Tháng 7/2019, sau khi tốt nghiệp đại học ở TP.HCM, Nguyễn Thị Thanh Tâm (sinh năm 1996) quyết định đi khám phá một số quốc gia châu Á. “Ngày mình đi, hành trang là 2 chiếc balo. Trong balo có vài ba bộ quần áo đơn giản gồm quần short, áo thun, vài món đồ makeup, 1 cuốn sách, 1 chiếc gối ngủ, 1 đôi giày, 1 đôi dép và 16 triệu đồng”, Tâm nhớ lại. 

Với số tiền không lớn, để có thể trải nghiệm được nhiều nơi, Tâm tìm hiểu và quyết định lựa chọn hình thức du lịch Workaway - mô hình tình nguyện quốc tế kết nối chủ nhà và tình nguyện viên, với mục đích làm việc và trao đổi văn hóa. Trong đó, tình nguyện viên có thể làm các công việc như dạy tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa; dọn dẹp phòng; chăm sóc cây vườn; dẫn tour du lịch... để đổi lại chi phí ăn, ở.

Cô gái trở về Việt Nam vào tháng 2/2020, khi đã khám phá được 7 quốc gia: Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Ấn Độ. Tâm gọi hành trình của mình là “tour du lịch 0 đồng”.

{keywords}

Thanh Tâm đã trải nghiệm 7 quốc gia trong 8 tháng

Bí quyết để “du lịch 0 đồng

“Nhiều người hay hỏi: Mình đi du lịch nhiều như vậy, chắc là có điều kiện lắm. Nhưng thực ra, quan điểm về du lịch của mỗi người khác nhau và mỗi người có một cách riêng để thỏa mãn đam mê du lịch của bản thân”, Thanh Tâm chia sẻ.

Khi còn là sinh viên, với vốn ngoại ngữ tốt và thích giao tiếp, Tâm đã làm quen với ngành F&B ( dịch vụ nhà hàng và ăn uống). Nắm rõ lợi thế của mình, khi đi du lịch theo hình thức Workaway, Tâm lựa chọn làm tình nguyện ở các nhà nghỉ, homestay.

Cô có thể tìm kiếm thông tin về các cơ sở lưu trú nhận tình nguyện viên trên một ứng dụng trực tuyến. Tâm chủ động tìm hiểu về nơi sẽ đến, nghiên cứu đánh giá của các tình nguyện viên từng tham gia, phản hồi của khách hàng trước khi gửi yêu cầu tham gia tới chủ homestay, nhà nghỉ.

Nơi đầu tiên Tâm đến là khu nghỉ dưỡng duy nhất trên bãi biển Lonely, đảo Koh Rong, Campuchia - một nơi hoang sơ, không ồn ào, không wifi. Cô lưu trú tại đây trong 3 tuần.

Tại đây, Tâm làm việc cùng 4 tình nguyện viên khác tới từ Pháp và Áo. Buổi sáng, họ dành 1 giờ để đi nhặt rác ven bờ biển, sau đó chia nhau làm vườn, làm mộc, dọn dẹp phòng hay phục vụ nhà hàng. Khi có cơ hội, Tâm sẽ dẫn khách đi tham quan, tới nơi ngắm hoàng hôn hay những rạn san hô. Mỗi ngày vào buổi chiều, các tình nguyện viên không phải làm việc, họ cùng nhau tắm nắng, bơi trong làn nước mát rượi của biển. 

“Trong 3 tuần ở đây, mình không mất chi phí ăn ở mà còn có thêm những người bạn mới, có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, cảnh đẹp nơi này, học yoga, và phải lòng món cà ri đỏ Khmer”, Tâm chia sẻ.

Sau thời gian ở Campuchia, Tâm đi xe bus tiếp tục tới Koh Chang (Đảo Voi), Thái Lan. Tại đây, cô lại tiếp tục làm việc cho một nhà nghỉ trên đảo. Công việc của cô là lễ tân, phục vụ bữa ăn, chăm sóc và nói chuyện với khách du lịch, ngoài ra là chăm sóc 16 con mèo ở khu nghỉ.

