- Gần đây dư luận xôn xao với clip nam sinh lớp 12 trăn trở về giáo dục Việt. Một trong những luận điểm gây tranh cãi là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ....".Chị Ngô Thuỳ Ngọc Tú, cử nhân ĐH Stanford, hiện là giám đốc chiến lược tổ chức đào tạo tiếng Anh và tư vấn du học Yola cho rằng không nên ngộ nhận như vậy.

>> Học sinh chỉ cần học hết lớp 9?
>> 'Nên bỏ 3 năm trung học phổ thông'
>> 'Đừng tranh cãi học 9 hay 12 năm'
>> Thạc sĩ tranh luận với hiệu trưởng Lê Trường Tùng
>> Để cải cách giáo dục không 'cười ra nước mắt'

Không nên...

Một trong những luận điểm mà nam sinh nêu ra được dư luận chú ý là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ vì tôi tin rằng tuổi 14-15 xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình." Đây chắc hẳn là một “tuyên ngôn” giải toả được nỗi niềm của nhiều em học sinh vốn phải coi vào cấp 3 là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, có thật là chỉ cần học đến lớp 9 là đủ?

Nhìn ra thế giới, chúng ta biết rằng nền giáo dục ở nhiều nước tiên tiến đã và đang áp dụng hệ thống 9 năm học bắt buộc, các năm sau đó là theo lựa chọn. Ở Phần Lan, học sinh chỉ cần theo học 9 năm trung học, sau đó có thể chọn học tiếp hệ trung học hoặc vào trường hướng nghiệp, sau đó là một loạt các lựa chọn cho hệ CĐ, ĐH.

Ngọc Tú tốt nghiệp ĐH Stanford năm 2009 với bằng cử nhân ngành Chính sách Công và Giáo dục, và là thành viên ban quản trị của Mạng lưới Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (Southeast Asian Service Leadership Network - SEALNet)

Ở Singapore, ngay từ trường cấp 2, các em đã được chia theo các “nhánh” (streams) khác nhau để có thể lựa chọn theo học tiếp cấp 3 hoặc các trường hướng nghiệp, từ đó cũng lên CĐ hoặc ĐH.

Ở Mỹ, rất nhiều bang không bắt buộc học sinh tiếp tục vào cấp 3 sau năm 14 tuổi mà học sinh có thể học ở trường dạy nghề hoặc các trường cao đẳng cộng đồng. Đây là mô hình mà có lẽ một số bạn trẻ Việt, như nam sinh trong video clip, cũng đang mơ ước được thực hiện ở nước mình.

Tuy nhiên, dù có hàng chục người ấn nut cho clip và ủng hộ “tuyên ngôn” của bạn nam sinh, hay ngầm so sánh hệ thống giáo dục Việt Nam với các nền giáo dục khác trên thế giới, các bạn trẻ không nên ngộ nhận rằng chỉ học đến lớp 9 “là đủ”.

Thực chất, ở các nước nêu trên, giáo dục cơ bản – bao gồm các môn học khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn, và các kỹ năng nghiên cứu, phản biện - vẫn được coi là cần thiết và quý giá cho đến cấp 3 và ĐH.

{keywords}

Giáo dục cơ bản là cách rèn luyện cho học sinh đào sâu tư duy thông qua các môn học, giúp các em có nhìn nhận sâu sắc và toàn diện hơn về thế giới xung quanh, học cách ứng xử trong cuộc sống và ứng biến, giải quyết vấn đề tốt thông qua các kỹ năng phân tích, phản biện và nghiên cứu. Với định nghĩa này, giáo dục cơ bản không bao giờ là thừa, và cũng không thể bị xem nhẹ.

Vì sao?

Trong nền giáo dục Mỹ có một mô hình trường ĐH gọi chung là “liberal arts” và đặc điểm và triết lý giáo dục mà các trường này theo đuổi là giáo dục cơ bản. Có thể gọi là “cơ bản” vì các trường này không chú trọng dạy nghề, và thậm chí kiến thức cũng không phải là tiêu chí quan trọng nhất đối với sinh viên tốt nghiệp.

