Chị Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985 tại Hà Nội) bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu (European arrest warrant - EAW) nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội “buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện” trong thời gian từ 1/10/2010 - 10/5/2011, do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 8/5/2013.

Ngày 18/12/2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã nhận được thông báo của Cảnh sát biên giới Pháp tại sân bay Charles de Gaulle về việc bắt giữ công dân Phạm Thị Tuyết Mai.

Ngày 19/12/2018, Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép chị Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp như: phải tạm trú tại nơi được chỉ định, không được rời lãnh thổ Pháp chính quốc, giao cho Tòa toàn bộ giấy tờ tùy thân, có nghĩa vụ có mặt khi được triệu tập cho các phiên tòa tiếp theo…

Sau hơn một tháng bị mắc kẹt ở Paris, hôm 20/1, chị Mai mới quyết định chia sẻ sự việc của mình lên trang Facebook cá nhân với hy vọng mọi người có thể hỗ trợ tìm ra cách giải quyết, cũng như cẩn trọng hơn về bảo mật thông tin cá nhân.

Câu chuyện của chị thu hút hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, bình luận trên Facebook. 

Tóm tắt vụ việc được chị Mai chia sẻ:

Tháng 3/2010, sau khi kết thúc 5 năm học và làm việc ở Amsterdam, Hà Lan, chị và chồng cũ (khi đó là bạn trai), quyết định cùng nhau về Việt Nam sống và làm việc.

Tháng 11/2011, chị Mai quay lại châu Âu một lần duy nhất, nhân chuyến đi công tác 1 tuần sang Barcelona, Tây Ban Nha.

Tháng 12/2018, nhân dịp Giáng sinh, bạn trai Daniel hiện tại, rủ chị về thăm nhà ở Malta, châu Âu. Chị Mai được Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cấp visa.

Khoảng 7h30 sáng ngày 18/12/2018, sau gần 13 tiếng bay từ Hà Nội, chị Mai và anh Daniel đáp xuống sân bay Charles de Gaulle, Paris. Do Air France không có chuyến bay tiếp đến Malta, nên khi đến Paris, anh chị có 3 tiếng để nối chuyến, check in lại hành lý chặng Paris- Malta. Lúc đi qua cửa kiểm soát hộ chiếu, chị Mai bị cảnh sát giữ lại và bị thông báo là dính đến một án truy nã từ Bỉ về tội danh buôn bán và tàng trữ ma túy. 

{keywords}
Chị Phạm Thị Tuyết Mai

Tuy nhiên, chị Mai cho biết trong thời gian xảy ra vụ án ở Bỉ vào giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011, chị không hề có mặt tại Bỉ hay bất kỳ nước châu Âu nào, hộ chiếu của chị cũng không có đóng dấu ra vào châu Âu trước trong hay sau giai đoạn này. Do đó, cáo buộc chị phạm tội liên quan đến ma túy là hoàn toàn không hợp lý.

Chị phải ra tòa ở Paris vào ngày 19/12/2018. Tại tòa, chị Mai khẳng định chị có đầy đủ bằng chứng với lịch sử các dấu đóng (enter & exit) ra vào châu Âu trên hộ chiếu của chị. Chị đã xuất cảnh khỏi Hà Lan và vào Việt Nam từ tháng 3/2010. Vụ án ở Bỉ xảy ra giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011. Chị không thể phạm pháp trong giai đoạn này ở Bỉ được vì không có visa để từ Việt Nam sang châu Âu. 

Đến tháng 11/2011, chị mới đi công tác sang Tây Ban Nha, visa của chị được cấp bởi sứ quán Tây Ban Nha ở Hà Nội và cũng có dấu ra vào châu Âu trong vòng 1 tuần theo đúng lịch trình công tác. Chị Mai cũng có hồ sơ làm việc cho nhãn hàng từ T5/2010 đến hết T5/2012. Ngoài ra, chị còn tổ chức đám cưới vào tháng 4/2011 ở Hà Nội.

Luật sư cho rằng đây là trường hợp bị ăn cắp thông tin để phạm pháp, còn gọi là "identity theft", trường hợp này rất phổ biến kể cả với chính các công dân châu Âu. Luật sự đề nghị tòa cho chị Mai được tại ngoại, nhưng không xuất cảnh khỏi Pháp chờ phiên tòa tiếp theo.

Hiện tại chị vẫn đang phải ở lại Paris từ ngày 19/12, đến nay đã hơn 1 tháng. Chi phí ăn ở cứ mỗi ngày đội lên, công việc ở Việt Nam của cả chị Mai và bạn trai đều bị ảnh hưởng.

Luật sư bên Pháp đang đề nghị với tòa ở Pháp trả hộ chiếu cho chị Mai về Việt Nam, và cam kết sẽ lại bay sang Pháp theo yêu cầu của họ cho lần hầu tòa tiếp theo. Đây là điều chị đang mong mỏi để được chấp thuận nhất từ phía tòa án Pháp, nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ, bảo hộ công dân

Trả lời báo chí vào trưa nay, ông Bùi Đăng Quân, Phó trưởng phòng bảo hộ công dân, cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết: Các cơ quan tư pháp của Pháp đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của EU theo thủ tục Lệnh bắt giữ châu Âu.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã hướng dẫn chị Mai về thủ tục hỗ trợ theo quy định bảo hộ công dân. Cục Lãnh sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xác minh thời gian cư trú của chị Mai tại Việt Nam để phục vụ bào chữa tại toà và đã cấp giấy xác nhận cho chị Mai.

Đại sứ quán làm việc với Văn phòng Luật sư Vatier tại Paris để tìm hiểu thêm về vụ việc và yêu cầu Văn phòng Vatier hỗ trợ chị Mai. Văn phòng đã nhận hỗ trợ chị Mai theo đề nghị của Đại sứ quán và bản thân chị Mai.

Tại phiên toà lần thứ hai ngày 9/1/2019, Đại sứ quán đã cử đại diện tham dự phiên toà. 

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp tục theo dõi sát vụ việc, trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan cập nhật thông tin và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân. 

Theo quy định của Liên minh châu Âu, trong vòng tối đa 60 ngày kể từ khi bị bắt, nước bắt giữ, trong trường hợp này là Pháp, các thủ tục tư pháp để chuyển giao người bị bắt cho nước phát lệnh, trong trường hợp này là Bỉ. Nếu tự nguyện, Mai sẽ được chuyển sang Bỉ trong vòng 10 ngày kể từ sau khi bị bắt. Nếu không tự nguyện, cô sẽ bị chuyển giao cho Bỉ 10 ngày sau khi có phán quyết của cơ quan tư pháp Pháp chấp thuận chuyển giao người bị bắt theo Lệnh bắt giữ châu Âu.

Quyết định chấp thuận thực thi lệnh bắt giữ và chuyển giao người bị bắt thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp, hoàn toàn độc lập và không chịu sự can thiệp của các yếu tố chính trị. Pháp chỉ có quyền từ chối chuyển giao Mai cho Bỉ trong một số trường hợp. Một là bị can đã bị xét xử với cùng hành vi phạm tội tại Pháp. Hai là bị can là trẻ em vị thành niên hoặc chưa đến tuổi chấp hành án hình sự tại Pháp. Ba là hành vi phạm tội hoặc bị can được hưởng ân xá đối với hành vi này tại Pháp. 

 

Cảnh sát biên giới Pháp bắt giữ một công dân Việt Nam

Cảnh sát biên giới Pháp bắt giữ một công dân Việt Nam

 Bà Phạm Thị Tuyết Mai bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu (European arrest warrant - EAW). 

Thành Nam - Hương Quỳnh