- 16 năm tiếp sức cho hơn 1000 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến giảng đường, cô Tôn Thị Thu Nguyệt vẫn được các em chân thành gọi là “Mẹ Nguyệt”. Người giáo viên – người mẹ từ tâm ấy dù đã nghỉ hưu vẫn không ngừng nỗ lực giúp đỡ trò nghèo.
Người mẹ từ tâm
Nụ cười hiền dịu làm sáng lên khuôn mặt tươi trẻ nhiều so với tuổi, cô Tôn Thị Thu Nguyệt bồi hồi kể lại kỷ niệm lần cùng con gái đi thăm một trại trẻ mồ côi. Lúc ấy con gái cô cũng vừa sinh con.
Mẹ Nguyệt và câu học trò Nguyễn Sơn Lâm |
“Con gái tôi đã bật khóc trước mẹ, không ngần ngại lật áo cho đứa trẻ bị bỏ rơi đang nhom nhem đang thèm hơi sữa bú vì “không nén được”…
Câu chuyện ngắn ngủi nhưng đủ để cảm nhận được niềm hạnh phúc của người mẹ nhìn thấy sự từ tâm trong trái tim con gái - điều quan trọng nhất mà cô dành cả cuộc đời để dạy cho con.
Không chỉ là mẹ của một cô con gái, cô Thu Nguyệt còn được học trò trìu mến gọi là “mẹ Nguyệt” – người mẹ đỡ đầu của rất nhiều sinh viên nghèo.
“Chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo” do cô thành lập, đến nay đã đến với hơn 1000 người, giúp biết bao sinh viên vượt lên nghịch cảnh.
Năm 1996, cô Nguyệt là giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội). Trong lúc giảng dạy, cô tình cờ phát hiện một học trò của mình gần như gục trên lớp vì đói. Xót xa trước hoàn cảnh của em, cô chia sẻ với bạn bè, tìm cách giúp đỡ. Một người bạn người Phần Lan đã giúp cô quyên được một số tiền khá lớn. Học trò của cô được nhận “đỡ đầu”, không còn phải chịu cảnh cả ngày ăn một gói mì tôm cầm hơi, an tâm đi học.
Từ đó, cô Nguyệt bắt tay vào xây dựng chương trình hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ là giáo viên chuyên dạy học cho các đại sứ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ… nên cô Nguyệt có nhiều bạn bè, mối quan hệ tốt. Họ trở thành những mạnh thường quân, tin tưởng ủng hộ cho chương trình của cô.
Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, cô vẫn tiếp tục việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và dành phần lớn thời gian lo cho chương trình.
Với những gì mình đã và đang làm, cô Nguyệt cho rằng, quả thực có một sự thôi thúc tự nhiên nào đó từ thẳm sâu trong con người mình. Sự thôi thúc ấy, ngoài trái tim của một người phụ nữ giàu lòng nhân hậu, phần nào còn khởi nguồn từ thời sinh viên đầy gian khó một thời của cô: Cũng từng vật lộn mưu sinh bằng mọi giá nuôi giấc mơ đại học, từng được cưu mang, bao bọc, được những người có lòng hảo tâm âm thầm giúp đỡ…
Những ân tình in sâu trong trái tim cô nữ sinh Thu Nguyệt, để sau này, khi trở thành một nhà giáo, cô đã dành trọn tâm sức giúp đỡ các sinh viên cùng cảnh ngộ.
Không nhận hoa của học trò
Trong căn phòng nhỏ ấm áp, cô Nguyệt say sưa nói chuyện với người học trò cũ Nguyễn Sơn Lâm. Bao nhiêu điều mới- cũ, bao nhiêu nụ cười, cái nắm tay, cái ôm thân ái nối dài những kỷ niệm giữa hai cô trò rất lâu mới có dịp gặp nhau.
Sơn Lâm – cậu sinh viên bé nhỏ ngày nào được cô Nguyệt đề nghị giúp đỡ, nay đã là một diễn giả nổi tiếng. Anh hiện điều hành quỹ từ thiện “Sơn Lâm và những người bạn” – tiếp nối những nghĩa cử cao đẹp mà anh từng nhận.
