Người ta nói tôi dở hơi…
Đó là cô Lê Thị Minh Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức, TP.HCM. 32 năm trong nghề, cô Phương là giáo viên giỏi nhiều năm, là người tiên phong trong việc hình thành và phát triển lớp chuyên Ngữ văn của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân. Đây là ngôi trường cô Phương học từ 3, và cũng là cơ quan 32 năm qua.
Cô Lê Thị Minh Phương, nữ giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền ở TP.HCM |
Cô Phương nói mình đã từng khóc nhiều lắm. Đến độ người trong nhà phát hoảng nhưng tôn trọng nên không dám hỏi trực tiếp mà phải tìm đồng nghiệp. Đó là lúc cô buộc phải rời phân hiệu trường ở Long Thạnh Mỹ (nay là Trường THPT Nguyễn Huệ - quận 9) để về trường chính, phải tạm biệt lớp học trò chủ nhiệm đầu tiên A6.
"Người ta nói tôi dở hơi khi về trường chính sướng hơn, ngay trung tâm. Nhưng tôi gắn bó yêu thương biết bao nhiêu những đứa học trò Long Thạnh Mỹ còn quá nhiều thiếu thốn. Nghĩ lại đến bây giờ nước mắt tôi vẫn còn rơi. Tôi vẫn còn nhớ như in nét chữ của học trò A6 hồi nào, những Huỳnh Long, Trúc Linh, Tuấn Kiệt, Thanh Đạm, Út, Mỹ Tiên, Hạnh Dung, Luyến, Lê Thanh, Nguyễn Thanh, Thọ, Hữu Danh, Quang Trung, Ba, Bảy, Hữu Chí, Hồng Kỳ, Đức Thành, Bích Thủy, Thu Trang, Nữ….".
Gọi điện cho học sinh bị phụ huynh ào ào mắng
32 năm gắn bó với nghề giáo, những tình huống dở khóc dở cười đến với cô cũng không ít. Ấn tượng nhất là lần gọi điện thoại cho học sinh lớp chủ nhiệm nhưng vô tình phụ huynh cầm máy. "Tôi chỉ hỏi tên học sinh, phụ huynh ào ào mắng mỏ một trận là thế nọ, thế kia không kịp cho mình đính chính, giới thiệu. Mãi khi phụ huynh dừng tôi mới thỏ thẻ "xin lỗi tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp"… Thú thực tôi vừa bực mà cũng vừa vui. Có lẽ cái giọng mình trẻ trung quá chăng" - cô Phương cười.
Cứ ngày 20/11 là đóng cửa
Với cô Phương, Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, tôn vinh nghề của mình và ngày này cùng với ngày khai giảng năm học mới luôn xúc động và có cảm giác lâng lâng. Thế nhưng dần rồi cô Phương cũng thấy ngại và hơi phiền…
"Với tôi, ngày 20/11 thấy hơi ngại và phiền. Từ lâu lắm rồi, tôi không nhận quà dịp này. Tôi luôn báo trước với học trò vì mong các em thông cảm, vì sợ các em nghĩ mình giận hờn gì đó, cũng ngại phiền khi các em tốn kém thêm. Cũng từ rất lâu, ngày 20/11 tôi không mở cửa, không ở nhà tiếp học trò. Chắc tụi nhỏ cũng quen, nên cũng lâu lắm rồi tôi không có quà 20/11. Nếu có thì cũng là chút gì đó nhỏ nhỏ, vui vui của vài đứa trò cũ về trường đúng ngày lễ cô trò có dịp gặp nhau. Tôi trân trọng tất cả những gì của các em trao tôi, vì tôi biết đó là cả tấm lòng đâu chỉ trong ngày 20/11"- cô Phương nói.
Cô Minh Phương (ở giữa) và đồng nghiệp trong ngày khai giảng năm học |
Thế nhưng, ở vị trí chủ nhiệm lớp cô Phương lại gợi ý kĩ cho học sinh cách thức tặng quà và nội dung quà tặng cho thầy cô bộ môn vì thấy điều này thật cần thiết. "Giáo viên chủ nhiệm phải là người chuẩn bị, nhắc nhở cho học trò không thì các em vô tâm, qua loa quá hay tốn tiền nhiều thêm, nặng nề cho phụ huynh không cần thiết. Tôi nhắc học trò chủ nhiệm không tính phần quà tặng cho mình. Khi nào các em ra trường, còn nhớ tới cô, có về thăm thì tặng gì cô cũng nhận hết".
