Cần sát sao với đồng tiền
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi về tình trạng "có tiền mà tiêu không hết", đó là giải ngân chậm ở các lĩnh vực xã hội, đời sống, đối tượng chính sách.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Từng bộ trưởng phải lên giải trình về chi tiêu của bộ mình. Ảnh: Minh Thăng |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh lý giải, sở dĩ kế hoạch chi cho sự nghiệp giáo dục, y tế, khoa học không đạt bởi chính sách luôn có độ trễ trong thực thi.
Phản biện với cách giải thích trên, bà Mai cho rằng giải ngân chậm một phần cũng do cách thiết kế chính sách đã khiến tiền không được rót đúng người, đúng lúc. "Ví dụ về chi cho bảo hiểm y tế, chỉ có 20 - 25% đối tượng cận nghèo tiếp cận được. Tất cả là do cách hoạch định chính sách của ta, khiến cho tiền thì có mà dân thì không tiếp cận nổi", bà Mai bình luận.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội dẫn chứng thêm, nhóm chính sách dành cho người có công đã được ban hành từ tháng 9 năm ngoái, cơ quan phân bổ ngân sách đã công bố là sẵn sàng chi tiền, nhưng do thiếu các văn bản hướng dẫn nên tiền vẫn nằm đó. Tương tự, chính sách xây nhà ở cho người có công cũng trong tình trạng "treo".
"Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần sát sao hơn để đồng tiền chi đúng người, đúng lúc, tránh tình trạng có tiền rồi mà triển khai cũng không hết", bà Mai nói.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Phan Xuân Dũng cũng dẫn nhiều ví dụ tương tự trong lĩnh vực khoa học. Nguyên nhân chậm trễ, theo ông, là thời gian duyệt chi và thời gian quyết toán quá sát nhau. "Bởi vậy cái khó lớn nhất là xây dựng chính sách thế nào để nhà khoa học tiếp cận được nguồn tiền", ông Dũng cho hay.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phân tích thêm, các lĩnh vực nói trên (xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ) đều có tầm quan trọng với quốc gia, vậy nhưng nhiều năm nay không giải ngân được hết, do đó QH cần phải mổ xẻ để tìm đúng nguyên nhân để tìm hướng khắc phục.
Theo Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, có ba lý do giải thích cho câu chuyện có tiền mà tiêu không hết. Thứ nhất do cơ chế chính sách còn bất cập. Thứ hai, do dự báo chưa sát nên dẫn đến dự toán cao hơn. Và lý do cuối cùng, theo ông Hiển, đó là giữa cơ quan Trung ương và địa phương vẫn có những "lấn cấn" mang tính cục bộ nào đó.
Thẩm tra báo cáo quyết toán của Chính phủ, Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cũng cảnh báo tình trạng chi đầu tư cho một số lĩnh vực quan trọng giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế... không đạt dự toán. Chẳng hạn, chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 90,2%; chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 89,5%...
Bên cạnh yếu tố tích cực như tiết kiệm chi tiêu, tăng cường quản lý làm giảm chi tiêu thì việc không đạt dự toán cũng làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay và cần được xem xét từ góc độ dự toán, quản lý và điều hành ngân sách.
Tăng thu mà nợ cũng tăng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách 2011 vượt cao so với dự toán, tăng gấp 3 lần so với mục tiêu phấn đấu tăng thu của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều người lại không cho đây là con số "thành tích" bởi nói như bà Trương Thị Mai, năm nào cũng xảy ra tình trạng này và nó chỉ minh họa cho việc lập dự toán không sát thực tế.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, cần nhất là đánh giá về hiệu quả chi tiêu, xem lĩnh vực nào xảy ra lãng phí, bộ ngành nào quản túi tiền hiệu quả. "Từng bộ trưởng, từng địa phương phải giải trình về chi tiêu của ngành và tỉnh mình", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, kết quả tăng thu rất cần khuyến khích song nghịch lý là tăng thu thì nợ nần cũng tăng lên. "Vậy là tăng thu, tăng chi và tăng nợ... Cần xem lại vấn đề điều hành, lẽ ra tăng thu nhưng nợ cũng chỉ ít thôi", ông Hùng bình luận.
Theo Bộ Tài chính, mức nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng lại tăng khá cao so với năm trước (gần 25%).
Do vậy, Thường trực UB Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý nợ công, nhất là đối với cấp bảo lãnh và nguồn vay nước ngoài về cho vay lại. Kết quả kiểm toán cho thấy, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các đối tượng vay vốn nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định, một số dự án được cấp bảo lãnh nộp phí bảo lãnh chậm, chưa đầy đủ, một số dự án khả năng hoàn trả vốn vay kém vẫn được cấp bảo lãnh nên dẫn đến việc ứng trả nợ thay cho các dự án được cấp bảo lãnh tiếp tục có xu hướng gia tăng cần được quan tâm chấn chỉnh. Ngoài ra, các khoản nợ đọng thuế cũng tăng đáng kể.
Tương tự, dù Bộ Tài chính báo cáo "thành tích" giảm bội chi xuống dưới 5%, nhưng theo UB Tài chính - Ngân sách, dù giảm bội chi song các khoản chi ứng trước, nợ tạm ứng, thiếu hụt nguồn hoàn thuế đã làm cho kết quả giảm bội chi không còn bao nhiêu ý nghĩa.
-
Lê Nhung