“Ai đó đã nấu một nồi chè và đang để cho nguội chứ chưa cất vô tủ lạnh. Mình sờ tay vào nồi chè thấy nguội rồi, mình đem cất vô tủ lạnh. Mình không cần phải đánh trống, la làng: 'Nè nè, tui cất nồi chè rồi nha'. Sáng ra người kia nói: 'Trời, ai dễ thương quá, cất giùm tui nồi chè', mình nói: 'Tui đây chứ ai!'. Người kia khen mình dễ thương quá. Quý vị hiểu được chỗ mật hạnh này không? Đó là mật hạnh của ngài La Hầu La”.

Đó là đoạn trích từ một bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa, được ghi chép và tổng hợp lại trong cuốn sách Chia sẻ từ trái tim. Trong tổng cộng 50 bài giảng trong sách này, ta thấy tác giả đã thành công trong việc liên kết các khái niệm nhà Phật tới bao nhiêu chuyện thường nhật trong gia đình mỗi người.

Cách tiếp cận này giúp ta nhận ra Phật giáo thiết thực như thế nào; rằng giáo lý nhà Phật không lý thuyết, giáo điều mà rất dễ hiểu, dễ áp dụng, giúp ta trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Nhan qua anh 1

Sách Chia sẻ từ trái tim.

Đưa giáo lý nhà Phật vào đời sống

Trong Chia sẻ từ trái tim, từ nhân, duyên, quả, nghiệp, phước, quả báo… cho đến vô thường, giải thoát, bố thí, phóng sinh… những khái niệm nhà Phật đó đều được thầy Pháp Hòa diễn giải dễ hiểu, dí dỏm, không máy móc.

Ta bắt gặp nhiều liên hệ giữa khái niệm nhà Phật với những chuyện đời thường. Đôi chỗ, thầy còn giải cặn kẽ hơn để người đọc không hiểu sai đi ý nghĩa của các khái niệm, chẳng hạn không lầm tưởng “sống cho hiện tại” là không biết cho tương lai; hay không hiểu lầm “biết đủ” là “không cầu tiến”.

Ở chiều ngược lại, cũng có những bài mà thầy Pháp Hòa bắt đầu từ vấn đề đời sống, sau đó áp dụng giáo lý nhà Phật vào để đưa ra những hướng giải quyết. Như chuyện con cái không ngoan; lục đục vợ chồng; chăm sóc người bệnh; dưỡng thai…

Đọc những chia sẻ đó, ta không khỏi tự quay lại nghĩ về bản thân, về các mối quan hệ của mình, về những vấn đề, thử thách cuộc sống mà mình đang đối mặt. Ta sẽ thấy khó khăn của mình nhẹ nhàng hơn, thấy biết ơn đời sống, thấy trân trọng người khác hơn, thấy bản thân cần cố gắng nhiều hơn.

Ta cũng sẽ bớt nôn nóng muốn cái này cái kia phải đến, phải như ý mình. Bởi nếu theo thuyết nhân quả của đạo Phật, “việc thiện mình làm chưa tạo ra quả do cái nhân, cái duyên chưa đủ. Cho nên mọi thứ đều phải đợi chín muồi”. Thế mới thấy khi nhìn mọi thứ dưới con mắt nhân quả, mọi chuyện mới giản đơn và nhẹ nhàng làm sao.

Học Phật là để sửa mình

Những năm gần đây, các tựa sách Phật học, sách mang hơi thở Phật giáo, được viết với các vị sư thầy, sư cô… đã trở thành một dòng sách riêng được đón nhận tại Việt Nam.

Chia sẻ từ trái tim có rất nhiều chi tiết hài hước lẫn những chỗ chơi chữ khiến người đọc được nhiều phen cười sảng khoái. Ngoài ra, nét riêng của cuốn sách còn đến từ những ví dụ đời sống, giọng văn Nam Bộ, câu chữ bình dân và những lời thơ, bài hát… được thầy Thích Pháp Hòa thường xuyên đan cài trong những bài giảng. Nhưng nét riêng ấn tượng nhất có lẽ là phong thái an hòa, khiêm cung, và sự thực tế của tác giả khi nói đến Phật pháp và chuyện tu tập.

Có một thông điệp xuyên suốt trong cuốn sách, rằng tu tập là phải đi vào thực tế cuộc sống, phải gắn liền với những thay đổi thực tiễn. “Mục đích tu của đạo Phật là gì? Không phải là một ngày nào đó mình thành Phật ngồi trên bông sen, mà chúng ta tu để thành Phật - tỉnh giác ngay trong cuộc sống của mình”, tác giả nói. Và theo thầy Thích Pháp Hòa, thì “công đức không nằm ở chỗ thuộc kinh nhiều, mà ở chỗ chúng ta chuyển được các tập khí phiền não của mình”.

Những lời dạy của tác giả nhắc ta về ý nghĩa chân xác của đạo Phật, hay bất cứ tôn giáo nào. Là từng trong khoảnh khắc sống, ta có tỉnh thức, yêu thương, có sống tốt hay không? Ta có đang đối đãi tốt với bản thân, cha mẹ, với anh chị em, chồng vợ, với mỗi người ta gặp hay không - tính từ những việc chuyện đơn giản nhất như rửa chén, nấu cơm?

Những chia sẻ của thầy Thích Pháp Hòa cũng phần nào nhắc nhở sự “trọng hình thức”, trọng lý thuyết mà nhiều Phật tử thời nay thường hay mắc phải: “Đừng lầm tưởng đạo Phật là thờ, lạy, cúng, kính, van xin. Có những cái đó, nhưng chỉ là bề ngoài, là hình thức để dẫn dắt một người khi mới bắt đầu đường tu. Hay nói cách khác, tôn giáo phải có nghi lễ và giáo lý. Mục đích của giáo lý nhà Phật là dạy chúng ta hành động để đưa đến kết quả”.

Tận cùng bề sâu của đạo Phật không vốn nằm ở những “thờ, lạy, cúng, kính, van xin” đó. Mà với mỗi người học Phật, các giá trị cao đẹp của Phật học chỉ được hiển lộ nếu ta thực sự áp dụng, thực hành chúng trong đời sống chính mình.

Vì những lẽ đó, Chia sẻ từ trái tim là cuốn sách thiết thực dành cho mọi người - không phân biệt là có là Phật tử hay không, có là người có tôn giáo hay không. Sách thích hợp cho những ai muốn “phát triển bản thân” - theo nghĩa rộng nhất của từ này - để từng ngày sửa mình, chế tác cho mình một đời sống tỉnh thức, yêu thương, chan hoà.

(Theo Tạp chí tri thức)