Ở đây cô làm việc 5 ngày/tuần, mỗi ngày 5 tiếng, tự do chọn ca. Vào thời gian rảnh, cô thường thuê xe máy đi khám phá Koh Chang, trải nghiệm các món ăn đường phố Thái Lan. “Mình ở lại Thái Lan lâu nhất, gần 2 tháng vì quá mê ẩm thực Thái”, Tâm chia sẻ.

{keywords}

Tâm dành 2 tháng để khám phá Thái Lan


Khi tới Lào, Tâm làm việc tại nhà khách bên dòng sông Mekong, với ông chủ là người mang hai dòng máu Pháp - Việt. Ở đây cô được làm những công việc chưa bao giờ làm cũng chưa từng nghĩ đến, đó là trông quán bar và con tàu du lịch trên sông.

Công việc thú vị này đã níu chân cô gái tới 1 tháng, dài hơn 2 tuần so với dự định ban đầu. Mỗi ngày, Tâm làm việc 4 giờ.

Với vốn ngoại ngữ tốt, Tâm được giao công việc làm dẫn chương trình trên những chuyến du thuyền ngắm hoàng hôn của khách. Chính quãng thời gian này đã giúp cô gái rèn luyện sự tự tin trước đám đông.

Thời gian rảnh, cô dạy tiếng anh cho con ông chủ và nhân viên ở nhà khách; ngắm hoàng hôn trên sông Mekong; học thêm về dịch vụ chăm sóc khách hàng, cách pha chế một số loại cocktail cơ bản, khám phá con người và thiên nhiên Luang Prabang.

Đây là quãng thời gian tuyệt vời với Tâm… cho đến khi cô mất toàn bộ số tiền cô có mà không biết lý do vì sao. “Số tiền đó không nhiều nhưng là tất cả những gì mình có. Mình bắt đầu có chút hoang mang, khi về không được vì không có tiền mua vé mà đi tiếp thì không biết xoay sở ra sao”, nhắc lại thời điểm đó, Tâm vẫn còn xúc động.

Không còn cách nào khác, Tâm bắt đầu lên mạng tìm kiếm công việc online như biên dịch, phiên dịch. Qua sự giúp đỡ của một người bạn mới quen, cô được nhận làm biên dịch cho một công ty ở Indonesia. Ban ngày sau khi làm việc trên du thuyền, buổi tối Tâm dành 5 - 6 tiếng để hoàn thành xong dự án. 

“Chính quãng thời gian này đã khiến mình quyết định sẽ tiếp tục chuyến hành trình vì mình nhận ra, mình hoàn toàn có thể làm việc từ xa, kiếm tiền để trang trải chi phí”, Tâm cho biết. Cho tới nay, Tâm vẫn gắn bó với công việc này. Ngoài du lịch tình nguyện để có thể trải nghiệm ngành dịch vụ, và tiết kiệm chi phí ăn, ở, Tâm cũng khám phá Ấn Độ, Indonesia và một số vùng khác của Lào, Thái Lan… theo hình thức khám phá tự do, với chi phí bỏ ra khoảng 50 triệu đồng.


Cú sốc văn hóa và những trải nghiệm… “nhớ đời”

Trở về Việt Nam sau 8 tháng, Tâm không chỉ “nhuộm màu da nâu” thành công mà còn “mài dũa” sức mạnh tinh thần. “Mình nhận ra cứ đi rồi sẽ đến. Mình còn trẻ thì cứ mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn. Chẳng có gì đáng sợ cả. Thế giới ngoài kia vô vàn điều mới lạ”, Tâm nói.

Sở dĩ Thanh Tâm trở nên bản lĩnh như vậy là bởi, cô đã tự trải qua những trải nghiệm “nhớ đời” ở xứ lạ.

