Tỉnh Khánh Hòa là nơi sinh sống của 35 dân tộc thiểu số (DTTS), như: Raglai, Hoa, Ê đê, T’rin, Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm, Khmer, Thổ... với hơn 72 nghìn người (chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh), trong đó dân tộc Raglai chiếm khoảng 76%, tiếp đến là các dân tộc T’rin, Ê đê.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (gồm 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 5 xã khu vực I); có 66 thôn đặc biệt khó khăn; có 3 dân tộc gặp nhiều khó khăn gồm Raglay, Ê Đê và T’rin (Cơ Ho).

Trong Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 15/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà ban hành kèm theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ huy động trẻ dân tộc thiểu số ra lớp trong độ tuổi nhà trẻ 15%; tỷ lệ mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường 82%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 99,5%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 99,95%, học trung học cơ sở trên 98%, học trung học phổ thông và trung cấp nghề trên 70%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 98%.

W-anh-man-hinh-2024-03-12-luc-185135-1.png
Khánh Hoà: Tỷ lệ huy động trẻ dân tộc thiểu số ra lớp trong độ tuổi nhà trẻ 15%

Để phát triển giáo dục Mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ, với tổng đầu tư trên 67 tỷ đồng.

Kế hoạch này xác định các địa phương được áp dụng chương trình hỗ trợ gồm, hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cùng các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Chương trình hỗ trợ này nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, bình quân toàn tỉnh có ít nhất 33,7% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97,14% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục Mầm non. Trong đó, duy trì 100% số trẻ em trong các cơ sở giáo dục Mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Hằng năm, có 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục Mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

Đến năm 2030, ít nhất 90% số giáo viên Mầm non biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ (tiếng dân tộc thiểu số). 100% phòng học tạm được xóa bỏ. Xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp Mầm non của các địa phương. Xây dựng thư viện trong trường Mầm non, bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới…

Đối với vốn thực hiện, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định sẽ sử dụng chủ yếu nguồn ngân sách địa phương cấp huyện cùng ngân sách cấp tỉnh, Trung ương hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn xã hội hóa giáo dục.

Trước mắt, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng chính quyền các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với giáo viên Mầm non và trẻ em theo quy định hiện hành; bồi dưỡng tiếng các dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số… tại vùng khó khăn.

Chính quyền các địa phương trong chương trình có kế hoạch bố trí kinh phí, trực tiếp triển khai và bảo đảm hiệu quả của kế hoạch tại địa phương; thực thi đầy đủ và hiệu quả cơ chế chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn hợp pháp khác từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp. Chính quyền các địa phương triển khai chương trình xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; đầu tư trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, học liệu trong cơ sở giáo dục Mầm non, đặc biệt tại nhóm, lớp, điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương; hỗ trợ giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác.

Thời gian qua, Khánh Hòa cho thấy là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh thực hiện tốt chế độ trợ cấp kinh phí đi học cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ngay từ khi học mẫu giáo đến khi học xong đại học.

Đơn cử như với bậc học mầm non, căn cứ khoản 2, Điều 4, Nghị định số  105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 quy định: Cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non là 3.070.000 đồng/tháng/45 trẻ, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm học. Mức quy định này của tỉnh cao hơn mức quy định trong Nghị định số 105 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hoà còn được hỗ trợ chi phí học tập. Ở bậc học mầm non, mức hỗ trợ mỗi em là 290.000 đồng/tháng; bậc tiểu học là 260.000 đồng/tháng… Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã dành hơn 121,5 tỷ đồng để hỗ trợ tiền ăn, học bổng, nhà ở, miễn giảm học phí, chi phí học tập… cho học sinh thuộc hộ nghèo, khuyết tật, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Quốc Hoàn và nhóm PV, BTV