Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn từ ngày 24 đến hết ngày 30/11 được đánh giá là sự kiện xúc tiến thương mại có quy mô lớn, đa dạng về các sản phẩm. Trong đó có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Với quy mô lên đến hơn 200 gian hàng, Hội chợ là cơ hội dịp để tỉnh Bắc Kạn giao lưu, học tập, trao đổi với các tỉnh bạn về phát triển các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP. Đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX tìm kiếm đối tác, hợp tác trong hoạt động thương mại, quảng bá hình ảnh đất và người Bắc Kạn đến với cả nước.

anhminhhoa.png

Nếu như mọi năm hội chợ xúc tiến thương mại phần lớn về hàng tiêu dùng, may mặc… thì năm nay với sự hiện diện của những gian hàng OCOP, trong đó có rất nhiều sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh vùng Đông Bắc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất cho biết, tỉnh Bắc Kạn có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển các sản phẩm nông, lâm sản. Hiện nay, Bắc Kạn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Toàn tỉnh đã có 184 sản phẩm OCOP, trên 90 lượt sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Hầu hết gian hàng của các tỉnh bày bán tại Hội chợ không chỉ là các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của mỗi vùng mà còn cả những dấu ấn về bản sắc văn hóa, điển hình như tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định với sản phẩm hải sản là chả mực, chả cá, nước mắm; tỉnh Yên Bái với sản phẩm tinh dầu hồi, quế; tỉnh Tuyên Quang sản phẩm về măng ớt, măng khô, nấm hương, ốc gác bếp; tỉnh Cao Bằng với sản phẩm nấm hương, thịt trâu, thịt lợn sấy khô, thạch đen; cao nguyên đá Hà Giang với các sản phẩm nấm hương, mật ong, hà thủ ô; tỉnh Bắc Giang với sản phẩm vải thiều sấy khô, mì chũ; Thành phố Hà Nội với sản phẩm đông trùng hạ thảo…

Gian hàng Bắc Kạn với rất nhiều mặt hàng OCOP là sản phẩm của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, và là những sản phẩm đặc sản nông nghiệp tiêu biểu, thậm chí có những sản phẩm rất mới lần đầu có mặt tại đây. Điều đó cho thấy, tốc độ phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không hề thua kém các tỉnh trong khu vực, điển hình như: Phở khô, miến dong, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, trà hoa vàng, trà Shan tuyết, thịt lợn, thịt trâu sấy khô, rượu men lá Bằng Phúc; các sản phẩm dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan; các phẩm may mặc thổ cẩm đặc trưng…

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 184 sản phẩm OCOP, trên 90 lượt sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao và 4 sao. Đó là những sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, khẳng định được thương hiệu, nâng cao giá trị tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Miến dong Tài Hoan xuất khẩu sang thị trường Cộng Hòa Séc, rượu men lá Thanh Tâm, hoa quả, nông sản chế biến xuất khẩu (quả mơ vàng, củ kiệu, sản phẩm từ gừng...) xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản...

Bắc Kạn đang đặt mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ có từ 200 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia. Địa phương cũng hướng tới phát triển các sản phẩm theo chiều sâu thông qua việc tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm; đổi mới, cải thiện quy trình công nghệ…

Về phía Bộ Công Thương, theo Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai một loạt các chương trình, dự án, Đề án, các hoạt động nhằm tăng cường thuận lợi và giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương, cũng như các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương nói chung và Bắc Kạn nói riêng.

Nhóm PV