- Sáng ngày 23/3 trao đổi với VietNamNet, ông Đào Công Hải, Cục phó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Do có thể phải cập bến nhập nhiên liệu và bổ sung thực phẩm ở nhiều cảng khác nhau nên tàu Lissos (Hy Lạp) chở hơn 1.000 lao động Việt Nam từ Libya về nước vẫn chưa thể cập bến Hải Phòng vào ngày 24/3 như dự tính.
Trước đó, con tàu mang tên Hamanasu, số hiệu No.636 chở hơn 1.000 lao động Việt Nam tại Libya về nước đã xuất phát sáng ngày 3/3/2011 từ cảng Benghazi, Libya.
Nguồn tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Theo tin mới nhất từ thuyền trưởng, hiện, con tàu đang ở cảng Singapore để tiếp dầu. Dự kiến, 12h trưa ngày 27/3 (giờ Việt Nam), con tàu trên sẽ về đến Việt Nam. Tuy nhiên, giờ cập cảng còn phụ thuộc vào thời tiết và các yếu tố khác.
Hơn 1.000 lao động Libya vẫn chưa thể về nước vào ngày 24/3 như dự tính. |
Trước đó, ngày 21/3, Ban Chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng đã họp với các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch đón hơn 1.000 lao động từ Libya về nước bằng đường biển.
Theo Đại tá Đoàn Đức Hoàn, Chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng, hiện tàu Lissos (quốc tịch Hy Lạp) chở 1.014 lao động Việt Nam từ Libya về đang từ Srilanka tới Singapore để tiếp liệu và thực phẩm. Dự kiến trưa 27/3 tàu Lissos mới về tới phao số 0 để làm thủ tục nhập cảnh, đến 5 giờ sáng 28/3 sẽ cập Tân Cảng Đình Vũ cho lao động lên bờ.
Hai Công ty Vinaconexmec và VTC corp sẽ bố trí 30 xe ôtô chở lao động. Trên hai tuyến Hải Phòng- Hà Tĩnh và Hải Phòng đi các tỉnh miền núi phía Bắc, ôtô sẽ đưa lao động về từng địa phương. Riêng lao động đơn lẻ các tỉnh khác sẽ được đưa tới bến xe và hỗ trợ tiền tàu xe.
Cảng vụ Hải Phòng và một số đơn vị, ngành liên quan ưu tiên số 1 việc phân luồng, phân tuyến cho tàu Lissos, lựa chọn bến cảng đủ điều kiện có thể đón tiếp chu đáo người lao động; bố trí phương tiện đưa người lao động về từng địa phương với mục tiêu nhanh gọn, bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam trở về từ Libya..
Cũng liên quan tới việc lao động trở về từ Libya, Cục Quản lý lao động nước ngoài cho biết, hiện có khá nhiều doanh nghiệp đề nghị muốn tuyển các lao động vừa trở về. Đó là Tổng Công ty Viglacera, Công ty CP Vinaconex 6, Công ty CP Xây lắp dầu khí Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng và địa ốc Hòa Bình (Hà Nội), Công ty CP Dịch vụ vận chuyển và giao nhận Á Châu, Công ty CP Cầu Đuống, Công ty CP Sản xuất và thương mại Việt Phát, Công ty CP Công trình Viettel…
Để giúp lao động lựa chọn được những công việc thích hợp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng được các lao động, ngày 25/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với Cục Việc làm tổ chức cuộc họp với các công ty kể trên để thống nhất quy trình tuyển dụng. Cuộc họp cũng sẽ bàn các giải pháp thực hiện để thông tin cho các địa phương và người lao động trở về từ Libya một cách hiệu quả nhất.
Vũ Điệp
Tạo điều kiện
giúp đỡ lao động về nước
Cũng để giảm bớt khó
khăn cho lao động Libya phải về nước trước hạn, ngày 21/3, Bộ
LĐTB-XH vừa có Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp ở địa
phương thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn và giải quyết
việc làm cho lao động trở về từ Libya. Trước đó, ngày 14/3/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã Quyết định hỗ trợ người lao động đi làm việc theo hợp đồng tại Libya phải về nước trước hạn. Theo đó, những lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi làm việc tại Libya phải về nước do biến động chính trị tại nước này sẽ được hỗ trợ một lần1.000.000 đồng/người; Người lao động được hỗ trợ học nghề ngắn hạn miễn phí tại các trường, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và được miễn phí tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Ngoài ra người lao động còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư sản xuất kinh doanh tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống; Được tạo điều kiện và hỗ trợ để đi xuất khẩu lao động nếu người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước khác. |