Chính quyền xã Yên Lư (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) khẳng định, việc đi xuất khẩu lao động đã đem đến sự thay đổi cho bộ mặt của xã.

Do kinh tế còn khó khăn nên xã Yên Lư xác định phương hướng phát triển kinh tế địa phương là khuyến khích người dân đi ra nước ngoài làm ăn.

Việc xuất khẩu lao động có hiệu quả, người dân có gửi tiền về cho gia đình, khiến kinh tế toàn xã được cải thiện. Bình quân mỗi lao động gửi về nước từ 100 -200 triệu/năm.

Có tiền, nhiều gia đình trả nợ, xây nhà, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Điển hình là trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Hà (SN 1971, thôn Yên Hồng, xã Yên Lư).

Tiếp chúng tôi ở khoảng sân thoáng mát cạnh căn nhà 3 tầng khang trang, chị Hà kể lại quãng thời gian đi làm giúp việc ở nước ngoài. Cuộc sống và công việc làm ăn nơi xứ người không hề dễ dàng nhưng chị thừa nhận nó đã đem đến sự thay đổi nhiều trong cuộc đời chị.

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Hà

Nhiều năm về trước, gia đình chị Hà có cuộc sống khá khó khăn, vất vả. Con nhỏ, chồng thường xuyên đau ốm nên gánh nặng gia đình phụ thuộc vào chị.

Chị kể: ‘Hai vợ chồng lấy nhau, được bố mẹ cho một túp lều tranh. Cái nhà này là cái thứ 7, cũng được mua và xây dựng sau khi tôi đã đi Đài Loan. Cứ tích cóp thêm được chút tiền là 2 vợ chồng lại chuyển chỗ ở, mua được cái nhà to đẹp hơn một chút’ - chị Hà chỉ vào căn nhà đang ở, nhớ lại.

Năm 2003, thấy kinh tế gia đình túng quấn, làm ruộng không đưa lại thu nhập ổn định, chị Hà quyết định đi xuất khẩu lao động.

Chị chọn sang Đài Loan (Trung Quốc) làm ăn. Thời điểm đó phong trào đi xuất khẩu lao động bắt đầu rộ lên.

Ngày đó, để sang Đài Loan, chị mất 7 triệu đồng cho công ty môi giới - số tiền rất có giá thời ấy. Chị được đưa vào làm giúp việc cho một gia đình 3 thế hệ.

Ngoài cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chị còn phải chăm em bé, người già, cộng thêm phụ giúp chủ nhà công việc ở cửa hàng ăn. Công việc vất vả gấp đôi, gấp ba các gia đình khác, nhưng chị vẫn kiên trì làm đủ 3 năm cho hết hợp đồng, nhất quyết không xin đổi chủ hay trốn ra ngoài làm.

3 năm ở Đài Loan, chị có tiền gửi về nuôi con, chữa bệnh cho chồng. Sau đó, chị tiếp tục sang Cộng hoà Síp làm giúp việc trong 5 năm nữa.

Với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, chị Hà có tiền gửi về nhà mua đất xây nhà hơn 1 tỷ đồng.

‘Nếu không đi xuất khẩu lao động, chúng tôi không thể thoát nổi cảnh nghèo đói nói gì đến việc xây nhà tiền tỷ, kinh tế ổn định’, người phụ nữ này chia sẻ.Thấy mẹ đi làm có hiệu quả, con trai của chị Hà cũng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.

{keywords}
Căn nhà gia đình chị Hà xây dựng từ tiền đi xuất khẩu lao động

Sau 8 năm ở Đài Loan, con trai chị vừa về quê lấy vợ. Trước khi về, cậu kéo cả em trai và em dâu sang làm việc tiếp. Hiện tại, con trai thứ 2 và con dâu chị cũng đang làm việc ở Đài Loan, mong kiếm chút vốn liếng để sau này về Việt Nam làm ăn.

Bà Lê Thị Viễn 66 tuổi (xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng) cũng từng làm giúp việc ở Đài Loan (Trung Quốc) 9 năm.

Bà đi khi con trai mới 13 tuổi. Mẹ khóc, con khóc, nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên bà quyết định khăn gói ra đi. Trong suốt 9 năm, bà chỉ về thăm nhà 2 lần.

Công việc đầu tiên bà làm là chăm sóc cho một người già. Sau khi người này mất, bà được chuyển sang một gia đình khác. Lần này bà phải chăm sóc cho một người tàn tật.

Sau nhiều năm vất vả lao động ở nước ngoài, bà cũng gửi tiền về nhà hỗ trợ chồng nuôi các con ăn học. Vợ chồng bà cũng xây được căn nhà to.

‘Nếu không đi xuất khẩu lao động, cuộc sống của chúng tôi khó được như bây giờ, bà khẳng định.

Bài: Lê Thanh Hùng - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV