Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh chia sẻ bài viết cho học trò, trình bày po. |
Chia sẻ thành quả của học sinh trong một nhóm về giáo dục, cô giáo Quỳnh đã nhận được rất nhiều khen ngợi, đặc biệt là sự quan tâm từ các giáo viên dạy văn.
“Xin chào! Tôi là chiếc túi áo của Khôi, và tôi phải nhấn mạnh thêm, tôi là chiếc túi trên chiếc áo mà Khôi rất thích. Tôi có rất nhiều họ hàng trên những chiếc áo của Khôi. Tôi sẽ kể về cái bữa mà Khôi thất vọng về tôi. Ờ thì, tôi nghĩ thế” – Trích trong “Chiếc túi áo của Khôi”.
Mặc dù câu văn vẫn còn non nớt, nhưng câu chuyện dưới góc nhìn trong sáng, dễ thương của cậu bé Nguyên Khôi (năm nay lên lớp 4) khiến người đọc thích thú. Câu chuyện về một chiếc túi áo, không may làm rơi chiếc kẹo mà Khôi được mẹ thưởng sau ngày đầu tiên đến trường. Chiếc túi áo rất ăn năn vì lỗi lầm của mình. Bên cạnh đó, tác giả Nguyên Khôi cũng không quên lồng ghép bài học ý nghĩa trong tác phẩm.
Bài học trong câu chuyện "Chiếc túi áo của Khôi". |
Còn với câu chuyện “Cuộc phiêu lưu của những quyển sách”, cô bé Hương Trà lại mang tới cho người đọc một thế giới tưởng tượng phong phú, đáng yêu.
“Một buổi chiều nọ, tôi đang học bài thì bỗng nhiên những quyển sách có cánh và bay lên. Chúng cứ bay lên rồi bay thật xa, tôi vội vã chạy và gọi với theo:
- Ôi, các cậu đi đâu thế?
Những quyển sách đáp:
- Chúng tớ muốn đi khám phá thế giới bao lao ngoài vũ trụ, chúng tớ sẽ trở về”.
Và khi những quyển sách trở về, chúng đã kể cho cô bé nghe về những hành tinh ngoài kia, hành tinh cầu vồng, hành tinh nghèo khổ, hành tinh động vật và hành tinh hạnh phúc.
Ở mỗi hành tinh là một sự thấu hiểu nhất định của Hương Trà. Hành tinh cầu vồng lung linh sắc màu như thiên đường trong mơ. Hành tinh nghèo khổ, nơi có nhiều người bị chết vì đói, bởi một nhà khoa học tham lam đã cượp hết của cải của cư dân. Hành tinh động vật là nơi mà những người đã bắt động vật không thể đên. Còn hành tinh hạnh phúc luôn có tiếng nhạc vui tươi ở khắp nơi.
Lời kêu gọi của cô bé Hương Trà trong “Cuộc phiêu lưu của những quyển sách”. |
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh cho biết: “Tôi tham khảo cách học văn từ nhóm Cánh Buồm. Học văn không phải là sao chép, ghi nhớ những câu văn mẫu, mà là sản phẩm của các cá nhân, là cảm nhận từ chính góc nhìn của mỗi người”.
Cô Quỳnh cho biết, mọi ý tưởng, câu viết của học sinh hầu như được cô giữ nguyên, chỉ sửa lỗi chính tả cho các em. Không chỉ viết văn, cô Quỳnh còn cho các bé làm thơ.
Bài thơ “Mưa tới” của bé Uyên Linh, năm nay lên lớp 3: “Mưa, /Mưa tới/ Hạt mưa/ Tí tách rơi/ Em ngồi/ Bên cửa sổ/ Em ngắm/ Hạt mưa rơi/ Rơi nhanh/ Em không thấy/ Mưa/ Mưa rơi /Rồi sẽ tạnh/ Nắng ấm áp/ Chiếu rọi/ Thành phố/ Vui cười”.
Hay bài thơ “Nghề làm mẹ” cảm động của cậu bé Vương Triều: “Nghề làm mẹ thật khó/ Từ chuyện nhỏ chuyện to/ Đều đến bàn tay mẹ/ Mẹ có thể không ngủ/ Để lo con hằng đêm/ Mẹ có thể gánh vác/ Tất cả việc trong nhà/ Có thể lo cho con/ Đến từng li từng tí/ Nghề mẹ thật vĩ đại/ Chỉ mẹ làm được thôi”.
Cô Quỳnh chia sẻ: “Tôi không đặt áp lực phải viết thật hay cho các học sinh. Tôi chỉ muốn truyền cảm hứng cho các em. Điều tôi vui nhất không phải học sinh của mình viết được truyện, tập làm thơ. Mà quan trọng là sau mỗi giờ học, các em lại yêu thích môn văn hơn”.
Để học sinh tự “sáng tác” những câu chuyện, bài thơ, trước đó, cô giáo Quỳnh tổ chức các hoạt động cho học sinh cảm nhận, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người. Sau đó, để trò nhắm mắt tưởng tượng và miêu tả lại bằng nhiều giác quan. Khi có nhiều cảm xúc hơn, học trò sẽ được học cách đồng cảm, từ những bức tranh tương phản các sự vật, sự việc. Tiếp theo nữa là sự liên tưởng, so sánh sự vật, sự việc này với sự vật sự việc khác. Và cuối cùng là đọc và cảm nhận về một số bài thơ.
“Tôi thấy rằng, khi khuyến khích học sinh sáng tác, các em học được rất nhiều thứ, từ kỹ năng đặt câu, dùng từ, đến phát triển khả năng tưởng tượng, đồng cảm. Đặc biệt, nhiều khi, học sinh quên luôn là mình đang học và rất hứng thú”.
Dưới bài chia sẻ những bài vết của cô giáo Quỳnh, có rất nhiều lời bình luận khen ngợi về cách dạy học của giáo viên và sự sáng tạo của học sinh.
Chị Trang Linh chia sẻ: “Dạy học cho các con lớp 4 mà được thế này đủ thấy cô giáo rất tâm huyết và trò cũng rất giỏi chị ạ. Chúc chị và trò ngày càng có thêm nhiều sản phẩm tuyệt hơn nữa”. Cô giáo trẻ Nguyễn Hạnh Nhân bình luận: “Học sinh lớp 4 mà viết được vậy là quá tuyệt cô ạ. Chúc cô luôn tràn đầy nhiệt huyết”. Chị Nguyễn Bình An khen ngợi: “Giỏi quá ạ, bất ngờ với các em quá”.
Nói về quyết định chia sẻ những bài viết của học trò lên mạng xã hội, cô Quỳnh cho biết: “Tôi không có ý định “đánh bóng” bản thân. Tôi chỉ muốn chia sẻ để nhiều thầy cô có thể thêm ý tưởng trong quá trình dạy học sinh. Tôi cũng mong sẽ được học hỏi thêm từ các thầy cô khác”.
Khánh Hòa
"Thưa cô, em không muốn là một con rối!"
Đó là lời chia sẻ của Phương Thanh, nữ sinh lớp 12 tại Thái Nguyên muốn gửi đến cô giáo chủ nhiệm của mình. Phương Thanh cho biết, hiện tại em chỉ muốn nhanh học hết lớp 12 để được đi thật xa và sống cuộc đời tự do.