi đi học, mẹ cô cho con gái tới nhà một người khuyết tật lớn tuổi khác để nhờ chú dạy cho cách viết chữ bằng tay trái. “Chú bị khuyết tật cả 2 tay nhưng vẫn tập luyện để viết chữ được. Còn mình bị khuyết tật tay phải - cánh tay thuận nên phải viết bằng tay trái”.

Ban đầu, Trang chống đối, không muốn đi học. Nhưng sau một thời gian, cô chấp nhận hợp tác và có nhiều tiến bộ. Vào lớp 1 như bao bạn cùng lứa khác, cô gặp không ít khó khăn nhưng đều cố gắng vượt qua. Trang xác định tư tưởng cho mình rằng, là người khuyết tật thì phải cố gắng gấp nhiều lần người khác.

Cứ thế, cô cũng theo học hết cấp 3. Được bố mẹ định hướng theo ngành Dược nhưng cô không đồng ý. Cô thi vào khoa Quản trị kinh doanh của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghệ, chỉ vì một suy nghĩ ngây ngô rằng “mình muốn làm giám đốc”. 

Tháng 4/2022, Trang nhận bằng cử nhân Dược sĩ của Trường Đại học Đại Nam.

Gia đình làm ruộng và buôn bán nhỏ lẻ, kinh tế không đến nỗi quá khó khăn nhưng từ khi bước chân lên Hà Nội, Trang đã có suy nghĩ rằng mình phải học cách sống tự lập dần. Nghĩ là làm, cô tìm mọi cách kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Có thời gian, Trang mang bếp, chảo ra đầu ngõ bán bánh khoai. Có đợt cô đi đóng gói chè thuê cùng bạn bè. 

Tiền đi làm thêm cộng với vay vốn sinh viên, sự hỗ trợ của bố mẹ giúp Trang trang trải tiền học phí, ăn ở tại Hà Nội trong suốt 3 năm. Nhưng khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp trong tay mới là thời điểm khó khăn nhất. Lúc này, cô mới thấu hiểu hết những rào cản khi một người khuyết tật muốn tham gia vào thị trường lao động. 

Nộp hồ sơ đi đâu, cô cũng bị từ chối hoặc nhận được một lời hứa hẹn “sẽ xem xét”, “sẽ liên hệ sau”. Thậm chí, được một người quen giới thiệu cho vào làm dọn phòng ở một khách sạn, cô cũng bị từ chối. 

Trang nhớ, lúc bí bách quá, cô đã nhận lời đi bán hàng bánh kẹo ở tận chùa Bái Đính (Ninh Bình) trong vòng vài tháng. Cô cũng không nề hà việc đi rửa bát thuê cho một cửa hàng bán đồ ăn sáng. Công việc đòi hỏi cô phải dậy từ 4h sáng vì 5h đã phải có mặt ở cửa hàng và làm việc đến tận gần trưa mới nghỉ. Tiền lương khi ấy cô nhớ là chỉ có 2 triệu đồng. Nhưng suy nghĩ của Trang là bằng mọi giá phải có việc làm, phải kiếm được tiền để nuôi sống bản thân, chứ không thể là gánh nặng của bố mẹ mãi được nữa. Ý chí ấy trong đầu cô gái quê Nghệ An lúc nào cũng ngùn ngụt. 

May mắn là sau đó Trang tìm được thông tin tuyển dụng của một tổ chức chuyên hỗ trợ người khuyết tật. Các nhân sự ở đây cũng chính là những người khuyết tật như Trang. Sau 6 tháng thử việc, cô được nhận vào làm chính thức. 

Làm việc ở đây suốt 10 năm, Trang được tiếp xúc với nhiều người cùng cảnh ngộ. Nhưng cô phải thừa nhận rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người khuyết tật nặng khác. 

Trong thời gian đó, Trang quyết định đi học thêm bằng trung cấp dược sĩ vào các ngày cuối tuần. Học hết trung cấp, cô học liên thông lên cao đẳng, đại học. “Toàn bộ thời gian hoàn thành bậc cử nhân mất 8 năm trời, tính cả thời gian bị gián đoạn vì Covid-19”.

Tới tháng 4 năm nay, cô mới nhận được bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Dược sĩ. Trước đó, Trang cũng xin nghỉ làm ở tổ chức hỗ trợ người khuyết tật để chuyển sang làm hành chính cho một công ty dược phẩm. Ngoài giờ hành chính, cô còn năng động kinh doanh online các loại dược phẩm bảo vệ sức khoẻ để được làm đúng với chuyên ngành Dược của mình. 

Tuy nhiên, sau đó công việc hành chính cộng với việc kinh doanh online khiến Trang bị quá tải nên cô quyết định xin nghỉ việc để tập trung cho kinh doanh. Dự định trong tương lai của cô là sẽ dành thời gian đi thực hành thực tế 2 năm để nhận được chứng chỉ hành nghề Dược sĩ. 

Trang thích chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc tuổi trẻ dám sống hết mình. 

Hiện tại, Trang thấy cuộc sống của mình đang khá ổn - có công việc, có thu nhập, có gia đình bên cạnh, được bạn bè yêu quý và đặc biệt là có một người bạn trai luôn yêu thương cô. 

Những gì Trang có được ngày hôm nay một phần nhờ được học hành, nhưng phần lớn hơn nhờ những nỗ lực của bản thân. Là người khuyết tật nhưng cô không chấp nhận việc sống dựa vào người khác. Trang cho rằng, khi số phận không may mắn thì mình phải cố gắng hơn mọi người gấp nhiều lần. 

Cô nghĩ, những người khuyết tật nên mạnh dạn và được tạo điều kiện để tiếp xúc với xã hội nhiều hơn. Khi được đi ra khỏi vòng tròn an toàn của mình, họ sẽ có hiểu biết rộng hơn, tự tin hơn để chọn những lối đi tốt nhất cho tương lai của mình. 

Ảnh: NVCC