- Con dấu chỉ là một dấu hiệu nhận dạng doanh nghiệp mà không phải là biểu hiện pháp lý của doanh nghiệp vì nó rất dễ bị làm giả, tính xác thực kém so với các dấu hiệu nhận diện như chữ ký, vân tay.

Có nên bỏ con dấu trong kinh doanh?
Sau khi đọc bài: “Đề xuất bỏ con dấu trong kinh doanh” nhiều bạn đọc đã phản hồi những ý kiến khác nhau.

Có khá nhiều bạn đọc lo ngại. Bạn đọc ở địa chỉ ngtrgiang@walla.com bày tỏ: Cái này khó thực hiện được bởi có nhiều người ký không chuẩn, mỗi chữ ký mỗi khác. Hơn nữa làm giả con dấu khó khăn hơn và thường người ta nghĩ rằng mức độ vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn giả chữ ký dù tính chất là như nhau, nên chữ ký giả sẽ phổ biến hơn dấu giả rất nhiều. Mặt khác người nhận văn bản làm sao biết được chữ ký trên đó là thật hay giả, có đúng người phát hành ký hay không, kiểm tra tính xác thực của chữ ký bằng cách nào?

Cũng lo ngại tương tự, bạn đọc ở địa chỉ phamnga041@gmail.com nêu ý kiến: Chỉ có cách là người phát hành văn bản điểm chỉ lên đó thì mới không làm giả được thôi!

Có lẽ còn hoài nghị, bạn đọc ở địa chỉ maidong.jsc@gmail.com diễn đạt ý kiến của mình theo cách hài hước: Tôi đang nghe câu chuyện cửa hàng bán cá!

Có thể thấy bạn đọc ở địa chỉ tv_son@yahoo.com còn băn khoăn khi nêu thực trạng: Hiện tại con dấu được xã hội xem trọng hơn chữ ký, bất kỳ văn bản nào không có dấu thì hầu như không có giá trị (trừ thư tay). Chính vì thế thay đổi định kiến xã hội về vấn đề này không hề đơn giản.

Mặc dù vậy, bạn đọc này  khích lệ: Chúng ta cũng nên tiến dần đến việc thừa nhận giá trị của các văn bản không đóng dấu và tiến đến bỏ dấu.

Cũng dẫn ra thực tế, nhưng bạn đọc ở địa chỉ hienkt80@yahoo.com lại tiếp cận từ một góc độ khác: Hiện nay trong các doanh nghiệp, bộ phận hành chính đóng dấu phần lớn là chưa có trình độ chuyên môn cao về thể thức kiểm tra, kiểm soát hành chính và hầu như làm việc theo mệnh lệnh của các cấp lãnh đạo hoặc chỉ đạo, cứ theo thông lệ có chữ ký bất kể là chữ ký gốc hay photo, là đóng dấu.

Bạn đọc này nêu những điều kiện: Việc bỏ dấu hay không bỏ dấu cần có chuẩn cho từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào đạt đến trình độ chuẩn về thủ tục hành chính hoặc cán bộ có trình độ nhất định về hành chính thì nên bỏ dấu là tốt nhất, vừa tiết kiệm về thời gian vừa như một bước đơn giản hóa về thủ tục hành chính.

Ủng hộ ý kiến trên, bạn đọc ở địa chỉ duoclawyer@yahoo.com.vn bày tỏ: Đây là quan điểm không mới trên thế giới, nhưng lại là tư duy mới ở Việt Nam. Tôi thấy nên nghiên cứu bỏ con dấu công ty.

Theo bạn đọc này thì: Chúng ta cần xác định hoạt động trên thực tế làm nên bản chất của doanh nghiệp chứ không phải con dấu làm nên bản chất của doanh nghiệp. Cũng như bản chất một con người không do người đó khoác trên mình bộ quần áo nào quyết định.
 
Vì thế, một khi đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký vào văn bản là phát sinh quyền và nghĩa vụ nhất định mà không cần thiết trên chữ ký đó phải có một dấu son đỏ. Bỏ được con dấu doanh nghiệp chúng ta sẽ tiến đến một xã hội dân sự gần hơn, thay vì  tư duy hành chính trong não trạng như hiện nay.

Nhưng bạn đọc này cũng cảnh báo: Công việc này thật là khó được xã hội chấp nhận.

Lời đề nghị của bạn đọc ở địa chỉ hoangson782003@yahoo.com là: Trước khi cải cách bằng việc bỏ con dấu pháp nhân, các quý lãnh đạo, các cơ quan đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, phẩm chất cho một bộ phận không nhỏ cán bộ hành chính trước đã. Bởi vì hiện tại, tuy có quy định của pháp luật nhưng chưa được hiểu thống nhất. Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất vấn đề này cần đưa luôn ra các phương án thay thế cho việc bỏ con dấu để đảm bảo an toàn trong kinh doanh.

Tôi ủng hộ bỏ con dấu trong kinh doanh, đương nhiên là "vạn sự khởi đầu nan" nhưng phải hội nhập, thế giới người ta nghiên cứu kỹ rồi. Bạn đọc ở địa chỉ hongtau59@gmail.com bày tỏ ý kiến một cách dứt khoát.

Trên đây là tóm tắt ý kiến của một số bạn đọc thảo luận về chủ đề: Có nên bỏ con dấu trong kinh doanh? trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF.

  • Ban Bạn đọc