Ths.BS Dương Văn Chương, khoa Phụ Sản, BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang trực tiếp thăm khám cho thai phụ Trần Thị Thu P., 21 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.
Chị P. mang thai lần đầu, có thai tự nhiên. Kết quả khám thai của chị P. cho thấy đang mang song thai ở tuần thứ 12. Điều đặc biệt là 2 thai dính nhau từ phần phần ngực xuống đến phần bụng, có chung một quả tim và cả 2 thai đều có tăng khoảng sáng sau gáy (2,5mm và 8,0mm), dấu hiệu sớm của hội chứng down.
Hình ảnh siêu âm cho thấy 2 thai nhi dính nhau từ ngực tới bụng, chung 1 quả tim hết sức hiếm gặp |
BS Chương cho biết, đây là trường hợp song thai hiếm gặp, chiếm khoảng 1% song thai một noãn trong khi tỉ lệ chung của song thai một noãn là 3 - 5/1000 ca đẻ.
Trên thế giới đã có nhiều trường hợp song thai dính nhau được đẻ ra và phẫu thuật gỡ dính thành công, nhưng với trường hợp của chị P. thì tiên lượng không tốt: Một thai đã có hiện tượng phù và có nguy cơ chết lưu; 2 thai dính nhau cả phần ngực - bụng và chung nhau một quả tim nên khả năng phẫu thuật tách rời sau sinh là vô cùng khó khăn.
Do đó, bác sĩ khuyên thai phụ nên đình chỉ thai nghén. Hiện tại, thai phụ đã được chuyển đến Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, BV Phụ sản TƯ để làm các xét nghiệm cần thiết trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo BS Chương, song thai là một trường hợp đặc biệt của thai nghén và thuộc nhóm thai nghén có nguy cơ cao vì tỉ lệ bệnh tật và tử vong mẹ cũng như trẻ sơ sinh cao hơn gấp 2 - 3 lần so với chửa đơn thai.
Bên cạnh đó việc phân loại song thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ là rất quan trọng, vì nguy cơ bệnh tật và cách quản lý thai nghén cũng khác nhau. Vì vậy, những trường hợp song thai nên đến khám, quản lý thai nghén ở những cơ sở y tế uy tín và cần được các bác sỹ có trình độ chuyên môn cao tư vấn kịp thời.
Thúy Hạnh
Cặp song sinh dính nhau và kỳ tích 24 năm trước
Ngày 23/8, bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, cặp song sinh dính nhau hiện đang được bệnh viện điều trị là cặp thứ 3 từ trước tới nay.