Giải thưởng giáo viên toàn cầu năm 2016 được trao cho một cô giáo người Palestine – người có đóng góp to lớn trong việc “làm lành” những trái tim bị tổn thương.
Cô giáo Hanan Al Hroub |
Hanan Al Hroub là một giáo viên ở Trường Trung học Samiha Khalil thuộc thành phố al-Bireh, Palestine. Lớp học của cô rất vui vẻ, đầy màu sắc và có sự tương tác tích cực bằng những trò chơi, ca khúc Ả Rập truyền thống.
Tuy nhiên, nhiều học sinh của cô vẫn đang bị tổn thương sâu sắc bởi bạo lực, đói nghèo và bất ổn trong khu vực. Vì thế, những lớp học của cô Al Hroub mang lại nhiều thứ hơn là những bài giảng. Chúng mang lại một chốn an toàn, một con đường sống.
“Tôi giúp bọn trẻ vượt qua những chấn thương bằng cách cho chúng vui chơi. Trong lớp học này, bọn trẻ có những thứ mà chúng không có ở bất cứ đâu. Các em cảm thấy thực sự an toàn trong lớp học này. Chúng tôi là một gia đình, tất cả chúng tôi là một đội” – cô Al Hroub, người giành Giải thưởng giáo viên toàn cầu năm 2016 chia sẻ với tờ IB Times.
“Bọn trẻ có cơ hội được vừa chơi vừa học. Chúng có một mục đích. Các em cảm thấy được kết nối với người khác và được nói chuyện với nhau, tin tưởng lẫn nhau. Từ đó, tôi đã thay đổi được tính cách của bọn trẻ, nhưng trước hết phải có được sự tin tưởng của các em”.
Cô giáo người Palestine có thể dễ dàng đồng cảm với các em vì cô đã từng sống trong trại tị nạn và có con cũng gặp những chấn thương tâm lý |
Bằng cách sử dụng những kinh nghiệm của mình khi từng lớn lên trong một trại tị nạn gần Bethlehem, cô Al Hroub đã phát triển một phương pháp của riêng mình để làm việc với những đứa trẻ đang gặp vấn đề. Với khẩu hiệu “Nói không với bạo lực”, cô tập trung vào việc giúp trẻ vui chơi để “đưa những vấn đề mà trẻ đang phải đối mặt trong cuộc sống thực ra khỏi đầu”.
Phương pháp của cô được chia sẻ tại các hội nghị, hội thảo tập huấn giáo viên và cho thấy những kết quả tích cực. Nó giúp giảm hành vi bạo lực ở trường học. “Sau sự can thiệp của tôi, bạo lực giảm xuống còn một trường hợp trong 2 ngày và sau đó không còn vụ bạo lực nào sau một tháng” – cô Al Hroub chia sẻ.
Giáo dục trẻ trong môi trường căng thẳng là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng những gì mà cô trải qua đã trở thành động lực cho cô. “Cuộc sống của tôi thực sự khó khăn khi phải sống trong trại tị nạn. Những đứa trẻ trong trại không có tuổi thơ” – cô nói.
Một nguyên nhân khác khiến cô Al Hroub chọn nghề dạy học là các con cô khi đang trên đường từ trường về nhà đã chứng kiến cha mình bị bắn. “Binh lính nổ súng vào những đứa trẻ của tôi. Bọn trẻ bị tổn thương và tôi phải giúp bọn trẻ giải quyết những chấn thương đó” – cô giải thích.
“Tôi cảm thấy những đứa trẻ khác cũng đang phải chịu những tổn thương này. Tôi nghĩ rằng chúng sẽ bị lạc lối nếu tôi không dạy chúng”.
Lớp học của cô Al Hroub còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất |
Tuy nhiên, hiện tại những lớp học của cô vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cơ sở vật chất. “Mỗi lớp có hơn 35 học sinh. Một số lớp có cơ sở vật chất rất nghèo nàn”. Cô Al Hroub và các thầy cô giáo đang làm hết sức có thể.
Lên bục nhận giải thưởng, cô Al Hroub chia sẻ: “Tôi tự hào khi là một cô giáo người Palestine được đứng trên sân khấu này”.
Được biết, giải thưởng cũng tặng kèm số tiền trị giá 1 triệu đô la Mỹ cho người chiến thắng.
- Nguyễn Thảo (Theo IB Times)