Một người học trò khác mà cô Nguyệt thương mến là nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương – cậu học trò đồng hương Quảng Ngãi từng, được cô đỡ đầu nay đã thành danh. Nghe lời khuyên của cô, Hà Chương đang miệt mài học tiếng Anh để tìm cơ hội xin học bổng thạc sĩ ở Úc.
“Nhìn những nỗ lực, sự trưởng thành của các học trò như Sơn Lâm, Hà Chương… khiến tôi hết sức tự hào, không mong gì hơn” – cô Nguyệt tâm sự.
Cả đời gắn bó với nghề giáo, nhưng có một điều đặc biệt là chưa bao giờ cô nhận của sinh viên quà “dù chỉ một bông hoa”, dù trong ngày 20/11: “Tôi từ chối hoa của học sinh bở hoa vào những dịp lễ cực kỳ đắt, mà sinh viên đang cần tiền cho từng bữa ăn của mình. Tôi cũng muốn nhắc nhở các em hãy thể hiện tình cảm bằng sự nỗ lực vươn lên, sự thành đạt của các em mới là món quà quý giá nhất” .
Cô nguyệt chia vui với học trò Hà Chương trong một cuộc gặp gỡ SV năm 2012 |
Cô không có kỷ vật gì của học trò, nhưng ký ức đẹp về các em thì rất nhiều. Đó là những câu danh ngôn mà các em tâm đắc, tự tay mỗi người chép tặng cô hằng năm. Đó là những lần được các em báo tin vui trong công việc, học tập. Những kỷ niệm như chứng kiến câu học trò ngời ngời đứng bên cạnh người mẹ chân lấm tay bùn nhận bằng tiến sỹ ở Hàn Quốc, chứng kiến cô nữ sinh người dân tộc từng dụi đầu, rúc nách ôm mình ngủ nay được nhận bằng thạc sĩ tại Úc, khiến các giáo viên nước ngoài cũng phải kinh ngạc… mãi mãi tươi mới, đầy xúc động trong lòng “Mẹ Nguyệt”.
Không chỉ dạy cho học trò ý thức vươn lên, cô Nguyệt còn tâm niệm dạy các em biết san sẻ tình yêu thương: “Trong chuyên môn, cần phải nhìn lên để thấy mình còn thiếu nhiều, cần học, rèn luyện nhiều. Còn trong cuộc sống, cần phải biết nhìn xuống, để thấy còn nhiều người khốn khó hơn mình, thiệt thòi hơn mình” là tất cả những gì cô gửi gắm tới đồng nghiệp, học trò lúc xa rời trường lớp.
Phải chăng vì “ngấm” lời dạy ấy mà không ít lần, các sinh viên của cô, dù hoàn cảnh còn vất vả vẫn sẵn sàng chia sẻ suất học bổng của mình cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Có sinh viên thậm chí còn khóc, tâm sự với cô xin được nhường học bổng cho bạn…
Cô cảm kích tâm sự rằng “nhìn thấy các em biết cư xử nghĩa hiệp như vậy thì tôi
cảm thấy sung sướng lắm. Đó cũng là lý do vì sao Mẹ Nguyệt lúc nào cũng cười, lúc nào
cũng tươi trẻ!"
- Quỳnh Anh
MỜI VIẾT BÀI VỀ NHỮNG THẦY CÔ ẤN TƯỢNG Bạn đọc thân mến! Trong cuộc sống, các bạn đã được học hành hay gặp gỡ những người thầy, người cô có phương pháp giáo dục tốt, cách dạy dỗ đặc biệt, truyền cảm hứng và khát vọng cho mình. Để chia sẻ những bài học, kinh nghiệm và cảm xúc của mình về những người thầy - người cô, mời bạn đọc tham gia viết bài cho chủ đề này. Bài viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 1.200 chữ, có thông tin đầy đủ về tác giả và nhân vật được đề cập. Bài được chọn đăng sẽ hưởng chế độ nhuận bút của tòa soạn. Bạn đọc gửi về theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn! |