Lúc Tâm thuê khách sạn ở thành phố Jaisalmer bang Rajasthan, Ấn Độ, ông chủ khách sạn lúc nào cũng nhìn cô chằm chằm. Thời gian đầu, Tâm còn cho rằng, ánh nhìn đó bắt nguồn từ sự tò mò. Nhưng những ngày sau, ông ta vẫn tiếp tục nhìn theo cô, cố tình tiếp cận, thậm chí nắm tay cô làm cô chết khiếp, nhanh chóng gói đồ rời đi.

Lần khác, khi ra đường vào 22h để mua nước uống. Trở về, Tâm gặp một nhóm thanh niên 7 - 8 người đứng ngay đầu con hẻm vắng - lối dẫn duy nhất về khách sạn. Tâm nhắm nghiền mắt, cầu trời khấn phật và cắm đầu chạy một mạch về nhà mà không thèm ngoảnh lại. Về đến nơi, cô thở phào nhẹ nhõm.

Khi Tâm kể lại câu chuyện này, ba mẹ cô hốt hoảng. “Từ khi biết mình sẽ đến Ấn Độ, ba mẹ đã lo lắng, thuyết phục mình đừng đi. Bạn bè còn kêu mình “điên” khi một mình tới Ấn. Nhưng tính mình là vậy, mình rất muốn khám phá để biết được sự thật là gì”, Tâm chia sẻ. Thời gian ở Ấn Độ, Tâm trải qua nhiều cú sốc văn hóa nhất.

{keywords}

Thanh Tâm đã có 29 ngày trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người Ấn Độ

Đa phần người Ấn ăn bằng tay vì họ cho rằng đó là sự tôn trọng thực phẩm mà họ có nhưng Tâm khó lòng thích nghi. Hầu hết các quán ăn cô tới, họ đều chuẩn bị dĩa, muỗng cho khách.

Tuy vậy, trong một lần đi tàu hỏa, Tâm mua một hộp cơm nhưng không có dụng cụ để ăn, thế là cô cắt nắp hộp để làm muỗng ăn tạm bợ. Sau việc khó thích nghi với văn hóa ăn bốc, Tâm cũng “sốc” với cảnh tượng người dân Ấn Độ trét phân bò trước cửa nhà để cầu may, thả bò tự do đi khắp nơi. Mùi phân bò sộc vào mũi khiến những người từ khác tới như cô “tái mặt”. 

Tại Ấn Độ, Tâm gặp đôi chút khó khăn trong việc giao tiếp khi người Ấn có cách phát âm tiếng Anh rất lạ với cô. Giao thông tại nhiều vùng ở Ấn Độ còn thô sơ, đường sá xuống cấp nghiêm trọng. Tâm từng mất đến 12 tiếng ngồi xe bus để đi qua quãng đường chỉ 300km. 

Tất nhiên, đất nước này cũng mang tới cho Tâm những điều tuyệt vời. Ở Ấn Độ, cô tìm được người bạn tốt Amit - chàng hướng dẫn viên du lịch miễn phí giúp Tâm khám phá nơi đây. Tâm cũng trực tiếp được ngắm nhìn những tòa lâu đài, ngôi đền cổ quyến rũ ngàn năm tuổi của Ấn Độ.

“Phải tận mắt chứng kiến bầu trời nhuộm màu cam đỏ cháy chiếu xuống những tảng đã hoa cương trắng tinh khiết của Taj Mahal và phản chiếu dưới mặt hồ yên tĩnh hay trắm trại qua đêm ở sa mạc Thar ngàn sao của Rajasthan thì mọi người mới cảm nhận được điều mình kể”, Tâm viết như vậy trên blog du lịch của mình.

Đối với Tâm, hành trình 8 tháng du lịch trải nghiệm này đã góp phần tạo nên sự tự tin, bản lĩnh trong cô. Tâm dự định, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cô sẽ lại tiếp tục lên đường khám phá các quốc gia Trung Á khác. 

Linh Trang (Ảnh: NVCC)