Khi được hỏi là người tiên phong trong việc hình thành và phát triển lớp chuyên văn của THPT Nguyễn Hữu Huân, cô Phương bảo mình hoàn toàn không phải là người giảng dạy lớp chuyên Văn đầu tiên của trường; mà đó là cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nguyên tổ trưởng Ngữ văn nay đã hưu trí. "Có lẽ tôi may mắn hơn khi nhận lớp chuyên thứ nhì và đã đạt được khá nhiều thành tích từ lớp học sinh chuyên này cho trường".
Cô Phương cho rằng đến thời điểm hiện tại những thành tích đạt được từ các giải học sinh giỏi thành phố hay các kì thi Olympic truyền thống thật sự là công sức, là trí tuệ của các thành viên trong tổ Ngữ văn như cô Đặng Thị Huy Lam, thầy Nguyễn Văn Khôi, cô Nguyễn Thị Thu Thảo, cô Nguyễn Thị Thu Phương, cô Nguyễn Thị Tường Vi, cô Đặng Huỳnh Nga, cô Trần Thị Ngọc Lập, cô Ngô Thị Thu Thủy…
Cô Phương chọn nghề giáo từ truyền thống gia đình và cũng là ý thích cá nhân. Trong gia đình cô cả 5 chị em gái đều là giáo viên.
Cô Phương cũng ấn tượng về nghề giáo từ hình ảnh những người thầy lúc đi học vỡ lòng trước khi vào lớp 1 (trước 1975).
"Đó là thầy Long, một thầy giáo làng nhưng rất nghiêm khắc. Đến cấp tiểu học tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đẹp tuyệt vời của cô Giêng, cô hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Thủ Đức (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực) với tà áo dài thướt tha, nhẹ nhàng, tóc dài, giọng nói vừa êm êm vừa toát lên uy quyền. Cô Tị lớp 1 người tròn ơi là tròn. Cô Lưu (già), lớp 2 rất thương học trò. Cô Hiệp, lớp 3 da mặt rất trắng. Cô Bích Liên, lớp 4 ốm yếu mà tôi hay mua thức ăn dùm cô. Cô Yến, cực kì nghiêm khắc lớp 5 với cách dạy học trò xếp hàng thật nhanh còn lớp học sạch như lau như li. Tôi nhớ lắm hình ảnh cô Thiềm, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 6 thật hiền, thật đẹp. Cô Nụ lớp 7 dạy Văn giọng Bắc ấm áp, luôn ân cần…".
Làm nghề truyền kiến thức còn phải truyền nhân cách
Với cô Phương, người thầy- nghề giáo thật đáng kính và đáng quý. Vì vậy với cô làm nghề truyền kiến thức còn cần phải biết truyền nhân cách nên mình phải biết giữ mình.
"Không thể hoàn hảo để trở thành tấm gương sáng cho học trò nhưng cũng đừng quá ơ thờ, cẩu thả. Cần nhắc, cần gợi, cần bảo ban các em nhiều điều trong cuộc đời, nhiều hành xử trong cuộc sống…dù một chút thôi những kinh nghiệm của đời mình bằng chân tình nói với các em. Tôi thấy đó là điều cần làm phải làm ở bất người nào chọn cho mình cái nghề đứng trên bục giảng"- cô Phương đúc kết.
Chỉ còn mấy tháng nữa, cô Minh Phương sẽ chính thức nghỉ hưu. Nữ giáo viên thấy tiếc vì mình không được giảng dạy chương trình học mới. "Đọc chương trình đổi mới tôi thấy thích thú vì mới đúng là học văn. Đó là cảm nhận và sáng tạo chứ không là sự rập khuôn, máy móc".
Lê Huyền
Tình yêu toán học của giáo sư trẻ nhất năm 2019
- Từng chật vật để sống, Sĩ Đức Quang rồi cũng nhận ra "Cứ làm tốt công việc của mình thì vẫn có thể tồn tại được’”.