Hiện nay, việc mua bán, trao đổi những món đồ gia dụng đã qua sử dụng trở nên phổ biến, đặc biệt là với các bạn học sinh sinh viên. Không khó để tìm ra những hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội, chuyên là nơi để giao dịch giữa người mua và người bán.
Trên những hội nhóm như thế này, đa dạng các loại sản phẩm được rao bán. Từ tủ lạnh, máy giặt, bếp nấu, nồi cơm, tủ, bàn, ghế, cho đến cả... chiếc vỏ bình gas. Những món đồ này thông thường sẽ được người bán đăng tải kèm hình ảnh hiện trạng kèm các thông tin như giá cả, thời gian đã sử dụng,…
Không khó để tìm được những bài đăng bán lại đồ gia dụng cũ trên các trang, hội nhóm mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Đa số các món đồ gia dụng cũ khi lên hình đều có ngoại hình tốt, cùng với giá thành rẻ hơn từ 50 - 75% so với sản phẩm mới. Chính điều này đã khiến nhiều người mua có tâm lý chủ quan mà mua ngay để không bỏ lỡ "món hời" này.
Đã có rất nhiều trường hợp người mua ham của rẻ, không kiểm tra kỹ tình trạng của đồ dùng đã vội "chốt đơn", rồi nhận về hậu quả dở khóc dở cười.
"Mình mua một chiếc tủ lạnh cũ của một bạn đăng trên mạng, với giá chỉ 1 triệu. Lúc xem ảnh thấy còn khá mới, lại của hãng xịn nên chốt luôn. Nhận hàng về dùng được 2 hôm thì thấy tủ không mát, để đồ ăn hoa quả vào thì hỏng. Mình có yêu cầu trả lại nhưng cũng không được" - Phạm T.T.Vân (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Việc mua đồ gia dụng cũ để tiết kiệm chi phí không phải là việc xấu. Nhưng nếu không xem xét kỹ, người mua có thể bị “mất tiền oan”. Vì vậy, tốt hơn hết, nếu có điều kiện, người mua nên đến tận nơi để xem sản phẩm tận nơi để dễ dàng đưa ra nhận định và đánh giá. Hoặc hãy yêu cầu người bán gửi ảnh càng chi tiết càng tốt.
Dưới đây là một số thông tin người mua cần lưu ý để mua được đồ gia dụng cũ với giá thành phải chăng mà vẫn đảm bảo nhu cầu sử dụng.
1. Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ
Việc quan trọng nhất bạn cần quan tâm khi mua đồ gia dụng cũ đó là nguồn gốc xuất xứ của thiết bị. Đặc biệt là các thiết bị điện tử lớn như tủ lạnh, máy giặt, quạt, điều hòa, bếp nấu...
Việc mua phải các thiết bị không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái sẽ khiến người dùng gặp phải các rắc rối trong quá trình sử dụng. Đó có thể là hỏng vặt hoặc xảy ra các tai nạn, gây mất an toàn.
Cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ của thiết bị. Nếu người bán cung cấp được phiếu, hóa đơn mua hàng gốc thì càng tốt. (Ảnh minh họa)
Kể cả với những sản phẩm có nhãn hiệu, bạn cũng nên kiểm tra xem mã và dòng của chúng có tương thích với thông tin trên trang chính thức của nhà sản xuất và kênh phân phối hay không. Nếu người bán có thể cung cấp phiếu, hóa đơn mua hàng thì càng tốt.
2. Kiểm tra "hạn sử dụng" của sản phẩm
Thông thường, các loại đồ gia dụng đều có những thời gian sử dụng nhất định. Việc sử dụng các thiết bị đã "hết hạn" tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dùng cũng như thiết bị sẽ hoạt động không còn được hiệu quả nữa.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị điện quốc gia Mỹ, hạn sử dụng tối đa của một số thiết bị phổ biến được ước tính như sau: Bếp điện 16 năm, bếp gas 13 năm, tủ lạnh ngăn đá trên 14 năm, tủ lạnh ngăn đá dưới 11 năm, tủ lạnh side by side (ngăn đá bên cạnh) 12 năm, máy sấy 12 năm, máy giặt cửa trên 12 năm, máy giặt cửa trước 11 năm.