Mô hình liberal arts tập trung vào dạy các kỹ năng cơ bản: kỹ năng phân tích và biểu đạt vấn đề, kỹ năng đọc hiểu và viết lách, kỹ năng làm việc nhóm và lãnh đạo, kỹ năng thẩm thấu các giá trị văn hoá nghệ thuật và có cách nhìn nhận phản biện với mọi vấn đề.

Trong ít nhất là 2 năm đầu của 4 năm ĐH, sinh viên được (và phải) học đủ các môn mà mình muốn, từ khoa học tự nhiên đến xã hội, nhân văn, biểu diễn … (thậm chí nhiều trường còn bắt buộc học phải có tín chỉ của một số môn trái ngành (major) nhất định để đảm bảo sự đa dạng của chương trình học. Họ phải viết bài luận và làm dự án nghiên cứu về nghệ thuật múa, hay về thiên văn học, mặc dù không hề có ý định trở thành nghệ sỹ múa hay nhà thiên văn học! Để làm gì?

Sự cọ xát và tư duy với các ngành học, lĩnh vực khác nhau không những giúp họ mở mang đầu óc, mà thúc đẩy họ trả lời các câu hỏi cơ bản của cuộc sống: Chúng ta là ai và vì sao chúng ta tồn tại? Ý nghĩa của cuộc sống? Ý nghĩa của lịch sử? Những gì chúng ta đang làm ảnh hưởng gì đến tương lai và các thế hệ sau như thế nào?

Những câu hỏi này là “la bàn” giúp sinh viên có lựa chọn tốt hơn trong sự nghiệp và cuộc sống, để sống một cuộc đời ý nghĩa và theo đúng mong muốn của mình nhất.

Điều đặc biệt là không ai bắt ép các sinh viên này phải theo hệ thống ĐH liberal arts. Ngược lại, đây là các trường ĐH hàng đầu ở Mỹ cũng như nhiều nước khác, trong đó có các trường “top” như Harvard, Yale … là niềm mơ ước và lựa chọn hang đầu của các SV thế giới cũng như nhiều SV du học Việt Nam. Các trường này có tỷ lệ cạnh tranh cho đầu vào cực kỳ cao, và học phí cực kỳ đắt! (ĐH liberal arts ở Mỹ có học phí trung bình 50,000 USD/năm).

Vậy các sinh viên này nộp đơn vào đây để làm gì, khi mà tấm bằng ở đây ra không cho các bạn ngay được một cái nghề như kế toán, kiểm toán, kỹ sư, nhân viên ngân hàng...?

Chính các cựu sinh viên từ các trường này đã chứng minh câu trả lời: nhờ có tư duy phản biện và khả năng diễn đạt xuất sắc, có thế giới quan được mở rộng, có hiểu biết đa dạng về văn hóa, xã hội, hầu hết các sinh viên từ các trường liberal arts đều thành công trong lĩnh vực mà họ lựa chọn, cho dù lĩnh vực đó không liên quan gì đến ngành học ở đại học.

Theo thống kê của Sở giáo dục Hoa Kỳ, 20% số tổng thống Mỹ tốt nghiệp trường liberal arts, 20% số người giành giải thưởng Pulitzer trong lĩnh vực kịch nghệ, lịch sử và thơ ca từ năm 1960 – 1998 tốt nghiệp trường liberal arts, và cứ 12 CEO của các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ thì có 1 người học trường liberal arts. Các kỹ năng cơ bản mà họ có được từ trường ĐH là nền tảng giúp họ thành công trong suốt sự nghiệp.

Vì vậy trước khi bác bỏ giáo dục cơ bản là không cần thiết và bắt buộc sau lớp 9, các bạn học sinh Việt Nam cũng nên hiểu rằng học những kiến thức và kỹ năng cơ bản là sự học cả đời, học được càng nhiều thì càng tốt cho tương lai của bản thân. Kể cả khi 14-15 tuổi bạn đã xác định được nghề nghiệp của mình...

Ngô Thuỳ Ngọc Tú