- Ngày 20/5, ở Thủ đô Hà Nội, diễn ra cuộc hội thảo lớn - Hội thảo hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo “Chia sẻ kinh nghiệm Pháp-Việt Nam” do Cơ quan Thương mại Ubifrance tổ chức.
Hình 1- Ảnh biểu tượng cho 2 dạng Năng lượng tái tạo cơ bản: Điện Gió và Điện Mặt Trời. |
Hội thảo được Cơ quan phát triển thương mại quốc tế Pháp (Ubifrance) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công thương Việt Nam và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan môi trường và kiểm soát năng lượng quốc gia Pháp (ADEME), Nghiệp đoàn Năng lượng tái tạo Pháp (SER).
Ông Jean-Marc FIBIUS, Ủy viên Hội đồng Quản trị (Ủy ban Năng lượng Mặt Trời SOLER), trong bài phát biểu trong buổi hội thảo sáng 20/5/2014 đã trình bày tổng quát về Năng lượng Tái sinh ở Pháp. Đi sâu về Năng lượng Mặt Trời, ông đưa ra những con số về: a/ Tiềm năng (Công suất lắp đặt đến cuối 2013 là 4,6 GW. Mục tiêu chính thức đến 2020 là 5,4 GW. Nhưng khả năng có thể đạt 20 GW. b/ Phạm vi bao quát (Có trên 200 công ty. Cam kết từ thương hiệu chất lượng trên sản phẩm, nghiên cứu phát triển công nghệ đến lắp đặt). c/ Lĩnh vực chuyên môn cụ thể (Có thương hiệu về Quang điện Mặt Trời, cung cấp từ tấm Silic đến sản xuất điện…) v.v… |
Năng lượng là một lĩnh vực đang có những thách thức lớn đối với sự phát triển của Việt Nam. Trong 10 năm qua, nhu cầu năng lượng tăng mỗi năm 15 % và dự tính trong thập kỷ tới cho đến năm 2030 sẽ tiếp tục tăng trung bình mỗi năm 12 %. Như vậy, dự báo nhu cầu năng lượng bấy giờ sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2005.
Trong lúc Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo và phân bổ rộng trên toàn lãnh thổ. Sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp. Tiềm năng kỹ thuật của thuỷ điện lớn khai thác gần cạn, nhưng thuỷ điện nhỏ (<30MW) còn trên 4.000MW. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5kWh/m2/ngày phân bổ trên khắp đất nước. Trên 3,400km đường bờ biển cũng giúp Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió, ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2/năm.
Mặc dù đã triển khai sớm và thành công một số dự án nhưng việc ứng dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.
Trong tình hình trên đây, Pháp có thể đóng vai trò đối tác ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (chưa tính đến năng lượng hạt nhân) và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Jean-Marc FIBIUS, Ủy viên Hội đồng Quản trị (Ủy ban Năng lượng Mặt Trời SOLER), phát biểu trong buổi hội thảo sáng 20/5/2014. |
Vì vậy, trong cuộc hội thảo ngày 20/5/2014 này, 7 doanh nghiệp Pháp sẽ tham gia cuộc Hội thảo Hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo “Chia sẻ kinh nghiệm Pháp-Việt Nam” này. 7 doanh nghiệp Pháp tham gia gồm: COREX SOLAR về phát triển và xây dựng các dự án năng lượng sử dụng cá nhân, cho các công trình công và thương mại; DASSAULT SYSTEMES thiết kế giải pháp công nghệ số hóa phát triển phong điện, tăng hiệu năng và chất lượng tua-bin, thực hiện các dự án lớn theo lộ trình và ngân sách yêu cầu; GREEN LIGHTHOUSE là doanh nghiệp chuyên về năng lượng tái tạo, thiết kế mô hình phát triển năng lượng tái tạo cho các thị trường mới nổi, Green Lighthouse đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ phát triển giải pháp công nghệ và thiết kễ kỹ thuật cho các dự án phát triển năng lượng bền vững; METEODYN là doanh nghiệp số một thế giới về phát triển phần mềm đánh giá nguồn phong điện tiềm năng tại các khu vực có địa hình phức tạp, tính toán sức gió ở các vùng đô thị cũng như đánh giá công suất điện mặt trời cho các công trình xây dựng; SIREA thiết kể và chế tạo hệ thống automat tự động giám sát và kiểm soát từ xa các thiết bị năng lượng, y tế và môi trường ; TECHSUB chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế các công trình ngầm dưới đáy biển, thiết kế hệ thống điện mặt trời quy mô lớn trên mặt nước và giải pháp làm sạch ao hồ bị ô nhiễm bằng năng lượng mặt trời và phong điện ; VALOREM là công ty chuyên trong lĩnh vực năng lượng xanh, quản lý tất cả các vấn đề liên quan tới năng lượng tái tạo: phát triển, nghiên cứu kỹ thuật, xây dựng, khai thác và bảo trì bảo dưỡng...
Hội thảo này sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này qua việc mở rộng các hoạt động hợp tác sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bên cạnh tham luận của các cơ quan quản lý, chuyên gia và các cơ quan tài trợ, các doanh nghiệp Pháp tham gia hội thảo cũng sẽ giới thiệu các giải pháp và đột phá công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này.
Hy vọng, cuộc Hội thảo Hội thảo Hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo “Chia sẻ kinh nghiệm Pháp-Việt Nam” sẽ là bước đột phá mở ra cơ hội mới cho sự hợp tác giữa hai nước trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Trần Minh