- Bài “Lãi suất cho vay vẫn cao chót vót: Nghi vấn lớn” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

Có “trần” tiền gửi, phải có “trần” cho vay

Email viet_thanh1968@yahoo.com viết: “Áp đặt trần lãi suất tiền gửi 14% nhưng không áp trần lãi suất cho vay đối với các ngân hàng (NH), rõ ràng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang bắt người dân phải chịu lỗ lã cho những sai lầm, tham lam của các ngân hàng thương mại (NHTM) khi họ cố tình cho vay dễ dãi, bất chấp rủi ro. Như vậy là không công bằng và hy sinh lợi ích của người dân để “nuôi béo” các chủ NH. Nếu áp trần lãi suất tiền gửi 14% thì phải áp trần lãi suất cho vay 17 - 18%.”

Bạn đọc Hữu Văn (email nvk_tfs@yahoo.com) nêu thực tế: “Nếu trần huy động là 14%/năm thì NH chỉ cần cho vay với LS 17-18%/năm (vẫn cao) là đã có lãi rất lớn rồi. Nhưng lãi suất cho vay vẫn 21-24%/năm. Vậy lãi suất huy động không thể là 14%/năm được.”

Ảnh minh họa (Nguồn: NLĐ)
Email honglinh@gmail.com
bổ sung : “Lãi suất cho vay vẫn cao ngất 22%-23%. NHNN nên khống chế lãi suất cho vay chứ không nên khống chế lãi suất huy động.”

Theo ý kiến của email ngtrgiang@walla.com thì: “Các chính sách vừa qua rõ ràng là có sự tác động từ các ngân hàng lớn. Các ngân hàng luôn cho vay với lãi suất cao. Theo quy luật thông thường khi cho vay lãi suất cao thì ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao dẫn đến chi phí vốn lớn và khách hàng vay sẽ ít đi.Vấn đề khó của ngân hàng nhỏ là thanh khoản còn ngân hàng lớn là vốn tồn đọng. Vì vậy họ tìm mọi cách để ép lãi suất huy động xuống và giữ nguyên lãi suất cho vay. Điều này dẫn đến chênh lệch lãi suất ngày càng nới rộng ra làm cho người dân và các thành phần kinh tế khác lãnh đủ. Nhân đây cũng nói thêm rằng dùng chính sách tiền tệ để kìm chế lạm phát chỉ có tác dụng một phần vì nguyên nhân của lạm phát chủ yếu do đầu tư công không hiệu quả và đầu cơ gây ra là chính. Muốn chống  đầu cơ sao Chính phủ không dùng công cụ thuế vừa hiệu quả lại có thể tăng thu cho ngân sách? Điều này Chính phủ biết và dư sức làm, nhưng đòi hỏi phải hy sinh một phần lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước.”

Đây là phân tích của email lequanviet@yahoo.com: “Tính thanh khoản của các NHTM hiện nay đang ở mức thấp. Việc chấp nhận huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đã mất đi tính chủ động của nguồn vốn trong thời gian vừa qua. Do đó, khi NHNN kiểm soát lãi suất huy động thì các NHTM thiếu hụt vốn để cho vay. Nói cách khác thời điểm hiện nay NHTM không có nhiều tiền để cho vay, và là thời điểm cuối năm để trả các khoản nợ huy động và lãi huy động đã đến, bên cạnh đó các khoản nợ xấu đang tăng cao, việc thu hồi vốn cho vay lại càng khó. Vì vậy lãi suất cho vay vẫn ở mức cao để các DN hạn chế vay là tất nhiên thôi.

Còn việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới là do thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế cụ thể là chúng ta không đủ ngoại tệ để mua vàng cân bằng giá vàng trong nước, và cũng không cần phải can thiệp nhiều vào giá vàng. Hãy sử dụng ngoại tệ tốt nhất cho việc hỗ trợ các ngành sản xuất như mua sắm thiết bị, nguyên vật liệu.... còn hơn là đem ngoại tệ mua vàng để cân bằng giá vàng không mang lại lợi ích kinh tế gì cả.”

Đồng quan điểm với ý kiến trên, email huynhthienphu9999@yahoo.com viết: “NHNN nên có động thái nhằm giảm lãi suất tiền vay, nhưng cách làm phải nghiên cứu kỹ không chỉ đưa ra một qui định là đủ, nếu không sẽ lại có hiện tượng lách luật, ngay cả lãi suất huy động hiện nay cũng chưa chắc đã hết hiện tượng huy động vượt trần khi mà lãi suất vay liên ngân hàng cao hơn 14%. Muốn giảm thì phải cung tiền mà cung tiền thì lạm phát, đây là bài toán rất khó cho Thống đốc, bởi lẽ chúng ta đang điều hành chính sách tiền tệ hoàn toàn không phù hợp với thực tế của nên kinh tế, khi mà vấn đề nằm ở chính sách tài khoá mà cụ thể là do đầu tư, chi tiêu của Nhà nước không hiệu quả lại trút gánh nặng hết lên cho chính sách tiền tệ.

Theo tôi, NHNN nên đưa ra ngay trần lãi suất cho vay áp dụng cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng (có qui định hạn mức tối đa). Các lĩnh vực không được khuyến khích như cho vay kinh doanh BĐS, CK không áp dụng trần, không cho thu bất cứ khoản phí nào đính kèm.

Qui định đầu ra ắt hẳn đầu vào phải giảm nếu không NH lỗ, chỉ có những NH thiếu thanh khoản mới huy động lãi suất cao để "cấp cứu" chứ không phải kinh doanh, NHNN có biện pháp hỗ trợ, yêu cầu ngưng hoạt động cho vay đối với các NH này.”

Đề xuất các giải pháp

Email nvcforervernolove@yahoo.com nêu thực tế trái với chỉ đạo của Thống đốc NHNN: “Tôi cũng là người đi vay NH, tôi mới nhận được thông báo tăng lãi suất từ 21% lên 22%. Xin Thống đốc NHNN hãy có biện pháp thiết thực giảm lãi suất cho vay.”

Đây là “cảnh báo” của email alonelove.info@alonelove.inf: “ Khi NHNN dùng công cụ để chặn 1 đầu lãi suất cho vay thì phải đi đôi với chế tài không để các NHTM “lách luật” thông qua thu  các loại phí “trên trời” như: Phí tư vấn, phí quản lý tài sản, phí thẩm định v.v…”
“Ngân hàng nhà nước cần sớm giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết tốt và êm. Chúng ta nên nhìn sang Trung Quốc nước bạn tăng trưởng kinh tế 8,5-9% nhưng thời gian qua nhận thấy khó khăn của các doanh nghiệp do lãi suất cao (tất nhiên không cao bằng Việt Nam) nhưng Trung Quốc đã giảm lãi suất và đang nghiên cứu giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế”, đó là đề xuất của email t_dhbk@yahoo.com.

Theo email ddhung229@gmail.com thì: “Nếu cạnh tranh công bằng thì NHNN chỉ cần áp trần lãi suất cho vay còn lãi huy động thì cho các ngân hàng cạnh tranh với nhau để thu hút vốn. Cơ quan truyền thông, báo đài cần thiết phải có các diễn đàn để tranh luận về các vấn đề này. Tôi thấy vài năm gần đây NH mọc như nấm. Kế hoạch tái cấu trúc NH đã có thì cứ thế mà tiến hành thôi.  Như vậy NHNN cũng không cần phải đau đầu suy nghĩ.

Khi NHNN quyết liệt thực hiện trần lãi suất huy động, thì tình trạng người dân rút tiền khỏi ngân hàng rất lớn do lãi suất 14% quá thấp so với mức lạm phát 18-20% (tiền gửi vào ngân hàng lãi thực bị âm). Các ngân hàng mất thanh khoản nên phải tiếp tục phát trần lãi suất huy động (phạm luật) hoặc bấm bụng vay  liên ngân hàng với mức lãi suất cao có thời điểm lên đến 30%/năm. Vậy tất nhiên họ sẽ phải cho vay với lãi suất cao hơn để đạt được mục tiêu kinh doanh đã đặt ra.

Một giải pháp mạnh là cần thiết, chấp nhận "thương đau" để tài thiết nền kinh tế:

+ Duy trì ổn định giá trị tiền VNĐ: Giảm lạm phát bằng việc tập trung cho các ngành sản xuất vật chất, tạo nhiều giá trị gia tăng, tạo nhiều công ăn việc làm (xây dựng, sản xuât công nghiệp, nông nghiệp ...)
+ Pháp luật phải nghiêm: Chấp nhận loại bỏ các ngân hàng yếu kém, các doanh nghiệp yếu kém bị đào thải
+ Chống tham nhũng: Loại bỏ những tài sản ảo, minh bạch nền kinh tế: Ai là người có nhiều tiền mua đất (đa số quan chức, các công chức làm việc tại các công ty độc quyền nhà nước) làm tăng giá BĐS, gây mất ổn định thị trường.”
Bạn Trần Văn Sơn (email tranvanson89@gmail.com) phân tích: “Tôi thấy có sự không công bằng:
1. Lãi suất huy động vốn từ dân và doanh nghiệp cao nhất là 14%/năm, trong đó ngắn hạn dưới 1 tháng <= 6%/ năm.
2. Lãi suất cho dân, doanh nghiệp vay thì gần như thả nổi và rất cao thậm chí trên 20%/năm, mà gần như không tiếp cận được nguồn vốn.
3. Lãi suất liên ngân hàng thì rất cao (bản chất đây có phải là nguồn huy động vốn của Ngân hàng từ các Ngân hàng khác không? Nếu phải thì tại sao không áp dụng trần huy động 14%/năm?)

Như vậy cách hoạt động của hệ thống Ngân hàng có hợp lý không?

Sao chúng ta không dùng biện pháp hành chính để khống chế trần lãi suất cho vay, như đã làm với trần lãi suất huy động?
Người dân và doanh nghiệp đi làm, sản xuất kinh doanh... được bao nhiêu chi phí gần hết vào lãi suất, phí giao dịch, phí kiểm đếm,... thử hỏi làm sao mà giá thành hàng hóa, dịch vụ có thể giảm được?

Với cách điều hành, hoạt động, cơ chế như vậy tôi tin rằng việc chống lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô sẽ khó đạt kết quả tốt.
Muốn chống được lạm phát, theo quan điểm của tôi:

Phải có giải pháp toàn diện, trong đó lãi suất huy động, lãi suất cho vay, giá cả một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, nước, phí ngân hàng, phí bảo hiểm,... phải ở mức hợp lý thì mới có thể chống lạm phát được. Đồng thời phải chống lợi ích nhóm, chống  tham nhũng.”

“NHNN áp đặt lãi suất trần huy động, lợi ích của người gửi tiền sẽ giảm xuống. Tất nhiên là lợi ích đó sẽ được chuyển hóa vào hệ thống ngân hàng.

Nếu áp dụng trần lãi suất cho vay lợi ích của Ngân hàng sẽ giảm và lợi ích đó được chuyển hóa vào doanh nghiệp.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay giải pháp áp trần cho vay có vẻ hợp lý hợn vì ngân hàng đã có nhiều lợi nhuận quá rồi”, đó là ý kiến của email binhchk14@yahoo.com.vn.

Ban Bạn đọc