Với tư cách một thầy thuốc, tôi đã xuất hiện nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng để nói về các bệnh viêm gan B, và C. Trong đó, tôi đã đề cập đến chương trình chích ngừa bệnh viêm gan siêu vi B (VGSV B).

Hôm nay, khi tin tức đang tràn ngập trên báo chí, tivi về việc ba trẻ sơ sinh xấu số ở bệnh viện Hướng Hoá, Quảng Trị bị tử vong ngay sau khi được chích ngừa bệnh VGSV B. Vắcxin này còn hạn dùng đến năm 2015, do công ty Vắcxin sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thuộc bộ Y tế cung cấp. Theo trang web của công ty (http://vabiotech.com.vn/?act=info&id=8) vắcxin này đã “đoạt giải nhì VIFOTECH 1995, công trình đoạt giải nhì VIFOTECH 1995, giải thưởng KOVALEVSKAIA 1999, huy chương vàng hội chợ Vì tuần lễ xanh quốc tế, sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế”.

{keywords}

Một trong ba gia đình đau đớn vì mất con sau khi tiêm ngừa vắcxin VGSV B tại bệnh viện Hướng Hoá, Quảng Trị. Ảnh: CTV

Bên cạnh những giải thưởng khoa học đó, lần đầu tiên, y giới Việt Nam có được bằng chứng cụ thể về nguyên nhân của những cái chết xảy ra liên tiếp sau khi chích ngừa: cơ địa em bé trước khi chích hoàn toàn khoẻ mạnh, cái chết xảy ra chỉ dăm phút sau khi chích thuốc. Và quan trọng hơn hết, bằng chứng mổ tử thi mà theo báo cáo của bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hoá, các cháu bé tử vong nghi do “sốc phản vệ” sau khi tiêm thuốc (nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130721/tam-dung-tiem-vac-xin-viem-gan-b-cho-tre-so-sinh-tai-quang-tri.aspx)

Dĩ nhiên, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi, email, điện thoại… để chất vấn về sự việc này. Trong đó, hoàn toàn hữu lý khi nhiều bậc phụ huynh có ý định không cho con cái đi tiêm phòng bệnh VGSV B nữa. Họ có lý khi nói: “không tiêm chưa chắc đã chết, mà tiêm chết ngay như thế thì làm sao tôi dám mang con đi được?”

Để rộng đường dư luận, tôi đưa lại một số thông tin, có dẫn nguồn tham khảo từ những tạp chí y học có uy tín. Tự những con số sẽ nói lên tất cả!

Bệnh VGSV B có phổ biến và nguy hiểm không?

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ VGSV B cao nhất thế giới: 20% (một phần năm dân số). Bệnh này là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan. 25% bệnh nhân mắc phải siêu vi B sẽ đi vào biến chứng xơ gan, ung thư gan nếu không điều trị. 100% ung thư gan ở trẻ em là do VGSV B.

Ở trẻ em Việt Nam, tỷ lệ bị mắc VGSV B vào khoảng từ 13-18%. Chủ yếu các em bị lây nhiễm theo chiều dọc từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ.

Có thể phòng ngừa bệnh VGSV B không?

Tuy nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh bằng chích ngừa. Vắcxin có thể ngừa được bệnh trong ít nhất 95% trường hợp. Ở Đài Loan, chỉ 10% sau khi áp dụng tiêm chủng đại trà cho trẻ em, tỷ lệ bé sơ sinh nhiễm bệnh từ 10% đã giảm còn 1%. Đồng thời, tỷ lệ ung thư gan ở trẻ em trong cùng thời điểm giảm gần 50%.

Thiên vương Lưu Đức Hoa, một người mắc bệnh VGSV B, đã được Chính phủ Trung quốc mời sang Hoa lục để cổ suý cho việc chích ngừa VGSV B. Với hiệu quả như vậy, vắcxin ngừa VGSV B đã được mệnh danh là vắcxin ngừa ung thư đầu tiên của nhân loại.

Miễn dịch với bệnh kéo dài trong bao lâu?

Với phác đồ chuẩn 0, 1, 6 tháng, hiệu quả bảo vệ của vắcxin có thể kéo dài ít nhất 15 năm, thậm chí cả đời. Trừ một số trường hợp đặc biệt, không cần thiết phải theo dõi nồng độ kháng thể để chỉ định tiêm nhắc liều thứ tư. Lý do: cơ chế bảo vệ của vắcxin chủ yếu là qua hệ miễn dịch tế bào, vai trò kháng thể chỉ là thứ yếu. Do đó, tiêm nhắc liều thứ tư sau 5 năm là một tuỳ chọn, không phải bắt buộc để bảo đảm hiệu quả bảo vệ của vắcxin.

Chủng ngừa có an toàn không?