Mỗi thiết bị gia dụng điện tử lại có những hạn sử dụng riêng. (Ảnh minh họa)
Theo đó, bạn cần tính toán xem đồ gia dụng cũ mình mua đã sử dụng được bao lâu và bạn còn có thể tiếp tục dùng nó trong thời gian như thế nào.
Nhờ vào thời hạn sử dụng, bạn cũng có thể xem xét xem bỏ ra một số tiền để mua về thiết bị cũ này có xứng đáng hay không. Không nên chọn những thiết bị đã sử dụng gần nửa thời hạn sử dụng. Bởi trong khoảng thời gian dài sử dụng, chúng có thể đã bị hoạt động quá tải hoặc xảy ra hỏng hóc.
3. Kiểm tra linh kiện và tình trạng sản phẩm
Sau khi kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ và thời hạn sử dụng, người mua mới nên kiểm tra tới linh kiện và tình trạng, ngoại hình của thiết bị.
Một thiết bị gia dụng điện tử tuy cũ nhưng vẫn còn tốt, dựa vào việc linh kiện của chúng còn nguyên vẹn hay không, đã từng bị hư hỏng và phải thay thế hay chưa.
Thông thường, những món đồ cũ sẽ không tránh khỏi một số lỗi nhỏ về ngoại hình nhưng chúng hoàn toàn có thể khắc phục, sửa chữa được.
Tuy nhiên, về linh kiện, một số linh kiện nguyên bản bị hỏng hóc trong quá trình sử dụng và được thay thế bằng loại khác không tốt bằng. Trường hợp này thì bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi mua. Đặc biệt là với những bộ phận quan trọng của thiết bị.
Những lỗi về ngoại hình đồ gia dụng cũ thì có thể khắc phục được, nhưng về thay linh kiện thì người mua nên xem xét kỹ. (Ảnh minh họa)
Ví dụ như với nồi cơm điện, cần lưu ý đến chất lượng mâm nhiệt và chất liệu lòng nồi có đảm bảo an toàn hay không; với bình siêu tốc thì cần chọn chiếc có chất liệu bên trong bình đun còn tốt, không bị trầy xước, để tránh làm sản sinh ra các chất có hại với sức khỏe người dùng…
4. Trao đổi kỹ càng với người bán
Không liên quan đến việc kiểm tra thiết bị gia dụng được mua, nhưng bạn cần trao đổi kỹ càng với người bán trước khi xuống tiền.
Những vấn đề cần 2 bên trao đổi và thống nhất có thể kể tới như việc chạy thử thiết bị, vấn đề trả hàng khi xảy ra sự cố trong khoảng thời gian tối thiểu,... Khi chạy thử thiết bị, bạn cần cắm điện và sử dụng thử tất cả các chức năng như màn hình điện tử, các công tắc, nút bấm, chế độ tự động…, để đảm bảo thiết bị vẫn hoạt động tốt và đáp ứng được nhu cầu.
Người mua và người bán cũng cần nắm rõ các thông tin cá nhân cơ bản của nhau để tránh khỏi các trường hợp bị lừa đảo, đặc biệt là với các giao dịch thuần trên mạng.
Người mua và người bán nên thống nhất những vấn đề quan trọng trước khi trao đổi những món hàng. (Ảnh minh họa)
Mua đồ gia dụng cũ là một việc làm không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách của gia đình bạn, mà còn góp phần vào việc giảm thiểu rác thải điện tử ra ngoài môi trường. Vì vậy, hãy ghi nhớ những lưu ý để việc mua và sử dụng đồ gia dụng cũ không trở thành nỗi ám ảnh.
Ngoài những trang hội nhóm trực tuyến, bạn cũng có thể tìm mua những món đồ gia dụng cũ ở những cửa hàng sửa chữa và chuyên đồ thanh lý.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Các hãng điện tử “quên” thu hồi, tái chế sản phẩm qua sử dụng tại Việt Nam
Nhiều hãng sản xuất thiết bị lớn vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào các hoạt động thu hồi và tái chế rác thải điện tử an toàn, đảm bảo môi trường sống cho người dân Việt Nam.