Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự kiến dành hơn 7% trong số 180.000 tỷ tổng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, tương đương 13.000 tỷ đồng để làm dự phòng cho trượt giá, rủi ro chính sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình.
Chiều 20/3, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã trình kế hoạch phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, tổng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 là 180.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 92.700 tỷ đồng được dự kiến “rót” cho lĩnh vực giao thông, kế đến, các công trình thủy lợi sẽ ngốn vốn trái phiếu đứng thứ 2 vào khoảng 39.400 tỷ, y tế 20.000 tỷ đồng, giáo dục 8.800 tỷ, tái định cư thủy điện Sơn La 6.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, các kế hoạch phân bổ vốn như trên mới đảm bảo được 47% nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, đáng chú ý và gây nhiều tranh cãi nhất là Bộ dự kiến sẽ dành 13.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để làm dự phòng. Con số này tương đương 7% tổng vốn trái phiếu Chính phủ cho cả giai đoạn.
Theo lý giải của Bộ trưởng Vinh, khoản vốn dự phòng trên để nhằm ứng phó với các đợt điều chỉnh chính sách và trượt giá các dự án. Nguyên tắc bù trượt giá là bố trí cho các công trình trọng điểm, không dàn trải, lãng phí. Ông Vinh cũng thừa nhận nguy cơ có thể phát sinh tiêu cực ở các khoản vốn phân bổ sau, nhưng việc dành vốn dự phòng như vậy là quan điểm chung của Chính phủ.
Bài toán để lại nguồn dự phòng trong khi các bộ ngành, địa phương vẫn bị thiếu vốn đầu tư chưa nhận được sự đồng tình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Theo thẩm tra của ủy ban này, việc để lại nguồn vốn dự phòng lên tới 13.000 tỷ đồng sẽ gây khó khăn cho các đơn vị địa phương trong việc bố trí vốn. Vì vậy, Chính phủ cần phân bổ hết khoản vốn trên cho lĩnh vực giao thông hoặc cho các địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đưa ra phương án dung hòa, có thể vẫn cần một khoản dự phòng nhưng chỉ nên ở mức 9.000-10.000 tỷ đồng. Số 3.000-4.000 tỷ đồng còn lại có thể xem xét phân bổ cho các dự án thủy lợi cấp thiết ở miền Trung.
Kết luân phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, kế hoạch vốn bố trí 180.000 tỷ đồng nhưng thực tế, sẽ chỉ dùng được 170.000 tỷ đồng thôi. Vì trong đó, phải trừ mất 10.000 tỷ đồng vốn năm 2012 được ứng trước cho năm 2011. Tuy nhiên, năm nay, theo chủ trương của Chính phủ, chưa lấy lại khoản này vì kinh tế khó khăn nhưng đến năm 2013 sẽ phải hoàn lại. Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ nghiêm túc thực hiện kế hoạch đã đề ra, không được bố trí vượt trần số vốn 225.000 tỷ đã được Quốc hội phê duyệt cho cả giai đoạn 2011-2015.
Phạm Huyền