Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Hiện tại có đến 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kết nối thành công với hệ thống này.

Hiện còn 3 tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn chưa hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngày 28/2, trong công điện về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chưa hoàn thành nhiệm vụ kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định.

Điều 21a, Nghị định số 107 năm 2021 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính phải thực hiện kiểm tra dữ liệu điện tử của các thành phần hồ sơ thủ tục hành chính.

Người dân chật vật với thủ tục hành chính khi phải xin xác nhận cư trú. Ảnh: Như Sỹ

Việc chưa thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ảnh hưởng rất lớn đến giải quyết thủ tục hành chính, từ việc khai thác kho dữ liệu thông tin tới công tác báo cáo định kỳ về các thủ tục liên quan. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 nhấn mạnh: Muốn thực hiện thành công Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia thì không chỉ riêng Bộ Công an chuyển đổi mà các bộ, ngành, địa phương cũng phải “chuyển mình” cả về tư duy nhận thức và phương thức hành động. 

"Mệnh lệnh" từ người đứng đầu Chính phủ đã rất rõ, vậy nguyên nhân khiến các địa phương, bộ ngành chậm trễ khi triển khai là gì? Báo VietNamNet đã tìm hiểu tình hình thực tế ở địa phương. 

Bắc Kạn đang "làm lại từ đầu"

Ngày 28/2, ông Nông Văn Niệp, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn xác nhận với VietNamNet, đến nay tỉnh vẫn chưa thể kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Theo ông Niệp, từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, tỉnh triển khai xây dựng hệ thống một cửa điện tử. Dự án này được tỉnh giao thẳng trực tiếp cho Trung tâm công nghệ thông tin (đơn vị thuộc Sở) thực hiện. 

Có hai nhà thầu thực hiện song song dự án gồm Công ty Tân Dân và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. 

"Hai đơn vị này khi xây dựng xong hệ thống thì không thể đấu nối chung với nhau do hai phần mềm khác nhau. Khi triển khai thì tỉnh giao mỗi đơn vị làm một bộ phận, có đơn vị phụ trách cấp huyện, đơn vị còn lại làm cấp sở", ông Niệp nói. 

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công TP Bắc Kạn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn

Theo lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) đã nhiều lần lên kiểm tra, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đủ điều kiện để liên thông dữ liệu. 

"Nguyên nhân chính là do hệ thống chưa đảm bảo an toàn để kết nối. Ngoài ra, dự án chưa được phê duyệt cấp độ an toàn theo Nghị định 85 của Chính phủ", ông Niệp thông tin. 

Đại diện Sở TT&TT tỉnh cho biết, số tiền bỏ ra để xây dựng hệ thống một cửa đến nay lên đến cả chục tỷ đồng, tuy nhiên, phần việc hợp nhất hai hệ thống hiện tại đang giao cho Văn phòng UBND tỉnh thực hiện. 

Đề cập về giải pháp để trong thời gian sớm nhất Bắc Kạn có thể đấu nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Niệp cho biết, "bây giờ phải làm lại quy trình từ đầu". 

Cụ thể, UBND tỉnh đang thực hiện thủ tục xin chủ trương và xây dựng tư vấn. Sau đó sẽ triển khai mời thầu và thi công. Để hoàn tất quá trình này và đưa vào sử dụng, ông Niệp cho biết "có thể hết năm 2023" mới hoàn thiện. 

Đề cập về hệ lụy của việc chậm trễ kết nối, ông Nông Văn Niệp khẳng định: "Việc này ảnh hưởng rất lớn đến giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay các dịch vụ công vẫn phát sinh trên hai phần mềm, tuy nhiên, theo dõi trên cổng dịch vụ công quốc gia thì không thấy vì chưa thể liên thông". 

Trụ sở UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lâm Huy

Phú Yên "vướng" lý do bảo mật

Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Phú Yên thừa nhận việc đấu nối cơ sở dữ liệu quốc gia của địa phương có phần chậm.

Về nguyên nhân chậm, theo đại diện Sở TT&TT Phú Yên là do địa phương vướng về thủ tục, kinh phí khi làm việc các đối tác liên quan.

"Đồng thời, quá trình thực hiện, Bộ Công an yêu cầu phải bổ sung và hoàn thiện thêm một số nội dung, vì yếu tố bảo mật thông tin. Do vậy, địa phương phải hoàn thiện để chuẩn chỉnh. Hiện, Phú Yên đã cơ bản hoàn thiện việc đấu nối, nâng cấp máy chủ và dự kiến trong tuần này sẽ hoàn thành đấu nối cơ sở dữ liệu quốc gia", nguồn tin trên xác nhận.

Còn lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Gia Lai cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư là do "công tác đấu thầu". Ngoài ra, theo đại diện Sở TT&TT Gia Lai, tỉnh đã cấp ngân sách để triển khai dự án, nhưng khâu thực hiện cần hoàn thiện đúng quy định pháp luật. 

Có địa phương đã kết nối nhưng không khai thác

Thống kê của Cục C06 - Bộ Công an cho thấy, qua công tác vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến thời điểm hiện tại một số địa phương có kết quả khai thác, xác thực thông tin công dân cao như: Hà Nội (202.512 lượt), TP.HCM (91.964 lượt), Yên Bái (112.393 lượt), Điện Biên (29.728 lượt)... 

Theo C06, vẫn còn nhiều địa phương mặc dù đã kết nối, hoặc đủ điều kiện kết nối nhưng vẫn hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư như: Sơn La 0 lượt, Bình Phước 10 lượt, Vĩnh Long 4 lượt, Hà Giang 22 lượt, Hòa Bình 16 lượt, Quảng Nam 27 lượt...

Với đầy đủ các trường thông tin cần thiết đã được cập nhật lên hệ thống, theo đại diện C06 nếu khai thác tối đa thì sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, không gây phiền hà với người dân.