Google vừa ký thoả thuận chia sẻ doanh thu với một số đơn vị truyền thông tại châu Âu, chủ yếu đến từ Đức. Bước đi này của hãng công nghệ Mỹ được thực hiện sau nhiều vụ kiện kéo dài của các hãng tin, yêu cầu những công ty như Google, Facebook… trả tiền khi đăng tải lại tin tức báo chí.

Trong bài viết trên blog, Google cho hay sẽ ra mắt công cụ để các cơ quan truyền thông đăng ký tham gia chương trình chia sẻ doanh thu với Google.

Trước đó, năm 2021, Pháp phạt Google nửa tỷ EUR vì tranh chấp với các nhà xuất bản trong nước. Tháng 3 năm nay, hãng đồng ý trả tiền cho truyền thông Pháp để hiển thị các nội dung tin tức.

Tại Việt Nam, Google cũng có trang Tin tức (News), dẫn link các bài viết của nhiều đơn vị truyền thông tại Việt Nam. Ngoài ra, những tin tức tiếng Việt cũng hiển thị trên trang chủ tìm kiếm của Google.

{keywords}
Trang Google Tin tức. (Ảnh: H.Đ)

Trao đổi với ICTnews, Tổng giám đốc một công ty truyền thông lớn tại Việt Nam, khẳng định các đơn sở hữu nội dung trong nước hoàn toàn có thể đặt vấn đề chia sẻ doanh thu khi Google dẫn lại tin tức từ các kênh này.

Việc cơ quan báo chí cung cấp tin tức để Google đăng lên nền tảng của Google, sau đó chia sẻ doanh thu là điều rất công bằng”, chủ sở hữu một số kênh truyền thông cho hay.

Cả Google và Facebook là hai nền tảng chia sẻ tin tức lớn nhất trong nước hiện nay và chiếm gần như tuyệt đối doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, do đó các nhà sản xuất nội dung hoàn toàn có thể đặt vấn đề kiếm tiền trên những nền tảng này.

Muốn có tiếng nói đồng thuận, vị chuyên gia đề xuất các cơ quan truyền thông cùng nhau lên tiếng thông qua các hiệp hội, đề xuất lên Bộ TT&TT đề nghị làm việc với đại diện Google, Facebook.

Về một số ý kiến cho rằng thị trường Việt Nam có quy mô khá nhỏ, khó có thể gây sức ép với nền tảng đa quốc gia, vị chuyên gia cho rằng gã khổng lồ tìm kiếm kinh doanh nhiều dịch vụ tại Việt Nam với quy mô đủ lớn - không chỉ riêng truyền thông. Do đó, các bên có thể ngồi lại, tìm kiếm một giải pháp có lợi cho cả đôi bên.

Là những nền tảng chia sẻ phổ biến nhất thế giới, không thể phủ nhận vai trò của Facebook và Google trong việc mang tin tức của các cơ quan báo chí tiếp cận nhiều người đọc hơn. Mối quan hệ giữa các nền tảng này với đơn vị sản xuất nội dung nên là quan hệ cộng sinh, đôi bên cũng hưởng lợi ích.

“Tin tức báo chí được chia sẻ nhiều hơn nhưng không có doanh thu thì cũng không mang lại giá trị”, vị chuyên gia lý luận. “Ngược lại, không nên cấm các nền tảng phân phối nội dung của báo chí vì như vậy sẽ hạn chế khả năng truy cập của người dùng của cả hai bên”, ông này nói thêm. 

Để tránh phụ thuộc các nền tảng lớn, một số ý kiến cho rằng các tờ báo có thể tự mình hoặc hợp sức cùng nhau xây dựng kênh phân phối riêng. Tuy vậy, người đứng đầu công ty truyền thông - cũng từng có kinh nghiệm làm nền tảng - cho rằng cơ quan báo chí chỉ nên tập trung sản xuất nội dung. Xây dựng nền tảng đủ mạnh, được nhiều người sử dụng là một việc cực kỳ khó khăn. “Cả thế giới cũng chỉ có Google và Facebook, hiếm có nền tảng địa phương nào đủ mạnh ảnh hưởng vượt ra biên giới quốc gia. Ngoài ra, ai bỏ tiền để xây dựng nền tảng?”, ông đặt vấn đề.

"Là đơn vị sản xuất nội dung, các cơ quan báo chí không nên chỉ hợp tác với Google hay Facebook, mà cần làm việc với bất kỳ kênh phân phối nào, miễn tiếp cận được đông đảo người dùng và có lợi ích kinh doanh kèm theo", vị này kết luận.

Hải Đăng

Chuyên gia của Google gợi ý 5 cách để phát hiện tin giả

Chuyên gia của Google gợi ý 5 cách để phát hiện tin giả

Mới đây, các chuyên gia của Google đã cung cấp 5 mẹo nhỏ giúp người dùng có thể tự kiểm chứng thông tin, hạn chế việc chia sẻ nhầm tin giả.