Có nhiều tranh luận đã nổ ra quanh độ an toàn của vắcxin ngừa bệnh VGSV B. Tuy nhiên, hệ thống thu thập dữ liệu về an toàn thuốc của Hoa Kỳ cho thấy: từ năm 1991 – 1998, có 18 trẻ em tuổi từ 0 đến 28 ngày tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B. Phân tích chi tiết nguyên nhân tử vong cho thấy có 12 trường hợp chết do đột tử (sudden infant death syndrome hay SIDS), ba trường hợp do nhiễm trùng, một trường hợp do xuất huyết não, còn lại không rõ nguyên nhân.

Trang thông tin chính thức của trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khẳng định: “kể từ khi áp dụng vào năm 1982, đã có hơn 100 triệu lượt người được chích và hoàn toàn không ghi nhận được tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tác dụng phụ chủ yếu là đau chỗ tiêm chích” (http://www.cdc.gov/hepatitis/B/bFAQ.htm#bFAQ38)

Dựa vào những con số thống kê này, y học hoàn toàn không ghi nhận được trường hợp tử vong nào có liên quan trực tiếp, nhân quả với tiêm ngừa vắcxin VGSV B, nếu nó được bào chế đúng chuẩn, bảo quản đúng quy cách. Vắcxin này tiêm bắp thịt, nên nếu việc tiêm thuốc không đúng quy cách thì bất quá là không gây miễn dịch cho trẻ, không thể làm chết người được. Do đó, vắcxin ngừa VGSV B vẫn được tiếp tục sử dụng ở mức độ chương trình tiêm chủng toàn quốc ở hơn 150 quốc gia (bộ Y tế Mỹ từ năm 1991 đã áp dụng chương trình này cho toàn bộ trẻ sơ sinh).

Thông tin từ y văn và thế giới là vậy! Nhưng như nhiều chuyện đáng buồn khác, tình hình nước ta có những “đặc thù” riêng (?). Với tư cách một thầy thuốc và một người làm cha mẹ, tôi cũng đang chờ câu trả lời minh bạch, trung thực từ bộ Y tế.

Trong lúc chờ đợi, tôi vẫn khuyên bệnh nhân của mình đi chích ngừa VGSV B. Dĩ nhiên, với một loại vắcxin tin cậy (mặc dù chúng không có huy chương hay giải thưởng): Engerix-B (GSK), Recombivax HB (Merck) hay Twinrix (vắcxin phối hợp ngừa VGSV A và B, GSK). Xin đừng trách tôi “sính ngoại”: it nhất, tôi có quyền tin rằng bệnh nhân của mình sẽ không chết thảm, như nhiều em bé vô tội vừa qua.

BS Lê Đình Phương

Ngừng toàn bộ việc tiêm phòng lô vắcxin viêm gan B ở Quảng Trị

Ngày 21/7, sau vụ ba trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi tiêm vắcxin phòng viêm gan B tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hoá, Quảng Trị, Công an Quảng Trị đã vào cuộc tìm nguyên nhân cái chết. Trong khi đó, ông Trần Văn Thành, giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, vắcxin tiêm cho ba trẻ sơ sinh nói trên sản xuất tại Việt Nam thuộc lô V-GB 020812E, nhằm phục vụ chương trình Tiêm chủng quốc gia, hoàn toàn miễn phí. Lô vắcxin được sản xuất năm 2012 và có hạn dùng đến năm 2015, do công ty Vắcxin sinh phẩm số 1 sản xuất. Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hoá vừa tiếp nhận lô vắcxin nói trên chiều 18/7/2013, từ trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị. Trước sự việc này, tỉnh Quảng Trị đã cho niêm phong toàn bộ vỏ vắcxin đã tiêm cho ba trẻ nói trên và niêm phong 29 lọ vắcxin còn lại để gửi cơ quan chức năng. Nói rõ hơn với báo giới, ông Nguyễn Xuân Tường, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Quảng Trị cho biết, lô vắcxin trên do viện Pasteur Nha Trang – bộ Y tế cung cấp.

Theo lãnh đạo sở Y tế Quảng Trị, ngày 21/7, bộ trưởng bộ Y tế Trần Thị Kim Tiến đã vào đến Quảng Trị. Theo bộ trưởng, nếu đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện Hướng Hoá của kíp trực làm đúng quy trình thì bộ Y tế phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp số vắcxin và nguồn gốc lô vắcxin này. Ngược lại, nếu kíp trực tiêm vắcxin viêm gan B không thực hiện đúng theo quy trình thì phải bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh Quảng Trị cũng đã giao cơ quan chức năng kiểm tra toàn bộ quy trình chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ trực để xem có sai sót gì không.

Ông Nguyễn Đức Chính, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, nhận định ban đầu từ phía các cơ quan chức năng địa phương qua việc khám nghiệm ban đầu, có thể ba trẻ tử vong do sốc phản vệ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân cuối cùng. Hiện tỉnh Quảng Trị đã thông báo về toàn tuyến y tế cơ sở dừng việc tiêm chủng lô vắcxin nói trên.

(Theo SGTT)