- Nhiều đại biểu QH đề nghị lập một cơ quan hoàn toàn độc lập, tập hợp những cán bộ ưu tú, tinh túy nhất đang làm công tác phòng chống tham nhũng ở các đơn vị khác nhau.


Làm thế nào để độc lập?

Thảo luận tại tổ về dự thảo luật PCTN sửa đổi chiều 2/11, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhận thấy ta không thiếu các cơ quan chuyên trách PCTN nằm trong nhiều cơ quan chức năng nhưng tham nhũng không những không được đẩy lùi mà ngược lại ngày càng tràn lan.

Thậm chí ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) còn nhận định "bao nhiêu năm nay chúng ta đánh trận giả với tham nhũng": Văn bản, chỉ thị đủ cả, bày binh bố trận đủ hết, nhưng không ai bị thương!

 
Do vậy, rất nhiều ĐB đồng tình với yêu cầu có một cơ quan đặc trách PCTN và cơ quan này phải độc lập, nhưng làm thế nào để độc lập vẫn là một trong những điều "lúng túng" mà dự thảo luật chưa giải quyết được, như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhận định.

"Các khâu thanh tra, kiểm toán, công tố đã có Viện Kiểm sát, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước thực hiện, song trong PCTN, khâu mũi nhọn quan trọng nhất là điều tra thì hiện chỉ có Công an là đầy đủ lực lượng cả về nhân sự, trình độ, kinh nghiệm... Nhưng đây là một cơ quan thuộc hệ thống hành pháp, liệu có thể hoạt động hiệu quả trong việc chống tham nhũng vốn không thể tránh khỏi động chạm?", ông Thanh đặt vấn đề.

Ông Thanh chỉ ra tổ chức của bộ máy PCTN tới đây phải đảm bảo nắm trong tay tất cả các công cụ cần thiết để có thể trực tiếp xử lý các vụ án. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nhấn mạnh bộ máy này phải thực sự làm chứ không dừng lại ở chỉ đạo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết sau khi dự nhiều buổi thảo luận về dự luật này, ông đã nghe không biết bao nhiêu đề xuất về Ban chỉ đạo: thuộc Chính phủ thì lo "vừa đá bóng, vừa thổi còi", thuộc QH không ổn vì QH làm luật chứ không điều hành, thuộc thiết chế Chủ tịch nước cũng không xong vì Chủ tịch nước sẽ làm một phần việc của hành pháp và tư pháp... nhưng lại không thể không có một cơ quan chỉ đạo thống nhất trong bối cảnh tham nhũng ngày càng trở thành nội xâm nguy hiểm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo mạnh dạn đề nghị thành lập một cơ quan hoàn toàn độc lập, tập hợp những cán bộ ưu tú, tinh túy nhất đang làm công tác PCTN trong các đơn vị khác nhau. Ngoài ra, rất nhiều ĐB muốn làm rõ cơ quan này sẽ chỉ "chống" tham nhũng chứ không "phòng" nữa.

Nhấn mạnh việc thay đổi tổ chức của Ban chỉ đạo PCTN trung ương là để cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 5, song Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn ủng hộ vì cho rằng "chỉ trực thuộc Đảng cơ quan này mới đủ mạnh, có thể xử lý tham nhũng kịp thời với tính răn đe cao".

Ông Sơn chia sẻ thông tin ông nhận được: Ban chỉ đạo mới sẽ thực sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp quyết định với bộ máy dự kiến gồm Tổng Bí thư là trưởng ban, lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội làm các phó ban, ủy viên có mặt tất cả các cơ quan trực tiếp tham gia công tác PCTN như thanh tra, kiểm toán, điều tra, công tố... Ông tin rằng việc ra quyết định xử lý tham nhũng sẽ không còn phải qua nhiều cấp như hiện nay.

Công khai tài sản?

Một “lúng túng” khác mà dự luật vẫn chưa khiến ĐB hài lòng là các quy định về kê khai và minh bạch tài sản - đã có từ luật năm 2005 mà đến nay vẫn bị phê là “hình thức”.

“Nhiều vị chức rất to, dân đều bảo là rất giàu nhưng kê khai tài sản cứ thấy chẳng có gì”, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh.

Theo ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), cần những cơ chế xác minh được nguồn gốc của những tài sản tăng thêm. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì cho rằng vấn đề quan trọng hơn cả là kiểm soát thu nhập một cách thường xuyên chứ không chỉ mỗi lần bổ nhiệm, bầu bán.

Đối với việc mở rộng phạm vi đối tượng kê khai tài sản, có ý kiến đồng ý tất cả công chức vì họ đều có nguy cơ tham nhũng, song cũng có ý kiến chỉ tập trung ở những người có chức có quyền, thực sự có điều kiện để tham nhũng.

Đối với những người này thì gia đình, con cái họ cũng phải kê khai tài sản, thu nhập để được kiểm soát, như ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nêu. Có người ủng hộ yêu cầu này như Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhưng cũng có người không đồng ý như ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) vì lo ngại xâm phạm các quyền công dân và quyền con người.

Việc công khai kê khai tài sản đến đâu cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi bà Lê Thị Nga thấy có hiện tượng “chọn hình thức hẹp, lạm dụng dấu mật” để hạn chế việc công khai, và nhiều ý kiến ĐB muốn công khai trên mạng Internet để “ai quan tâm cũng xem được”, thì cũng có ý kiến cho là không nên, như ông Đỗ Văn Đương nhấn mạnh việc tôn trọng bí mật cá nhân.

Các ĐB sẽ thảo luận tại hội trường về dự luật này ngày 9/11 tới.

  • C.Hoàng - X.Linh - T.Thủy - Ảnh: L.A.Dũng