Câu hỏi đúng ra phải là "Có thật người lớn dốt và lười?”. Theo đuổi công việc học tập giúp mỗi người có thể thu lại được lợi ích lớn nhất, bất kể tuổi tác. Song đang phổ biến tình trạng không phải chỉ trẻ em lười học, ngại học, mà nhiều người lớn không có thói quen học tập khi đã đi làm, bất chấp biết sự học là chuyện cả đời.

Vì thế mới có lắm vị cán bộ còn trẻ đã lạc hậu, cũ kỹ chuyên môn, ngộ nhận bản thân, đặc biệt kém ứng xử trong mọi tình huống, với mọi đối tượng, nghĩa là "dốt lại tỏ ra nguy hiểm”. Khi thiếu vắng kỹ năng, nhu cầu tự học, ngay cả khi có cơ hội được tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sống, học viên cũng "chuồn chuồn đạp nước”, học cho có, cho xong! Thiếu hiểu biết ắt không hiểu chính mình, nhìn đời xử thế cũng gà hóa cuốc. Nếu có quyền lực, có trọng trách trong tay thì than ôi, loại này ắt gieo đủ tai họa.

Tuần rồi lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu cảnh sát giao thông phải thường xuyên tập huấn, nâng cao nghiệp vụ trong cách ứng xử với người dân. "Nhiều trường hợp trên đường người dân hỏi về luật sâu quá, cảnh sát giao thông không nắm được thì tỏ ra bực bội rồi phát biểu tùy tiện dẫn đến xung đột, cãi cọ”, vị này nói. Đây là điển hình của bệnh "bí khí sinh tà chứng”, diễn nôm là dốt quá hóa khùng.

Nhưng tệ nạn cán bộ "thất học” kiểu đó đâu phải chỉ phổ biến ở những người thi hành công vụ ở lĩnh vực này. Lương tâm nghề nghiệp, đạo đức công vụ xuống cấp chung quy cũng từ bệnh dốt mà không biết mình dốt. "Lắm quyền” mà dốt thì nguy cơ gây tai họa tăng bội phần. Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường bác sĩ ném xác nạn nhân xuống sông Hồng cũng có căn cớ từ sự dốt toàn cục hành xử, từ ông chủ tới tất cả nhân viên. Họ chỉ biết tính đi mà không quen tính lại, thì phải trả giá đắt.

Nhà khoa học Giáp Văn Dương - người sáng lập cổng giáo dục trực tuyến Giapschool đầu tiên và duy nhất, miễn phí, bằng tiếng Việt và dành cho người Việt - đã nói rất hay về triết lý giáo dục trong một tọa đàm với nhà giáo Phạm Toàn hồi tháng 9. Ông Dương quan niệm: Học, trước hết không phải để "trở thành người có ích” (cho bất kỳ một ai khác) mà "để trở thành con người tự do” và từ tự do đó thì ta "sẽ có xu hướng hành xử có trách nhiệm để bảo vệ tự do của mình và không xâm phạm vào tự do của người khác”.

Như vậy, "tự do” phải là cái đến trước hết, từ có tự do, con người kéo theo có "trách nhiệm” và từ "trách nhiệm”, con người mới "có ích cho xã hội được”. Với triết lý đó, ông Giáp Văn Dương xây dựng GiapSchool mà ở đó, người dạy tự do dạy những gì mình thấy cần; người học tự do học những gì họ thích. "Mỗi người tự do và tự chịu trách nhiệm trong việc khai sáng bản thân mình”. Đó cũng là lý do thông điệp của GiapSchool là "Tự thân khai sáng”.

Triết lý này phải chăng lý giải phần nào tình trạng Nhà nước bỏ kinh phí cho các cơ quan nâng cấp trình độ cho cán bộ, nhưng nhiều người đi nâng cao kiến thức về dốt vẫn hoàn dốt, "mèo vẫn hoàn mèo”. Họ không thấy ở những lớp học đó cái họ thực sự cần? Họ không có thói quen, đam mê học để trưởng thành hơn?

Kiểu học "giải ngân” đối phó, học chỉ để lấy bằng, lấy chứng chỉ nâng cấp lên lương, lấy thành tích bổng lộc là chính ấy, tiếc thay lại vẫn diễn ra do cây gậy "hành chính hóa” điều khiển, lãng phí bao thời gian và tiền bạc. Một người lớn lười học kể: Cơ quan cho chị du học ở nước ngoài 3 tháng. Chị thường bỏ lớp đi xếp hàng mua ipad chính hãng giá rẻ, vì "Học có giỏi cũng chỉ tổ ngứa mắt đồng nghiệp. Bị đố kỵ, khó làm việc”.

Vì sao người lớn lười học vậy? Có lẽ căn nguyên cần hỏi thêm các chuyên gia, nhất là hỏi ông Giáp Văn Dương. Thế hệ trí thức xưa của đất nước tự học siêu lắm mà. Hay việc tự học phải được thầy cô, cha mẹ rèn từ thuở còn thơ, "để con hư rồi đánh đập nó thì không ăn thua”!?

(Theo Đại Đoàn Kết)