Nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông sản ít quan tâm tới tiêu chuẩn, thậm chí nói tới tiêu chuẩn quốc tế thì bị “loại từ vòng gửi xe”; hay nông sản Việt được ví như cô gái quê đỏng đảnh ngồi chờ thương lái Trung Quốc tìm mua.
Đỏng đảnh chờ thương lái Trung Quốc tới mua
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 - Chuyên đề nông nghiệp “giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt”, diễn ra ngày 5/6, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan) nhận định, được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam vươn lên thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu nông sản trên thế giới.
Song, với nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm làm việc với nông dân Việt, ông cho rằng, quy mô sản xuất của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác còn giới hạn, các cánh đồng mẫu lớn chưa phổ biến, chưa tận dụng được chi phí đầu tư thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
"Ở các nước phát triển, chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, khấu hao trên từng sản phẩm giảm rất nhiều, nhà đầu tư có nhiều cơ hội đa dạng hoá sản phẩm, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá. Ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, ở Việt Nam kém Thái Lan 10 lần", ông Hải nhận xét.
Chuyên gia ví von nông sản Việt như cô gái quê danh giá... ngồi nhà chờ các thương lái Trung Quốc tới mua |
Dẫn tiếp câu chuyện ở Thái Lan, ông Thái cho biết hơn 70% hộ có sức nuôi từ 5.000 con gà. Trong khi đó, ở Việt Nam có 8 triệu điểm chăn nuôi, nhưng quy mô từ 100 đến 1.000 con chỉ chiếm 3%, trên 1.000 con chỉ 0,2%. Từ đó có thể thấy, quy mô và năng suất hiệu quả các nông trại ở Thái Lan hơn hẳn Việt Nam, các sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Ông Thái đề xuất, Việt Nam cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, như công nghệ sinh học tự động hoá, công nghệ cao trong thu hoạch chế biến.
Hiện nay, đa phần nông dân Việt Nam ngại thay đổi, trung thành với canh tác truyền thống, ngại rủi ro, cơ hội hạn chế do quy mô đầu tư nhỏ. Các nhà nông Việt cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường. Họ không được làm chủ, quy mô nhỏ nên cũng không áp dụng được máy móc tiên tiến để nâng cao năng suất canh tác.
Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, chia sẻ, 2 năm gần đây, khi thị sát các HTX, nông dân và doanh nghiệp để hỗ trợ họ phát triển thị trường, bà phát hiện ra một thực tế rất sốc là nông dân và doanh nghiệp ít quan tâm tới tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn quốc tế.
Bà dẫn câu chuyện thực tế tại An Giang, vốn nổi tiếng nề nếp, người nông dân làm ăn lớn. Nhưng khi hỏi những doanh nghiệp tại đây "Tiêu chuẩn của các anh là gì" thì họ cho biết không có tiêu chuẩn nào cả. "Nếu xét thì nông sản Việt sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe", bà Hạnh tâm sự.
Trong khi đó, với hơn 20 năm kinh nghiệm trao đổi mua bán nông sản với thương lái Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực tiết lộ, có ngày bà tiêu thụ 300-400 tấn cam tại chợ Long Biên. Quan điểm của bà "muốn bán hàng thì nên đi chợ".
Bà ví Trung Quốc đang là "chợ" lớn nhất của Việt Nam, nhưng chúng ta gần như không đi chợ mà chỉ thụ động ngồi chờ họ đến mua. Còn "nông sản Việt Nam như đang một cô gái quê danh giá đợi các chàng trai tán tỉnh". Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang.
Không tìm hiểu thị trường nên nông sản Việt hay gặp trình trạng được mùa rớt giá và phải giải cứu |
Nông nghiệp Việt: Đâu là “át chủ bài”
Trả lời câu hỏi đâu là “át chủ bài” của nông nghiệp Việt, bà Thực cho rằng, quyết định giá trị thương mại là người sản xuất và với sự phát triển của công nghệ thông tin, chợ thương mại điện tử vô cùng quan trọng.
Theo bà Thực, Việt Nam mới chỉ làm tốt ở khâu nguyên liệu và nếu muốn dẫn dắt thị trường thì người Việt cần dẫn dắt cả khâu sản xuất. Điển hình như, Trung Quốc - thị trường lớn về tiêu dùng, họ biết cách chế biến và xuất đi khắp các nước và họ sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam quan tâm cung ứng thì bỏ lỡ các khâu khác.
Còn với bà Vũ Kim Hạnh, tiêu chuẩn và giá trị gia tăng chính là “át chủ bài”. Bởi, khi sản xuất theo tiêu chuẩn thì sản phẩm sẽ dễ cạnh tranh. Bà dẫn chứng, doanh nghiệp xuất khẩu cà pháo, mắm tôm qua Mỹ đều phát triển ổn định vì được chứng nhận tử tế do giám đốc là tiến sỹ thực phẩm, biết xây dựng nhà máy tiêu chuẩn ngay từ đầu.
Thứ hai là chế biến, làm sao ngừng giải cứu đi. Chỉ có giải pháp là chế biến nông sản. Khi chế biến phải nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm. Song, hạn chế hiện nay là doanh nghiệp Việt đặt bài toán nghiên cứu không đúng, khi đưa kết quả còn không biết phân tích sử dụng thế nào, bà cho hay.
Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Lina Network, thì nhìn nhận, chúng ta hiện nay luôn gặp tình trạng được mùa mất giá và được giá mất mùa, thậm chí mất mùa mất giá, tập trung giải cứu. Chính vì vậy, “át chủ bài” cho nông nghiệp Việt là thị trường. Phải tìm hiểu xem thị trường cần gì? Thị trường cần phải có sản phẩm minh bạch, bất biến, an toàn, chuẩn hoá, truy xuất mọi lúc mọi nơi.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, nếu nói về ngắn hạn, thông tin thị trường là quan trọng nhất. Còn về dài hạn, mấu chốt là tổ chức nông dân lại với nhau, liên kết với nông dân bằng mô hình hợp tác xã. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. Như vậy người nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
Trái ngược với ý kiến trên, theo ông Đàm Quang Thắng, Giám đốc ty Agrice Việt Nam, đầu tiên là phải thay đổi toàn bộ thói quen, tập quán của bà con nông dân làm kiểu tự cung tự cấp. Vấn đề nữa là phải trang bị tư duy, công cụ cho nhà quản lý, nhất là nhà quản lý địa phương để xác định sản phẩm sản xuất ra bán cho ai, ở đâu.
Bảo Phương
"Vào CPTPP: Cơ hội đột phá nông nghiệp, nâng cao vị thế Việt Nam"
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, tham gia vào CPTPP, hy vọng lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, để bớt sự tập trung quá lớn vào thị trường Trung Quốc như hiện nay, chính là Nhật Bản.
Thủ tướng: Nông nghiệp hữu cơ chỉ phục vụ người giàu là chưa đúng
Nhân dân muốn sử dụng nông sản sạch nên phải xác định đầu tiên là đem đến sản phẩm an toàn cho người dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nông nghiệp 4.0 xu thế tất yếu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp 4.0 còn được gọi là nông nghiệp thông minh đang và sẽ là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập.
Mở rộng hạn điền: Từ làm ruộng sang kinh doanh nông nghiệp
Mở rộng hạn điền sẽ là bước đà đưa nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ sang kinh doanh nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Thực tế, nhiều mô hình đã làm thành công.
Bộ Nông nghiệp 'xin' 96.000 tỷ để tái cơ cấu
Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020 ưu tiên bố trí thêm số vốn 96.000 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp.