Lần đầu có nghị quyết của Bộ Chính trị về CMCN 4.0
Tháng 8/2019, lần đầu tiên tại Việt Nam có một nghị quyết của Bộ Chính trị được đích thân Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành có liên quan tới CMCN 4.0. Đó là Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Bộ Chính trị nhận định, thời gian qua, nước ta đã đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là tất yếu khách quan. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải coi việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để có thể đạt được các mục tiêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, nội dung cốt lõi của chính sách là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, Bộ Chính trị giao phải có cơ chế xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước; Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu bằng cách xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất.
Động lực phát triển bền vững đất nước
Những năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định khoa học công nghệ là động lực quan trọng để phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước.
Trong một buổi đến thăm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hồi đầu năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển công nghệ, đặc biệt là khoa học công nghệ cao. Những năm 1960 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước xác định để đi lên chủ nghĩa xã hội phải tiến hành ba cuộc cách mạng, gồm: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học công nghệ (lúc đó là cách mạng kỹ thuật) và cách mạng tư tưởng văn hóa. Trong đó, cách mạng kỹ thuật công nghệ là then chốt. Những năm gần đây, khi đất nước đổi mới, hội nhập kinh tế, Đảng, Nhà nước càng coi trọng công tác phát triển công nghệ, coi đây là quốc sách hàng đầu, là yếu tố quyết định trí tuệ và sức mạnh của dân tộc, là một trong những động lực để phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Đến tháng 6/2015, phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Liên hiệp Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Khoa học công nghệ phải thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước”.
Tháng 9/2018, đến thăm và dự lễ khai giảng năm học 2018-2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại thêm một lần nhấn mạnh: “Đảng ta đã khẳng định, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước”.
Đầu tháng 2/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức cuộc gặp mặt, chúc Tết đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ tiêu biểu trong cả nước. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: “Trong công cuộc phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ trông cậy vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó không thể thiếu sự đóng góp của các trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, đáp ứng yêu cầu của thời đại CMCN 4.0”.
Tối 26/1/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Chương trình “Xuân Quê hương 2019”: “Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước, tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo... Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức trân trọng những ý kiến tư vấn, tham mưu của các nhà khoa học Việt kiều nhằm giúp đất nước nhanh chóng tiếp cận với trình độ tiên tiến về khoa học - công nghệ của thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra hiện nay”.